Đổi tiền lẻ dịp Tết: Ngân hàng “bó tay”, đổi ngoài bao nhiêu cũng nhận

Thứ tư - 02/05/2018 17:57
Gần một tháng nữa mới đến Tết nguyên đán, nhưng nhiều người đã rục rịch tìm mối để đổi tiền lẻ đi lễ chùa hay mừng tuổi. Tuy nhiên, nếu muốn đổi sang ngang thì phải có "quan hệ", còn không phải đổi ngoài với chi phí đắt đỏ.
Đời sống ngày càng nâng cao khiến cho tiền nhỏ cũng dần trượt giá, các đây 10 năm, tiền mừng tuổi 10.000 đồng đã là “to” với nhiều đứa trẻ. Nhưng hiện giờ, ở thành phố, nhiều người đã mừng tuổi thấp nhất là 20.000 đồng.

Phần vì mừng tuổi ít, nhiều người ngại. Nhưng một phần cũng vì tiền mệnh giá 10.000 đồng bây giờ cũng rất khó đổi tiền mới.

Tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng hay 50.000 đồng vẫn được hỏi đổi nhiều nhất. Sau đó mới đến loại tiền để đi lễ chùa đầu năm như 200 đồng, 500 đồng và 1.000 - 2.000 đồng.

Còn với mệnh giá cao như 100.000 – 200.000 đồng thường có sẵn nên không mất chi phí, có thể đổi ngang dễ dàng. Tuy nhiên, người nào thích tiền mới, cùng số seri thì phải nhờ người quen mới có.

Dù không diễn ra công khai trên như trước kia, nhưng hoạt động đổi tiền lẻ vẫn không giảm đi mà đã chuyển sang hoạt động bí mật với nhiều hình thức hơn như: mua bán qua điện thoại, qua mạng và dịch vụ ship hàng tận nơi.

Thử liên lạc với số điện thoại 0983.930.xxx để hỏi về việc đổi tiền lẻ thì được người bán chào mời khá nhiệt tình và khẳng định: “Em thích đổi bao nhiêu chị cũng có. Em có thể kiểm tra khi hàng đến, đúng thì lấy không thì thôi. Đảm bảo 100% tiền thật.”

Ảnh người bán cung cấp

“Nhưng mệnh giá khác nhau thì phí đổi khác nhau. Loại tiền hot có mệnh giá 10.000 đồng thì chi phí là 10%, mệnh giá 20.000 đồng là 8%, còn tiền mới 50.000 đồng sẽ mất 4% tổng số tiền em đổi”, người đổi cho biết.

Còn với các loại tiền lẻ để đi chùa, do có mệnh giá thấp nên chi phí đổi khá cao.

Người đổi tiền này hét giá với tiền có mệnh giá 1.000 đồng lên tới tận 20%, tương đương với mức phí 200.000 đồng cho 1 triệu đồng tiền 1.000 đồng. Các loại tiền khác có mệnh giá 2.000, 5.000, 10.000 đồng cùng mức đổi là 120.000 đồng cho 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi biết là PV hỏi dò giá đổi tiền những ngày giáp Tết thì người bán tỏ ra khá dè dặt không chịu chia sẻ thêm và chỉ nói rằng “Giá thay đổi quanh năm, khi nào có nhu cầu sẽ thông báo lại”.

Còn với loại tiền nhỏ như 100, 200, 500 đồng thì người bán trả lời thẳng là không “làm”. Tuy nhiên, không rõ rằng không làm ở đây có nghĩa là gì!?

Không đổi ngoài, người dân đổi tiền ở đâu

Chị N.T.T. Phương đang là giáo viên Hải Dương, năm nào chị cũng có nhu cầu đổi tiền lẻ nhưng không đổi ngoài, mà nhờ một số người quen để đổi. Dù rất muốn đổi nhiều nhưng chị Phương cũng chỉ có thể đổi được 1 triệu đồng loại tiền 20.000 đồng mới cứng cùng số seri và 1 triệu đồng tiền 20.000 loại cũ hơn.

Loại tiền cũ hơn đó chị Phương đổi qua một người quen làm cây xăng. Nhưng, tiền đó cũng chỉ là loại nhặt nhạnh các đồng mới chứ cũng không có sẵn để đổi.

Dịch vụ đổi tiền lẻ hóa ra khá đắt đỏ

Chị Yến có chồng làm tại kho bạc cũng thường xuyên được bạn bè nhờ đổi tiền. Chị cho biết: “Chồng tôi thường đổi cho nhân viên ở ngân hàng Nhà nước. Tiền do ngân hàng Nhà nước phát hành thì mới có.”

“Các mệnh giá nhỏ rất hạn chế phát hành vì chồng tôi cho biết, tiền công in ấn còn cao hơn cả giá trị nên rất ít có. Năm ngoái đã không có nhiều để đổi giúp người quen, năm nay tình trạng chắc cũng không khá hơn”, chị Yến cho biết thêm.

Là một nhân viên ngân hàng trên đường Phan Chu Trinh (Hà Nội), anh Ngô Xuân Quý cho biết: “Gần Tết, rất nhiều người nhờ tôi đổi tiền giúp vì biết làm ngân hàng. Nhưng định mức của một người trong cơ quan chỉ được đổi khoảng 2 – 3 triệu đồng tiền lẻ các mệnh giá. Nhiều họ hàng nhờ đổi quá nên tôi cũng phải nhờ bạn bè đổi giúp.”

“Tết năm nào cũng phải đổi đổi khoảng 30 triệu đồng tiền lẻ. Nhưng đổi được thì cũng toàn tiền 50.000 đồng là chủ yếu. Mệnh giá nhỏ như tiền 10.000, 20.000 đồng thì chỉ đổi được khoảng 2 – 3 triệu đồng”, anh Quý cho biết thêm.

Chị Phan Thị Ngọc Lý đang làm tại phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại cho biết: “Tiền lẻ tại đây gần như không bao giờ có. Khách cũng hay qua đây đổi nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.”

“Thậm chí có khi cả tuần liền không có cọc tiền 20.000, 50.000 đồng nào chứ chưa nói tới tiền nhỏ hơn. Nên nếu có tiền lẻ loại mới thì cũng sẽ giữ lại để đổi cho nội bộ nhân viên chứ không đổi ngoài”, chị Lý cho biết thêm.

Theo Thế Hưng Dân trí

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây