Sáng 11/5, gần 2 tháng kể từ khi chính thức thi công, chúng tôi có mặt tại công trường dự án củng cố, nâng cấp đê Hữu Phủ. Trái ngược với hình ảnh sôi động thường thấy trong thi công các công trình thủy lợi dịp đầu hạ - với tiết trời khô khén, cực kỳ thuận lợi cho việc đắp đê - công trường im bặt tiếng xe máy, còn công nhân thì nằm không trong lán chờ việc. Hỏi ra mới hay, công trường vừa bị chủ đầu tư tạm dừng thi công do đất đắp đê không theo thiết kế ban đầu.
Toàn bộ xe máy và nhân công của Công ty CP Thương mại và dịch vụ Nga Sơn hiện phải nằm chờ việc lấy đất đắp đê theo thiết kế ban đầu |
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại và dịch vụ Nga Sơn, đại diện đơn vị thi công công trình cho biết, khởi công từ cuối năm 2011 nhưng do gặp phải thời tiết mưa nhiều nên đến đầu tháng 3 - 2012, đơn vị mới chính thức triển khai thi công. Sau gần 2 tháng tập trung máy móc, nhân lực, Công ty đã đào đắp hàng ngàn khối đất đắp mở rộng mặt cắt đê từ 2 - 3 m ra 5m trên chiều dài gần 800m và đã đạt cao trình khoảng 0,7/2,7m. Tuy nhiên, trong quá trình đắp đê, do không thể tháo cạn nước phía đồng nên đơn vị buộc phải đắp chân đê lấn bùn (sau khi đã bóc phong hóa), đồng thời cũng để làm đường công vụ thi công các công trình trên tuyến (cống Đò Bang) nên buộc phải sử dụng đất đồi có hàm lượng cát lớn. Theo đó, đơn vị chọn loại đất ở núi Nam Giới (xã Thạch Đỉnh - Thạch Hà) thay vì mỏ đất được chỉ định ở xã Thạch Điền (Thạch Hà). Dĩ nhiên, toàn bộ quá trình thi công, đơn vị đều báo cáo và được sự chấp thuận của tư vấn giám sát (Công ty CP tư vấn xây dựng cơ sở hạ tầng) và chủ đầu tư (BQL các dự án XDCB huyện Thạch Hà).
Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Doãn - Giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng cơ sở hạ tầng, đại diện tư vấn giám sát cho hay, khu vực chân đê phía đồng đoạn từ K9+200 - K9+800 là vùng trũng chứa nước ngọt duy nhất phục vụ hơn 20 ha đất trồng lúa của xã Thạch Khê nên chính quyền địa phương không cho tháo cạn để thi công. Mặt khác, trong thiết kế không có khối lượng đắp đê quai nên để giải quyết vấn đề đó, đơn vị thi công đề xuất biện pháp đắp lấn dần trong nước. Song, muốn đáp ứng dung trọng khô thiết kế và độ ổn định của nền đê thì phải sử dụng đất đồi có hàm lượng cát lớn. Qua kiểm tra thực địa, xét thấy phương án này khả thi (có thể đẩy nhanh tiến độ) và trên cơ sở đồng ý của chủ đầu tư cho phép đắp đến cao độ +0,65m nên tư vấn giám sát đã cùng đơn vị thi công kiểm tra mỏ đất ở xã Thạch Đỉnh và tiến hành đắp theo phương án này.
Tuy không theo thiết kế nhưng việc lấy đất ở mỏ Thạch Đỉnh lại phù hợp cho việc san nền |
"Chúng tôi nhận thấy phần chân đê đoạn từ K9+200 - K9+800 sử dụng đất ở mỏ Thạch Đỉnh đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không ảnh hưởng đến an toàn của đê sau khi đưa vào sử dụng. Dĩ nhiên, phần đắp dư trên cao độ +0,65m cần được gạt bỏ và đắp tiếp bằng loại đất có thành phần hạt theo yêu cầu thiết kế", ông Doãn khẳng định.
Không giải thích nhiều như đại diện đơn vị thi công và tư vấn giám sát, ông Phạm Quang Thái - Phó Giám đốc Công ty CP tư vấn và xây dựng công trình miền Trung, trong công văn gửi chủ đầu tư, đã xác định, loại đất đắp đê mà đơn vị thi công thực hiện là đất cát pha chứa nhiều dăm sạn màu xám vàng, xám trắng, lực dính kết kém khi thành phần hạt sét chỉ đạt 4,3%, thành phần hạt cát và sỏi sạn chiếm 89%, còn lại hạt bụi chiếm 6,7%. Từ đó, đại diện tư vấn thiết kế khẳng định, đất đắp đê đoạn từ K9+200 - K10 không đủ tiêu chuẩn.
Không lường hết khó khăn trong thi công nên tư vấn thiết kế đã đẩy nhà thầu vào thế bí |
Xâu chuỗi vấn đề, ông Trần Quốc Việt - Trưởng BQL các dự án XDCB huyện Thạch Hà, cho rằng, theo thiết kế, toàn bộ đất đắp đê được lấy ở mỏ Thạch Điền, song, trên thực tế thi công đã phát sinh những vướng mắc khi vị trí mỏ đó không khả thi do đường sá vận chuyển khó khăn. Qua xem xét thực tế cũng như phương án thi công của nhà thầu, Ban nhận thấy đây là biện pháp tích cực nhằm giảm bớt kinh phí và góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình. Theo đó, Ban cùng tư vấn giám sát đã kiểm tra thực tế hiện trường và chấp thuận cho đơn vị thi công sử dụng đất ở mỏ Thạch Đỉnh để đắp đến ngang mặt nước và yêu cầu đơn vị thi công chỉ được sử dụng loại đất này để đắp lấn trong nước; phần đắp vượt cao trình (khoảng 35cm) sẽ phải gạt bỏ để đắp tiếp lớp đất đảm bảo yêu cầu.
"Công văn số 65/CV-BA ngày 26/4/2012 của BQL dự án về việc tạm dừng lấy đất tại mỏ Thạch Đỉnh cho thấy, chủ đầu tư luôn đặt vấn đề chất lượng công trình lên hàng đầu nên rất tôn trọng ý kiến trong quá trình giám sát tác giả của tư vấn thiết kế", Trưởng ban Việt nhấn mạnh.
Nói về hướng xử lý tiếp theo, ông Việt cho biết thêm, BQL dự án đã yêu cầu đơn vị thi công nghiên cứu phương án khai thác đất ở mỏ Thạch Điền, trong trường hợp không thể lấy được nữa thì mở rộng vùng vật liệu đắp đê ra các địa phương khác như ở Mỹ Lộc (Can Lộc) nhằm tranh thủ thời tiết khô ráo để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đối với khối lượng phần nền đê đã đắp, đề nghị đơn vị thi công phối hợp với kỹ thuật chủ đầu tư và tư vấn giám sát tiến hành kiểm tra, nghiệm thu khối lượng đất đã đắp từ mỏ Thạch Đỉnh để làm cơ sở thanh toán sau này.
Dự án củng cố, nâng cấp đê Hữu Phủ có tổng mức đầu tư 192,5 tỷ đồng, trong đó, gói thầu 1 (đoạn từ K4+300 - K10+00) hiện đang triển khai trị giá 74,5 tỷ đồng. Công trình gồm 1 tuyến đê cấp IV dài gần 10km với chiều rộng mặt đê 5m (cứng hóa bằng bê tông), mái đê phía sông (m=2,5) được gia cố bằng đá hộc lát trong khung bê tông cốt thép, mái đê phía đồng (m=2) được gia cố bằng trồng cỏ chống xói, chân đê được khóa bằng bê tông cốt thép, phía ngoài băng đá hộ chân đê là dải băng trồng cây chắn sóng bảo vệ (cây đước) rộng trung bình từ 20 - 25m. Sau khi hoàn thành, công trình đảm bảo chống lũ triều cường, bảo vệ dân cư, cơ sở hạ tầng và đất sản xuất, góp phần mở rộng mạng lưới giao thông và tạo cảnh quan môi trường trong khu vực. |
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn