Đi tìm lời giải cho hiện tượng rắn tự tử ở đền Cây Chay

Thứ năm - 08/06/2017 21:01
(Hatinhnews) - Những ngày qua, người dân xã Phú Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đang xôn xao về việc có khoảng 10 con rắn hổ chúa chết rải rác trên sông.

Cũng bởi số rắn được phát hiện nằm ngay trước cổng ngôi đền Cây Chay, một ngôi đền được cho là rất linh thiêng tại địa phương, nên có nhiều câu chuyện liên quan đến tâm linh đã được người dân thêu dệt...

Huyền tích ngôi đền cổ

Đền Cây Chay nằm trên địa phận xóm 2, xã Phú Phong, bên tả ngạn của dòng sông Tiêm chảy từ thác Vũ Môn đổ về. Từ xưa đền đã là nơi tín ngưỡng linh thiêng của nhân dân trong vùng. Theo truyền thuyết, có một con rắn khổng lồ mang quả bưởi thả xuống dòng sông phía trước miếu Trần Lâm (nơi thờ chị của bà Đại Càn - người nước Tống đã có công giúp vua nhà Trần) trôi dạt về đến vực Cây Chay thì nổi lên, nên nhân dân lập đền thờ ở Cây Chay. Đền có vị trí thuận lợi về phong thủy. Trong đền có nhiều di tích cổ như cột nanh, cổng tam quan, tắc môn, nhà bái đường. Đi vào phía trong khu vực đền, 3 điện thờ được xây dựng thờ bà Thánh Mẫu, bà Thanh Y Ngọc Nữ, bà Tiên Giang, bà Đại Càn. Điện thứ nhất có diện tích 2,7m2, điện 2 diện tích là 2,52m2, điện 3 diện tích là 2,38m2. Cả 3 điện thờ đều là nền xây 3 cấp, chân cột kê bằng đá vuông, mái lợp tranh cọ, xung quanh ghép gỗ. Phía trước cửa thờ mỗi điện đều nhô ra hình 2 đầu rồng ngậm hạt ngọc, chạm bằng gỗ. Xung quanh mỗi điện thờ được trang trí tỉ mỉ, với các bức chạm gỗ hình chim phượng cắp cuốn thư, hạc cưỡi lưng rùa, cá chép hóa rồng, vân mây, hoa lá chạm khắc hài hòa có dáng dấp của đời Lê Nguyễn. Bên cạnh những bức chạm khắc rồng phượng tương xứng với những họa tiết sóng, nước, mây, trời. Những bức cuốn thư, hoành phi, câu đối… đều được chạm khắc, sơn son thếp vàng mang vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc độc đáo.

Một vài người dân địa phương kể lại, vào những năm đầu của thế kỷ trước vào các ngày Sóc vọng (ngày 1, 15, 30 hàng tháng) có một đôi rắn dài gần 10m cứ "rủ nhau" bò vào đền "xin lộc". Ban đầu ai cũng sợ hãi bởi dáng vẻ bề ngoài của cặp rắn này. "Hình thù của đôi rắn rất quái dị, to lớn gấp mấy lần rắn bình thường. Đôi mắt chúng sáng quắc, sắc như dao, chiếc mào đỏ chót, lấp lánh. Có người nói đó là giống trăn mới to thế, nhưng nó lại có răng nanh" - một lão nông hơn 80 tuổi sống tại Phú Phong cho biết. Tuy nhiên, khác với vẻ bề ngoài, "tính khí" đôi rắn này lại rất hiền lành, không tấn công bất cứ ai. Có lần, một ông từ coi đền sợ rắn tấn công nên dùng gậy khều nhẹ, đuổi cặp rắn ra cửa. Dường như hiểu được "ý định" nên cặp rắn cứ cuộn tròn thành một đống, đầu cúi xuống đất và tuyệt nhiên không có ý tấn công. Kể từ đó, trong nhiều năm trời, cặp rắn lạ này cứ ẩn mình sau những cây cối um tùm nơi cửa đền thanh tịnh. Đã có nhiều người khẳng định rằng tận mắt nhìn thấy cặp rắn, nhưng tuyệt nhiên đôi rắn không làm hại bất cứ ai, cũng không đụng vào thức ăn của đền. Điều lạ hơn là mỗi khi cặp rắn này xuất hiện lại đem tới may mắn, sự phồn vinh cho vùng quê Phú Phong…


Hai con rắn hổ chúa cuốn vào nhau cùng chết. Ảnh: TL

Phát hiện "thần rắn" tự tử hàng loạt

Chiều ngày 15-4-2012, một người dân địa phương tên là T. đã phát hiện nhiều con rắn hổ chúa, loài động vật hoang dã rất quý hiếm, chết rải rác ngay trước cửa đền Cây Chay. Con lớn nhất nặng khoảng 8kg, con nhỏ nhất cũng khoảng trên 1kg. Anh T. kể: "Lúc đầu, tôi chỉ thấy một con nằm ngay giữa cửa đền. Đi thêm mấy bước nữa, thấy 2 con quấn vào nhau bên mép nước (cổng đền tiếp giáp với bờ sông Tiêm). Thấy lạ, tôi đã gọi mọi người trong xóm ra xem. Sau đó, người ta đếm được gần 10 con nằm rải rác bên bờ sông". Ông Nguyễn Văn Trác, 78 tuổi, Trưởng ban Nghi lễ đền Cây Chay chia sẻ: "Nghe người ta nói thì nhiều, với các con số khác nhau nhưng tôi chỉ biết có 6 con rắn đã chết và trôi dạt về đền Cây Chay hôm 15-4-2012. Cũng vì rắn chết trước cửa đền nên người dân hiếu kỳ đến xem rất đông và khiến nơi thanh tịnh này trở nên xáo trộn. Có người còn khẳng định rằng trong đền có nuôi một đôi rắn thần để bảo vệ người dân, giờ rắn chết rồi, ai sẽ đứng ra bảo vệ họ đây…".

Theo ông Trác, đền Cây Chay thờ Đức Thánh sông Tiêm, vốn rất linh thiêng. Từ năm 2000 đến nay, người dân đến đây dâng hương nhiều hơn vì vào năm đó, có một con rắn hổ chúa cụt đuôi (nhiều người cho rằng đây là một trong 2 con rắn trong truyền thuyết) đã đẻ ra 12 quả trứng ngay tại cổng đền. Người dân địa phương đã bảo vệ và để cho 12 con rắn ra đời an toàn. "Do địa điểm của đền nằm cạnh sông, yên tĩnh, nên buổi trưa, lũ rắn hay ra phơi nắng nơi cửa đền này. Nhiều người dân vẫn xem những con rắn này là biểu tượng của tâm linh, gọi là “rắn thần”, không ai dám bắt. Nhưng những con rắn vừa chết ở đây lại lớn hơn nhiều so với rắn đang sinh sống tại đền mà tôi đã bắt gặp" - ông Trác cho biết. Một người dân địa phương chia sẻ thêm: "Ở đền này có một con rắn rất to, đã nhiều người thấy, thi thoảng xuất hiện rồi biến mất. Cũng chính vì vậy mà giờ rắn chết hàng loạt trước cửa đền khiến người dân hoang mang, thêu dệt nhiều chuyện…".

Trước thông tin này, đại diện Hạt Kiểm lâm Hương Khê cho biết: "Nhận được tin báo, Hạt đã cử cán bộ xuống hiện trường kiểm tra. Việc rắn chết ngay trước cửa đền là có thật nhưng nguyên nhân thì chưa thể xác định được. Một cán bộ huyện Hương Khê cũng cho hay: "Dân chúng đang đồn thổi, nặng nề về chuyện tâm linh. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây có thể do một tay buôn động vật hoang dã nào đó để "hàng" chết nên mang ra đó vứt chứ ở đây khó có thể có nhiều rắn hổ chúa và có rắn to như vậy được". Nhưng nhiều người cho rằng, loại rắn quý hiếm này, nếu có bị chết với số lượng lớn như vậy thì họ cũng sẽ đem nấu cao chứ không ai dại gì mà vứt đi. Có thể đây là hiện tượng tự tử tập thể của loài rắn hổ chúa, nhưng để tìm hiểu nguyên nhân tại sao hàng loạt rắn lại rủ nhau tìm đến cái chết thì vẫn chưa được lý giải cụ thể.

Đi tìm nguyên nhân

Nếu theo giả thuyết số rắn hổ chúa trên rủ nhau tự tử, thì câu hỏi đặt ra sẽ là: Điều gì khiến cho loại vật này cùng tìm đến cái chết? Câu trả lời được đưa ra: Đối với một số loài động vật như mối, bọ cạp, rắn..., bản thân chúng sinh ra đã mang trong mình "gen tự sát". Việc cùng tìm đến cái chết trong một số hoàn cảnh nào đó giống như hành động theo bản năng di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với sự chọn lọc tự nhiên, để có lợi nhất cho sự phát triển của nòi giống.

Có quan điểm khoa học cho rằng, hiện tượng này là biểu hiện của quy luật tự nhiên về cân bằng sinh thái đó là loại bỏ số khẩu dư thừa trong một cộng đồng. Như sự tự sát của những con chuột ở Na Uy là một ví dụ. Chúng ý thức được tình trạng thiếu thốn thức ăn nên đã tự nguyện nhận lấy cái chết để những con còn lại không bị chết đói. Song, cơ chế nào dẫn đến hành động tự sát tập thể của những loài vật này và hành động đó "có ý thức" hay không thì cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Trở lại với cuộc tự sát tập thể của rắn hổ chúa tại xã Phú Phong, nếu số rắn này được phát hiện ở một địa điểm khác, chắc không khiến dư luận quan tâm nhiều như vậy. Nhưng điều kỳ lạ, những con vật quý hiếm này lại chết ở ngay cửa ngôi đền thiêng nên khiến người dân hoang mang là điều dễ hiểu.

Sự việc rất cần một lý giải thuyết phục mang tính khoa học để dẹp tan những lời đồn mê tín dị đoan ở xã Phú Phong.


Theo Pháp luật & xã hội

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây