Dân tố chính quyền thu hồi đất nuôi trồng thủy sản vi phạm luật

Thứ tư - 07/06/2017 15:26
Gần 100 triệu tiền tôm, cua đang nằm dưới hồ. Bây giờ xã lấy lý do đắp bờ ngăn địa giới hành chính 2 xã Thạch Sơn, Thạch Long để thu hồi đất thì ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho gia đình tôi?
Ông Dũng lo lắng khi xã Thạch Sơn đắp bờ ngăn địa giới hành chính sẽ gây thiệt hại lớn diện tích NTTS phía Thạch Long cho thuê đất


3ha đất nuôi trồng thủy sản (NTTS) của xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, được hộ ông Nguyễn Tiến Dũng, trú thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long canh tác gần 20 năm qua.

Đùng một cái, năm 2014 xã Thạch Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) diện tích trên cho ông Nguyễn Văn Kỳ mà không thực hiện quy trình thu hồi đất, dẫn đến việc tranh chấp không đáng có.

Giờ đây, ông Kỳ mệt mỏi đi đòi đất, ông Dũng yêu cầu đền bù tài sản trên đất, còn chính quyền xã loay hoay... đi tìm hồ sơ để sửa sai.

Trong đơn ông Nguyễn Tiến Dũng gửi cho Báo NNVN nêu rõ, năm 1992 ông Lê Đình Tấn và Nguyễn Hữu Phước, công dân xã Thạch Long xin UBND 2 xã Thạch Sơn, Thạch Long đắp bờ bao NTTS trên diện tích gần 20ha (trong đó Thạch Sơn 16ha) tại khu vực đầm Hà Lầm. Sau khi thực hiện đắp bờ bao xong, để hợp thức hóa việc giao đất, xã Thạch Sơn cấp GCNQSDĐ cho 5 hộ dân thuộc xã Thạch Sơn (mỗi hộ 3ha), còn người sử dụng, sản xuất là ông Tấn và ông Phước.

Ngày 1/10/1997 ông Lê Đình Tấn và Nguyễn Hữu Phước thống nhất chuyển nhượng 10/20ha (xã Thạch Long 7ha; Thạch Sơn 3ha) cho ông Nguyễn Tiến Dũng “sản xuất lâu dài”.

Kể từ đó, ông Dũng đầu tư tiền của nuôi tôm, cua, cá. Đến năm 2006, ông Tấn có đơn trả lại diện tích 3ha mang tên vợ chồng ông Nguyễn Hữu Đề, bà Nguyễn Thị Huệ cho xã Thạch Sơn. Lúc này xã Thạch Sơn ký hợp đồng cho ông Dũng thuê lại để NTTS với thời hạn 4 năm (2006 - 2009), phí nuôi trồng hộ dân phải đóng 840.000 đ/năm.

“Năm 2009 sau khi hết hạn hợp đồng tôi làm đơn xin hợp đồng lại nhưng ông Niêm, Chủ tịch xã thời đó hứa, khi nào làm đê Hữu Nghèn xong sẽ làm lại thủ tục cho tôi thuê vì lý do bìa đất đó đến năm 2014 hết hạn rồi cấp lại. Đùng một cái, năm 2014 diện tích 3ha trên được chuyển nhượng từ ông Nguyễn Hữu Đề sang cho ông Nguyễn Văn Kỳ ở xã Thạch Long”, ông Dũng nói. Sau khi được cấp GCNQSDĐ, ông Kỳ đến đòi đất thì phát sinh mâu thuẫn.


Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn thừa nhận chính quyền quản lý đất chưa chặt chẽ

Đem vấn đề này lên hỏi ông Trần Công Trung, Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn, ông Trung nói: “Hiện ông Dũng đang yêu cầu đền bù tài sản trên đất nhưng vì ông Dũng nuôi trồng sai quy định nên xã không thể bồi thường”. PV hỏi: Xã biết ông Dũng sản xuất trái quy định nhưng không có chế tài xử lý là đúng hay sai?, ông Trung thừa nhận: “Đúng là quản lý đất thời gian trước chưa chặt chẽ. Theo nguyên tắc hết hợp đồng phải xử lý ngay nhưng thời điểm đó không xử lý được là có lý do”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng bức xúc: “Vợ chồng tôi đã khai hoang, đầu tư hơn 500 triệu đồng để có được hồ NTTS như bây giờ, đó là chưa kể gần 100 triệu tiền tôm, cua đang nằm dưới hồ.
Bây giờ xã lấy lý do đắp bờ ngăn địa giới hành chính 2 xã Thạch Sơn, Thạch Long để thu hồi đất thì ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho gia đình tôi? Theo tôi thấy, xã lấy lý do đắp ranh giới địa giới hành chính chỉ là cái cớ, bởi chẳng có ai đắp địa giới hành chính trên mặt nước cả”.

Năm 2006 - 2009 đất thuộc quyền sở hữu của ông Đề, xã lấy cơ sở nào đứng ra hợp đồng cho thuê đất với ông Dũng? - PV hỏi tiếp, ông Trung nói: “Chắc bà Huệ (vợ ông Đề) có ủy quyền cho xã quản lý”, nhưng khi PV xin tiếp cận văn bản ủy quyền thì ông Trung bảo “xã đang cho người lục lại hồ sơ”.

Ông Trung cũng nhiều lần nhắc đi nhắc lại, mọi hồ sơ liên quan đến vụ việc trên do cán bộ xã thời kỳ trước làm, ông mới lên giữ chức Chủ tịch nên không biết.

Còn lý do vì sao năm 2009 ông Dũng xin hợp đồng thuê lại diện tích 3ha nhưng không được xã chấp thuận, ông Trần Công Trung lý giải: “Do ông Dũng thực hiện không tốt phí NTTS hàng năm”.

Trái ngược với câu trả lời của ông Trung, ông Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: “Trong thời gian hợp đồng với xã năm nào tôi cũng nộp lệ phí thuê đất đầy đủ theo quy định”. Đồng thời cho hay, năm 2013 ông vẫn nộp 1.400.000đ phí NTTS cho UBND xã Thạch Sơn.

Đối với việc cấp GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Văn Kỳ, theo điều tra của NNVN, UBND xã Thạch Sơn không chỉ làm ngược quy trình mà còn bất chấp luật pháp.

Cụ thể, theo quy định, chính quyền địa phương muốn cấp mới, cấp lại, chuyển nhượng GCNQSDĐ cho hộ dân phải đảm bảo các yếu tố: Người đang sử dụng đất có đơn xin trả đất; trích lục bản đồ địa chính; ký giáp ranh với các hộ có diện tích đất liền kề diện tích bị thu hồi; Quyết định thu hồi đất. Tất cả các thủ tục trên đều phải có chữ ký của người đang sử dụng đất. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, xã Thạch Sơn chưa thực hiện quy trình này nhưng vẫn cấp GCNQSDĐ cho ông Kỳ.

“Quy trình thu hồi đất chưa có mà xã Thạch Sơn đã cấp GCNQSDĐ cho hộ khác là sai. Theo tôi, ông Dũng đã có công khai hoang từ mấy chục năm nay, hơn nữa đang chính vụ sản xuất của họ nên bây giờ nhà nước thu hồi đất thì cũng cần có chính sách đền bù, hỗ trợ tài sản trên đất cho họ”, ông Nguyễn Phi Trưng - Chủ tịch UBND xã Thạch Long nói.


Năm 2013, ông Dũng vẫn nộp phí NTTS cho xã Thạch Sơn

Ông Trưng cũng bày tỏ lo ngại, ông Dũng và ông Kỳ đều là công dân Thạch Long, nếu không xử lý dứt điểm vấn đề trên để xảy ra tranh chấp thì Thạch Long cũng liên đới, phải xử lý hậu quả.

“Do đó, chúng tôi mong Thạch Sơn làm đúng luật để tránh xung đột”.






Theo Thanh Nga Báo nông nghiệp Việt Nam

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây