Theo điều tra của Tổng cục Thống kê về biến động Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, hiện tại Việt Nam đang có được một cơ cấu dân số “vàng” với ít nhất hai người trong độ tuổi lao động “nuôi” một người trong độ tuổi phụ thuộc. Giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng 30 - 35 năm.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thọ, Trưởng khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn Trường đại học Văn Hiến, cơ cấu dân số “vàng” là cơ hội lịch sử có một không hai, là điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế, xã hội. Với lực lượng lao động dồi dào, trình độ ngày một nâng cao, Việt Nam đang dần trở thành một địa điểm lý tưởng thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đà cho sự phát triển kinh tế.
Song song với đó, các nhu cầu về y tế, giáo dục cũng được quan tâm hơn. Biểu thị qua việc cải thiện sức khỏe, nâng cao tuổi thọ trung bình… Nếu năm 1960, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 40 tuổi - bằng mức một số nước châu Phi, nơi đang chịu tác động mạnh của dịch HIV/AIDS thì vào năm 2012 tuổi thọ bình quân của Việt Nam đã là 73 tuổi. “Đây có thể coi là một thành tựu rất đặc biệt của nước ta trong bối cảnh chiến tranh và nghèo khó kéo dài”, PGS.TS Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.
Bác sĩ Đặng Phi Yến, Trưởng phòng Dân số - Kế hoạch hóa TP.HCM cho biết, tỷ lệ sinh giảm từ mức 6,4 con năm 1961 xuống còn 1,99 con vào năm 2011. Duy trì mức sinh hợp lý, tiến tới ổn định quy mô dân số, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân bổ dân số đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 -2020.
Dân số đông cũng tạo một áp lực khá lớn lên lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông… của nước ta (Ảnh: Thế Yên)
Thách thức với 90 triệu dân
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, theo các chuyên gia, dân số với 90 triệu người đã mang đến không ít khó khăn thách thức cho sự phát triển của nước ta.
Việc số lượng người trong độ tuổi lao động quá cao đã đặt ra một áp lực rất lớn trong vấn đề tạo công ăn việc làm, bảo hiểm xã hội…
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, mỗi năm, TP.HCM tuyển dụng khoảng 270.000 lao động, trong đó có khoảng 1/2 là chỗ làm mới, còn lại là lao động thay thế. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng người đổ về TP.HCM để tìm kiếm cơ hội việc làm hàng năm lại lớn hơn gấp vài lần. Chính điều này đã tạo nên một sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường lao động, khiến không ít người “dở khóc dở cười” khi không tìm được việc làm.
Theo một chuyên gia kinh tế, nếu dân số tăng 1%, kinh tế phải tăng thêm 3 - 4% mới có thể đảm bảo được sự phát triển xã hội một cách liên tục và bền vững. Với dân số 90 triệu người, nước ta đang phải đối mặt với một thách thức không nhỏ trong vấn đề an ninh, lương thực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng… Dân số đông cũng tạo một áp lực khá lớn lên lĩnh vực y tế, giáo dục của nước ta.
Bác sĩ Đặng Phi Yến cho rằng, mặc dù đã có nhiều biện pháp để tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng nhưng so với các nước trên thế giới và khu vực, chúng ta mới chỉ ở mức trung bình thấp. Điều này một phần đến từ việc dân số quá đông, trong khi ngân sách chi cho các hoạt động này thì có hạn. Điều tương tự cũng đang xảy ra đối với ngành giáo dục, khi tại nhiều địa phương, tình trạng thiếu trường, thiếu lớp vẫn là điều làm đau đầu nhiều cấp lãnh đạo.
Một vấn đề cần được quan tâm nữa là sự mất cân bằng giới tính giữa trẻ sơ sinh nam và nữ. Theo thống kê, hiện tỷ lệ sinh của nước ta hiện nay là 112,3 trẻ sơ sinh nam/100 trẻ sơ sinh nữ. “Hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh là nhãn tiền. Các nhà nghiên cứu dự báo VN sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050, kéo theo đó là một bộ phận nam giới sẽ phải trì hoãn việc kết hơn và nhiều người không thể kết hôn gây khủng hoảng thị trường hôn nhân; gia tăng các hoạt động mại dâm, cưỡng dâm, bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái”, ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết tại buổi họp báo và phát động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam diễn ra ngày 5/12/2012.
Để chào đón sự kiện công dân thứ 90 triệu ra đời, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế sẽ tổ chức hai chương trình lớn: “90 triệu bước chân con cháu Lạc Hồng” vào sáng 2/11 tại đường Trường Sa - Hoàng Sa (quận 3, TP.HCM) và Đêm nhạc hội “90 triệu trái tim yêu Việt Nam” vào lúc 20h ngày 2/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế cũng sẽ chào đón sự ra đời của công dân thứ 90 triệu tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn