Ngày 19/6, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã có tờ trình đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính nhằm tổng hợp và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất lúa vụ Xuân năm 2017 cho người dân.
Theo đó, đối tượng đề nghị hỗ trợ là các hộ nông dân có diện tích lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất lúa vụ Xuân thuộc 13 huyện, thành phố, thị xã.
Trong tờ trình ghi rõ, tổng kinh phí hỗ trợ theo quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản 1 Điều 5, Nghị định 02/2017/NĐ-CP là 33.958.860.000 đồng. Cụ thể: Diện tích lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha; diện tích lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 3 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha.
Dân mất trắng vụ mùa,UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị được Trung ương hỗ trợ khắc phục. Ảnh Hoài Nam
“Hiện nay tỉnh Hà Tĩnh đang là tỉnh nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương. Vì vậy, căn cứ cơ chế hỗ trợ quy định tại Điểmb Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ; kính đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh 70% kinh phí từ ngân sách Trung ương, tương ứng với số tiền 23.771.200.000 đồng”, văn bản nêu.
Được biết, vụ sản xuất lúa Xuân năm 2017, Hà Tĩnh gieo cấy 58.785 ha lúa, nhưng bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh, diễn biến nhanh đã gây thiệt hại nặng nề cho hơn 20.782 ha lúa. Trong đó, thiệt hại từ 30-70% hơn 7.633 ha; thiệt hại trên 70% hơn 13.149 ha. Đây là con số chưa từng có trong lịch sử nông nghiệp Hà Tĩnh.
Theo nhận định ban đầu, hiện tượng lúa chết hàng loạt trước ngày thu hoạch là do bệnh đạo ôn cổ bông. Ảnh Hoài Nam
Trước đó, trao đổi với PV, ông Nguyên Tuấn Thanh, Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân gây lúa chết hàng loạt là do bệnh đạo ôn cổ bông. Từ trước đến nay tại tỉnh chưa năm nào bị thiệt hại nhiều như vậy.
"Theo ước tính hằng năm thì chưa năm nào thiệt hại vượt quá 10%. Như năm nay, người dân trồng giống lúa Thiên Ưu là thiệt hại xem như mất trắng vụ mùa. Nguyên nhân gây nên mầm bệnh này là do diễn biến thời tiết phức tạp, người dân chưa kịp thời phòng tránh", ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, thì vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là bài toán an sinh.
"Vấn đề an sinh hiện nay là lo ngại nhất. Phía các huyện cũng đã đặt ra vấn đề này, tuy nhiên trước mắt vẫn chưa có giải pháp cụ thể".
Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Tĩnh từng khẳng định: "Có 4 nguyên nhân chính khiến bệnh đạo ôn cổ bông gây hại diện rộng gồm: Thời tiết; thâm canh không cân đối, bón nặng đạm về sau; người dân chủ quan trong công tác phòng trừ và giống lúa Thiên ưu 8 kháng kém bệnh đạo ôn".
Được biết, loại lúa Thiên Ưu đã được một số địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh đưa vào ứng dụng trồng khoảng 3 năm trở lại đây. Theo nhận xét là loại giống có khả năng chống chịu bệnh cao, rất có năng suất, nên giống lúa Thiên ưu 8 là giống lúa chủ lực của toàn tỉnh Hà Tĩnh.
Hoài Nam
Theo Vietnammoi.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn