“Cuộc chơi” cuối cùng của vàng

Chủ nhật - 04/06/2017 21:56
Chỉ trong 1 tuần, giá vàng miếng SJC “bốc hơi” 500 nghìn đồng/lượng. Còn quá sớm để cho rằng, giá vàng đang trên đà lùi nhưng theo các chuyên gia, sau khi ngân hàng thương mại cân đối được trạng thái vàng do áp lực tất toán theo Nghị định 24, giá vàng đã giảm mạnh. Vấn đề là bên nắm giữ có nên tiếp tục găm giữ?

Ngày 15/10/2012, giá vàng SJC mua vào, bán ra lần lượt là 47,1–47,3 triệu đồng/lượng, “bốc hơi” 500 nghìn đồng/lượng so với ngày 8/10 - Ảnh: TN.

Ngày 15/10/2012, giá vàng SJC mua vào, bán ra lần lượt là 47,1–47,3 triệu đồng/lượng, “bốc hơi” 500 nghìn đồng/lượng so với ngày 8/10. Giá vàng giảm, giới đầu cơ ngoại tệ không thể tạo sóng: nếu như giá USD mua, bán của Vietcombank ngày 8/10 là 20.880 VND/USD - 20.960 VND/USD thì ngày 15/10, rơi xuống mức 20.830 VND - 20.870 VND/USD.

Ngân hàng đã “sợ” vàng?

Cơn sốt vàng do các ngân hàng gây ra đã tạm qua vì họ đã mua gần đủ cơ số vàng cần thiết nhưng ít ai biết rằng, chỉ một tuần trước đó, vàng đã “hành hạ” các ngân hàng đến mức khủng khiếp. Có ngân hàng do mất cân đối trạng thái vàng quá lâu, nên họ phải mua tới 8.000 lượng/ngày trong nhiều ngày liên tục.

Một cán bộ Ngân hàng Nhà nước nói: “Từ cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã nhắc nhở các ngân hàng này nên chủ động chuẩn bị vì hạn 25/11/2012 đang đến gần nhưng họ cứ “đánh xuống”. Họ thích gửi lãi suất cao nhưng thử hỏi có cân đối được với thiệt hại do trượt giá vàng không? Còn những ngân hàng trót bán vàng rồi cho vay liên ngân hàng và đầu tư bất động sản thì lỗ nặng”.

Cũng theo ông này, với những ngân hàng thanh khoản tốt thì còn cân đối được nguồn vào-ra, nhưng với ngân hàng yếu thanh khoản thì rất vất vả chống đỡ. Bởi thế, năm nay, những ngân hàng này không những lãi rất thấp mà còn phải lấy tồn quỹ các năm trước để bù.

Đã thế, các ngân hàng thường xuyên giục SJC phải bán ra nhiều thêm nhưng khổ nỗi, SJC không thể bán mạnh vì rất nhiều lý do.

Một là, nếu bán nhiều, dân ào ào mua thì khả năng cung ứng của SJC không thể đáp ứng, trong khi điều cần nhất hiện nay là đáp ứng nguồn cung cho các ngân hàng.

Hai là, do giá thất thường nên SJC không dám bán mạnh và đành chọn giải pháp an toàn là mua được bao nhiêu, bán bấy nhiêu. Chưa kể, để mua vàng, SJC cũng phải vay ngân hàng với lãi suất cao nên buộc phải cân đối đủ các chi phí vào giá bán.

Ba là, do quy trình dập vàng mới, vàng móp méo bị Ngân hàng Nhà nước siết chặt nên công suất cũng bị hạn chế.

Vị cán bộ Ngân hàng Nhà nước nói trên cho biết thêm, trong số khoảng 20 ngân hàng có trạng thái vàng âm quá sâu so với số huy động thì đến thời điểm này, có 10 đơn vị đã sẵn sàng tất toán theo tinh thần Nghị định 24; 4 đơn vị sẽ tất toán đúng hạn 25/11 tới và sau ngày đó, chỉ còn 5 – 6 đơn vị chưa thể mua đủ số vàng cần có để trả cho bên gửi.

Rất có thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải lùi thời gian cho 5 đơn vị này nhưng kèm theo là quá trình đôn đốc, hối thúc để họ thực hiện đúng kế hoạch.

Sau 25/11, thị trường vàng ra sao?

Theo Ngân hàng Nhà nước, sau ngày 25/11/2012, mặc dù còn có khoảng 5-6 đơn vị chưa thể cân đối được trạng thái để tất toán cho bên gửi nhưng nhìn chung, với cơ chế mới, thị trường vàng nổi lên mấy điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, câu chuyện “huy động, cho vay vàng” sẽ kết thúc, Ngân hàng Nhà nước không cho phép ngân hàng thương mại và ngay cả Ngân hàng Nhà nước cũng không huy động dưới hình thức trả lãi và cho vay vàng. Bởi lẽ, nếu huy động rồi để trong kho thì lỗ do phải chi trả lãi suất và rủi ro trượt giá vàng.

Còn đầu tư trên thị trường quốc tế, và/hoặc hoán đổi ngoại tệ cũng không khả thi bởi lãi suất ngoại tệ khắp thế giới rất thấp, thậm chí có nơi là 0%/năm. Chưa kể, nếu để đầu tư quốc tế thì phải chuyển đổi vàng Việt Nam thành vàng quốc tế và phải bỏ ra nhiều chi phí.

Trong khi đó, nếu chuyển đổi vàng ra ngoại tệ để mang về nước đầu tư nội địa cũng không ổn vì hiện tại, vốn trong nước đang dư thừa, nền kinh tế hấp thụ vốn đang rất kém. Thậm chí, nếu giá vàng lên, dân đến rút thì Nhà nước không biết lấy vàng đâu để chi trả và việc quay lại nhập khẩu vàng thì tự mình sa vào vòng luẩn quẩn.

Thứ hai, pháp luật cho phép người dân bảo quản tài sản bằng vàng nhưng dưới dạng trả phí “thuê két” và không có lãi suất; ngân hàng nào thu phí thấp hoặc không thu phí sẽ bị rút giấy phép “thuê két vàng”. Cùng đó, sau khi ngân hàng thương mại nắm giữ vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ phát hành lại bằng các chứng chỉ để thu vàng về.

Thứ ba, Nhà nước sẽ cho phép ngân hàng thương mại mua vàng nhưng là mua hộ Ngân hàng Nhà nước.

Thứ tư
, nhiều ý kiến cho rằng: nếu không buôn bán vàng vật chất thì sẽ phát sinh sàn vàng ảo chui. Trước luồng ý kiến này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trước đây, sàn vàng ảo có đất sống vì đòn bẩy tài chính được sử dụng phổ biến, nhưng nay không có đòn bẩy tài chính, ngân hàng thương mại không cấp vốn vào đó thì chẳng ai lên sàn. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ triệt những hình thức công ty sân sau để khắc phục được vấn nạn này.

Thứ năm, đối với vấn đề chuyển đổi vàng “phi SJC” sang SJC, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép: ai muốn chuyển đổi bao nhiêu tùy ý nhưng phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Bên cạnh đó, quy trình dập vàng theo logo SJC hiện nay rất nghiêm ngặt. Tất cả các ca kíp dập vàng đều được giám sát chặt chẽ, hết ca phải nghỉ và niêm phong, bàn giao chìa khóa cho Ngân hàng Nhà nước. Tất cả khuôn và máy đều bị niêm phong, có camera theo dõi 24/24, đến giờ dập, phải có đại diện Ngân hàng Nhà nước, mở niêm phong, mở khóa rồi mới cho mở máy, mở khuôn để dập.

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây