Hành nghề
Đầu năm, thằng bạn gọi điện hẹn ở nhà để vợ chồng nó đến chúc tết. Đang chuẩn bị mấy thứ thì nghe tiếng còi xe toe toe ngoài ngỏ. Một chiếc Land Cruiser bóng loáng. Vợ chồng nó và đứa con trai chui ra khỏi xe như một đại gia. “Của anh rể đấy. Tết này “gom” được xe, tao lấy đi “làm ăn” - D. vừa thủng thỉnh giải thích vừa rút ra mầy tờ tiền 200 ngàn đồng trong một lốc mới cứng mừng tuổi bọn trẻ. Choáng. Phải nói là tôi “choáng toàn tập” vì vợ chồng D. chỉ buôn bán nhì nhằng, trước đến giờ chưa bao giờ được coi là “trung nông”, gia đình anh rể của D cũng chẳng khá khẩm gì. Thế mà… “Thường thôi, làm nghề gì cũng cốt để kiếm tiền và nghề “buôn tiền” là “đẻ” ra tiền nhanh nhất. Ngày xưa, “xáo” là dùng để chỉ việc mua đầu chợ, bán cuối chợ một thứ gì đó kiếm chút lãi còn trong giới cờ bạc bây giờ, xáo là cho vay nặng lãi theo kiểu quay vòng sinh lời”. D. giải thích đầy “lí luận” nhưng tôi vẫn mơ hồ, chưa thể hiểu hết bản chất của “xáo”. “Mồng 6 tao “mở hàng”, đi cho biết” – D. rũ rê.
Đúng hẹn. D đưa tôi đến sòng bạc của ông anh rể. Các con bạc đang say sưa sát phạt nhau bằng hình thức “xóc đĩa”. T. mặt mày đỏ như gấc, cay cú: Đen. Chục “chai” (10 triệu đồng) bị “chùi” hết. D. đưa tao 5 “chai”. D. chẻ ra 5 triệu đồng, rút lại 2 trăm rưỡi rồi đưa cho T. “Đầu năm, xáo thu “phế” 50 lấy lộc, thằng nào có nhu cầu thì cứ tự nhiên”. Khoảng 10 phút sau, lại có một thằng hết tiến và chìa tay “giật” tiền của D. Với cách thức cũ, vay 1 triệu thì D. đưa 9 trăm rưỡi, cắt lại 50 ngàn đồng tiến “phế”. Chưa đầy 30 phút sau, đã có 4 người vay của D. 13 triệu đồng. Được một lúc, có lẽ “làm ăn” được nên T. trả cho D. 5 triệu đồng và không quên đưa thêm 200 ngàn đồng “tiền đỏ”. Và số “vốn” này lại tiếp tục được “quay vòng”. Cứ một lúc lại có người trả, người vay vì ai ăn được cũng muốn trả ngay để không mang nợ và khi thua thì lại tiếp tục vay để chịu khoản “phế” 50 ngàn đồng. Tự tin vì đã có “vốn” từ xáo, các con bạc càng đánh càng “khát nước”, số tiền ăn thua mỗi lúc một cao. Chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, lượt tiền D cho vay đã lên đến gần 30 triệu đồng trong khi “vốn” chỉ có 25 triệu. Một điều lạ là các con bạc khi vay tiền của D. chỉ “thế chấp” bằng “niềm tin”. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến trong một canh bạc, nhà cái “bán chẵn” 2 “chai”, T. vứt xuống 1 vỏ bao thuốc “đắt” (mua). Ván đó, T. thua và D. đứng ra chung chi.
Gần trưa, sòng bạc tan. D. hất đầu: Mấy thằng “hoàn vốn” ngay nhé. Năm mới, đừng lôi thôi.
Hệ lụy
Trên đường về, D. “hạch toán”: “Phế” được gần 3 chai. Thằng T và 2 thằng nữa còn thiếu 11 chai, mai chúng nó trả. Tôi hỏi: nhỡ chúng không trả thì sao? Có mà ăn gan hổ, trước khi cho thằng nào vay cũng phải biết khả năng trả nợ để thu hồi vốn chứ. Quá 3 ngày không trả là tính lãi suất 5 ngàn/1 triệu/ngày. Thằng nào “chầy bửa” thì đã có “luật” - D. tự tin.
D. cho biết thêm: có phải thằng nào cũng làm “xáo” được đâu, ít ra cũng phải có chút tên tuổi và mối quan hệ. Làm ăn nhỏ lẽ như D. là xáo “cò con”, chưa “đủ tầm” để vào các sòng bạc lớn. Có những sòng bạc, người tổ chức đồng thời cũng là “xáo”. Các con bạc chỉ cần tập trung lại, chủ sòng sẽ “hốt” lên xe và đưa đến một địa điểm nào đó với một bao tải tiền. Tiền đánh cứ quay vòng nơi “xáo” mà có khi thua thắng hàng tỷ đồng. Nhưng “nước sông không phạm nước giếng”, “những trận cầu lớn” này được tổ chức bí mật, bất ngờ và rất chặt chẽ, tầm như mình đừng có mơ mà vào đó được.
Công an triệt hạ một sới bạc. Ảnh minh họa |
Với những người trót mê cờ bạc thì “trắng tay” là hậu quả nhãn tiền vì “nước chảy vòng quanh”, nay thắng mai thua mà cái mất cố định là các khoản tiền “phế”, tiền “xâu” và tiền lãi là không hề nhỏ. Cờ bạc thật ra chỉ mang lại lợi nhuận cho những đối tượng ăn theo, trong đó có những người như D. Tuy nhiên, nghề “xáo” cũng không phải là không có rũi ro. Nhiều khi con bạc vay không có khả năng hoàn vốn hoặc cố tình chậm trả, muốn thu hồi được, “xáo” cũng phải chi tiền cho “chim lợn” để theo dõi “con hàng” và thuê người đòi nợ. Đặc biệt khi bị công an truy bắt, với con bạc và “xáo”, tháo thân được là may chứ tiền bạc lúc đó chẳng còn ý nghĩa gì. Mà khi bị bắt, chẳng ai dám khai nhận hành vi “xới, xáo”, vay và cho vay cho thêm nặng tội. Lúc đó, các đối tượng đều cố gắng “nhận” về phần mình khoản tiền ít nhất và đương nhiên, tiền “tạm ứng” trở nên vô nghĩa. “Vừa rồi ở Kỳ Anh, Công an huyện bắt được 1 vụ với hơn trăm triệu đồng, trong đó phần lớn là “vốn” của xáo. Thế là “huề cả làng”, vô trại cả rồi thì đòi được ai” – D nói.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn