"Chưa thu phí rút tiền ATM nội mạng trong năm nay"

Thứ ba - 06/06/2017 16:44
(Hatinnews)-Nhiều ngân hàng 'đòi' Hội Thẻ xin phép Ngân hàng Nhà nước cho thu phí giao dịch ATM nội mạng. Tuy nhiên, Hội Thẻ cho rằng chưa phải lúc, mà cần có lộ trình.

Trao đổi với VnExpress.net ngày 10/4, bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam khẳng định, các ngân hàng thành viên có đề xuất thu phí giao dịch ATM nội mạng. Song đây chưa phải là thời điểm thích hợp nên Hiệp hội chưa trình xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước.

Hiệp hội sẽ đưa ra một lộ trình cụ thể về thu phí, theo yêu cầu của Thống đốc. Sau đó Ngân hàng Nhà nước mới ban hành một biểu mẫu và cơ chế tính phí, mức thu phí sẽ triển khai theo từng bước một, tránh gây sốc cho người dân.

Phí rút tiền ATM nếu tăng sẽ theo lộ trình để tránh gây sốc cho người dân. Ảnh minh họa: Tuệ Minh.

Một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước tiết lộ với VnExpress.net, đã nghe nói về cuộc họp giữa Hội Thẻ với các ngân hàng và việc đề xuất thu phí rút tiền ATM nội mạng. Tuy nhiên, tính đến chiều 10/4, Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được đề xuất nào.

Trên thực tế, các ngân hàng chưa thu phí rút tiền nội mạng nhưng đã có một số nhà băng thu phí chuyển khoản nội mạng. Ông Lê Huỳnh Hà, Trưởng Phòng Quản lý dịch vụ ATM Vietcombank chi nhánh TP HCM cho biết, từ 1/4, Vietcombank đã thu phí quản lý tài khoản thẻ 3.300 đồng một tháng và phí chuyển khoản nội mạng 3.300 đồng mỗi giao dịch. Riêng giao dịch rút tiền nội mạng vẫn chưa thu.

Theo ông Hà, việc kinh doanh dịch vụ thẻ ATM trước đến nay nếu hạch toán ra thì toàn bị lỗ do chi phí thuê địa điểm đặt máy ATM ngày càng đắt. Phí bảo trì, sửa chữa hàng năm cũng khá lớn nên số lãi từ tiền gửi không kỳ hạn mà chủ thẻ gửi vào không đủ bù đắp. Mặt khác, nhà băng còn phải duy trì số dư thấp nhất vài trăm triệu đồng mỗi máy. Hiện nay, số máy ATM của Vietcombank trên toàn quốc đã hơn 1.700 máy thì số tiền không sinh lãi lên đến vài trăm tỷ đồng. "Việc thu phí chuyển khoản nội mạng này sẽ giúp nhà băng có thêm nguồn thu để đầu tư thêm máy móc và nâng cao chất lượng phục vụ. Kèm theo đó, chúng tôi sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng dùng thẻ", ông nói.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cũng cho rằng, mảng dịch vụ thẻ của nhà băng trước nay luôn lỗ nhưng vẫn duy trì vì tạo ra giá trị lớn trong việc thu hút khách hàng. Do đó, thời gian tới, nhà băng sẽ bố trí lại địa điểm đặt máy ATM theo hướng tập trung mỗi buồng 2 - 4 máy để tiết giảm chi phí, đặt ở địa điểm khách có thể giao dịch 24/24, có bảo vệ canh giữ.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội nhẩm tính, chi phí đầu tư một buồng ATM là 400 - 500 triệu đồng gồm tiền mua máy (300- 400 triệu đồng), thuê địa điểm (4-5 triệu), điện, bảo vệ, vệ sinh (trên dưới 2 triệu đồng). Nếu tính thời gian khấu hao là 5 năm, mỗi năm cũng mất khoảng 100 triệu đồng, một tháng khoảng 10 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi cây ATM trung bình một tháng phục vụ khoảng 100 khách. Mỗi khách để số dư 4 - 5 triệu đồng, tổng số dư khoảng 400- 500 triệu đồng.

"Chênh lệch lãi suất ngân hàng thu về là 5%, khoảng 25 triệu một năm, hơn 2 triệu một tháng. Như vậy không đủ bù lỗ", lãnh đạo này chia sẻ. Không nói mức phí hợp lý là bao nhiêu, nhưng ông cho biết, giá thành mỗi giao dịch đang khoảng 6.000 - 7.000 đồng. Do đó, việc duy trì ATM gần như chỉ là cách để tạo thói quen sử dụng cho người dân.

Theo người dân, nếu muốn tăng phí hoặc thu phí rút tiền nội mạng, các ngân hàng cần nâng cao chất lượng dịch vụ. Ảnh minh họa: Thanh Lê.

Theo Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM, đã sử dụng dịc vụ thì việc trả phí là bình thường. Điều này sẽ phần nào kích thích nhà băng đầu tư tốt hơn cho dịch vụ. "Vấn đề quan trọng ở đây là Ngân hàng Nhà nước phải ban hành ra bản mức phí cụ thể và hợp lý cho từng đối tượng sử dụng", ông Chí nói.

Trong khi đó, nhiều chủ thẻ ATM nhận định, việc ngân hàng đòi thu phí giao dịch ATM nội địa với khách hàng là rất vô lý.

Chị Nguyễn Bách Hợp, nhân viên truyền thông làm việc tại Cầu Giấy (Hà Nội) bức xúc cho biết, nếu tăng phí rút tiền hoặc thu phí rút nội mạng, chị sẽ không để tiền trong ATM nữa. "Nhà nước khuyến khích người dân thanh toán qua thẻ, trong khi đó, ngân hàng lại nhăm nhăm tăng phí rút tiền, giờ nội mạng cũng thu thì không hợp lý", chị Hợp bày tỏ. Theo chị, chừng nào chất lượng dịch vụ hết yếu kém và thực sự quan tâm đến nhu cầu khách hàng thì mới tiến hành thu phí.

Anh Thành Nam, nhân viên công nghệ thông tin tại một công ty quận Tân Phú (TP HCM) cũng cho rằng, khi tiền của khách hàng nằm trong tài khoản tại ngân hàng, thì ngân hàng đã kinh doanh và sinh lời. Do đó, ngân hàng nên trích ra một khoản nhất định để bù đắp vào các khoản đầu tư này sẽ hợp lý hơn.

"Tuy mức phí 3.300 đồng với nhiều người là không đáng, nhưng công nhân chúng tôi là rất lớn", chị Lan, công nhân may một công ty tại khu công nghiệp Tân Tạo bộc bạch.

Từ đầu năm 2009, nhiều ngân hàng đã thu phí giao dịch ngoại mạng nếu khách hàng của mình rút tiền, truy vấn số dư, chuyển khoản và in sao kê tại ATM của ngân hàng khác. Phí rút tiền ngoại mạng phổ biến là 3.300 đồng mỗi lần giao dịch. Các giao dịch khác áp dụng mức 1.650 đồng.

Theo VnExpress.net

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây