Bà chủ trọ hiếm có
Những ngày qua, chia sẻ củaPhạm Thu Hoài (cựu sinh viên Trường ĐH Lao động và Xã hội) chia sẻ về ông bà chủ nhà trọ tâm lý “có một không hai” thường xuyên chia đồ ăn, cơm nóng cho sinh viên thuê trọ.
Bà Nguyễn Thị Đỏ trò chuyện với PV chiều 30/5. (Ảnh: Văn Chung).
Quá cảm động về tình cảm của bác chủ nhà khi thông báo "các cháu xuống nhận canh", Hoài đã chia sẻ những dòng cảm xúc lên mạng xã hội Facebook.
Rất nhanh sau đó, nhiều bạn trẻ đã thể hiện tình cảm đối với bà chủ trọ “tốt nhất hệ mặt trời” này. Thậm chí, nhiều sinh viên còn hỏi địa chỉ, hỏi xem còn phòng trọ không để đến thuê.
Nồi canh cá "quen thuộc" của các bạn sinh viên xóm trọ bà Đỏ.
Chiều 30/5, trò chuyện với VietNamNet, Nguyễn Thị Đỏ, 70 tuổi, chủ khu nhà trọ ngõ 1096 trên đường Láng, Hà Nội cười hiền hậu cho biết: “Bác chỉ suy nghĩ mấy cháu sinh viên cũng như con mình. Nhiều hôm thấy chúng nó chỉ có cơm rau muống với lạc rang mà rơi nước mắt nên muốn làm gì giúp đỡ”.
Nồi đặt suất của phòng 61 và 63.
Mới đây, ông Hải (chồng bà Đỏ) đi câu được ít cá, bà liền thông báo cho cả nhóm sẽ nấu canh, mỗi phòng mang xoong xuống để nhận. Mỗi phòng một chút thôi nhưng thấy chúng nó đi về, ào ra như chim vỡ tổ chạy xuống lấy canh là bao mệt mỏi lại vơi đi hết” – bà Đỏ tâm sự.
Bà Đỏ nhớ lại: “Ngày đầu khi nhà chỉ có ít phòng trọ, chưa có khu phơi quần áo, các cháu hay phơi trước cửa phòng. Những hôm trời mưa tôi vẫn chạy lên để rút cho chúng nó. Chiều đứa nào về là có quần áo khô để thay. Mấy đứa hay đi làm về muộn bác hỏi có cần mua thức ăn không, bác đi chợ sáng đồ ăn tươi bác mua giúp cho”.
Không ít bạn phải đi cấp cứu, cả nhà bác cũng đưa đi khi người nhà các cháu ở xa. Cháu nào bác hay tin nằm viện bác đều tới hỏi thăm, có chút quà nhỏ.
Hoài bật mí: “Có nhiều lúc phòng em kẹt quá, bác lại bớt chút vài trăm bảo đấy bác cháu nói nhỏ với nhau nhé”.
“Thương chúng nó nghèo” nên bà Đỏ vẫn thường cho sinh viên vay tiền khi khó khăn. Có trường hợp cũng “quên, không trả nhưng bác nghĩ chúng nó cực chẳng đã mới làm vậy nên không hỏi nữa”.
“Có lần hôm mùng 3 Tết có cậu gõ cửa nhà tôi rồi nằm bệt ra ghế ở phòng khách tâm sự vì cãi nhau với vợ nên xin ở nhờ đây mấy hôm. Tôi khuyên cháu nên cố gắng hòa giải, lúc này khó khăn, ở tạm đây cũng được.
Hay có cháu gái đêm 30 Tết điện phòng vẫn sáng, biết có chuyện trục trặc tôi lên hỏi han, nói cứ xuống đây ăn cơm tối, không phải đi đâu. Cháu không xuống, tôi lại mang cơm lên” – bà Đỏ chia sẻ.
Xóm trọ không ai muốn chuyển đi
Hải, sinh viên năm 3 Trường ĐH Giao thông vận tải (Hà Nội) cho biết, đã ở xóm trọ này hơn 2 năm: “Em đến ở do một anh khác giới thiệu, nói nơi này tốt lắm. Anh đi cũng bởi anh mua được nhà rồi. Ở đây đa phần như vậy. Mọi người trừ khi có điều kiện rồi hoặc có vợ chồng mới đi nơi khác. Lần nào em xuống đóng tiền nhà là y như rằng được quà mang về, nhiều nhất là hoa quả”.
Tiền phạt sinh viên, gia đình bà Đỏ không để vào túi riêng mà dùng mua đồ cho cả xóm liên hoan.
Quý bà chủ nên có lần Hải và chị cùng phòng mua hoa tặng bà Đỏ nhưng bà cười, nhắc khéo sinh viên không có tiền, lần sau xuống chơi với bác là bác vui rồi.
Còn Hoài cho biết, cô đã ở đây 6 năm nhưng nhà trọ này chưa bao giờ tăng giá, tiền điện có tăng cũng bởi vì nhà nước điều chỉnh giá, sinh viên thắc mắc được bà cho xem hóa đơn, bảo bác cháu ngồi xem tính toán như vậy đã đúng chưa, hài lòng mới thôi....
Bà Đỏ cho biết thêm, dù không có tiền mua mới nhưng ở những phòng chuẩn bị chuyển đi nếu đã mua lại điều hòa, bình nóng lạnh bà thương lượng để mua lại, cho sinh viên đến trọ dùng miễn phí.
Ở xóm trọ có những quy định, phạt tiền nhưng theo ông Hải: “Tiền chúng tôi thu như để nhắc nhở các cháu tốt lên chứ không bỏ vào túi mình. Phạt chút gọi là tượng trưng nhưng lại thông báo hôm nay sẽ dùng tiền đó liên hoan cho cả xóm”.
Tâm lý nhưng ông bà chủ vẫn giữ nghiêm kỷ cương khu trọ. Tuy nhiên, vì những quy định rất hợp lý nên các bạn sinh viên cảm thấy không hề thấy khó chịu.
Những thông báo, quy định của bà chủ xóm trọ ở Hà Nội khiến nhiều người xúc động.
“Ngày thường 23h khóa cổng nhưng ba ngày cuối tuần biết mọi người đi chơi, hẹn hò nên bác cho phép đi về muộn hơn là 23h30. Các bác cũng quy định không được cho người khác giới, dù là người yêu đến ngủ lại qua đêm. Còn nếu là bạn bè đến chơi muốn ở lại thì bác chủ cũng thoải mái khi chúng em xuống báo bác trước một câu” - Hải chia sẻ.
“Hồi mới vào mình hay bị nhắc nhở lắm tại vì suốt chạy nhảy ầm ầm đi các phòng chơi. Bác Hải vẫn nhắc luôn nhưng bác rất chân tình nên mình chỉ thêm quý” – Hoài cho hay.
Anh Ngọc Anh, 31 tuổi, con trai bác Đỏ chia sẻ: “Mình không biết nơi khác ra sao nhưng gia đình mình thấy mọi việc đã làm suốt thời gian qua là bình thường. Mình cần người trọ nhưng họ cũng cần mình và mọi người cố gắng sống sao cho tình cảm, thoải mái nhất”.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn