Chóng mặt vì thực phẩm Tết tăng giá

Thứ tư - 07/06/2017 08:43
Gần 1 tuần nữa là Tết Nguyên Đán, giá thực phẩm Tết tăng chóng mặt khiến nhiều chị em “giật mình”.

Dạo qua một số chợ đầu mối như chợ Đồng Xuân, chợ Vồi (Thường Tín), chợ Hà Đông và một số siêu thị lớn ở Hà Nội mới thấy rõ những thực phẩm đông lạnh, thực phẩm khô là mặt hàng “đắt sô” và được nhiều bà nội trợ lựa chọn nhất.

Càng gần Tết giá thực phẩm càng tăng cao

Bắt đầu từ 20 tháng Chạp âm lịch trở đi, các tiểu thương tại chợ đầu mối cũng như chợ dân sinh nhập khá nhiều mặt hàng thực phẩm đồ khô chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán. Các mặt hàng truyền thống này gồm măng, miến, mộc nhĩ, bóng bì, các loại nấm khô...

Đồ khô

Theo khảo sát tại chợ Đồng Xuân những ngày giáp Tết, sức mua về đồ khô như măng, mộc nhĩ, nấm hương, miến tăng đột biến. Đông khách nhất là những ngày cuối tuần, chị em tranh thủ ngày  nghỉ đến chợ sắm dần đồ Tết. Chị Hạnh (tiểu thương ở chợ Đồng Xuân) cho biết, giá măng búp tươi loại ngon tăng từ 42.000 đồng đến 48.000 đồng/kg; măng chua thái sẵn để nấu canh cá, xương, lẩu tăng từ 34.000 đồng lên 38.000 đồng/kg; măng củ khô nấu ngay từ 64.000 đồng đến 70.000 đồng/kg; măng khô loại I ngon nhất giá từ 270.000 đồng đến 280.000 đồng/kg,  măng tước 180.000 đồng lên 185.000 đồng/ kg.

Mộc nhĩ là mặt hàng chị em dùng phổ biến trong những bữa ăn ngày Tết để làm nem, làm thịt đông cũng tăng từ 5.000 - 8.000 đồng/cân. Những ngày thường mộc nhĩ khô giá 160.000 đồng/kg thì giáp Tết tăng lên 170.000 đồng/kg.

Những ngày giáp Tết, sức mua về đồ khô như măng, mộc nhĩ, nấm hương, miến tăng đột biến

Tại chợ đầu mối Hà Đông, theo bác Ngân (tiểu thương) cũng cho biết, nhiều chị em có kinh nghiệm đi chợ Tết đã mua hoặc đặt trước mặt hàng từ hôm 22 tháng Chạp. Khi ấy, giá sẽ rẻ hơn và không phải chen lấn, xô đẩy khi vào chợ những ngày cận Tết như thế này. Về đồ khô, các loại nấm hương, đậu xanh, hạt tiêu tăng từ 5.000 đến 8.000 đồng/cân tùy theo số lượng khách hàng mua nhiều hay ít mà có thể điều chỉnh.

Chị Hương (ngõ 82 Đội Cấn) cho biết, "Năm nào gia đình tôi cũng đi chợ sắm đồ khô đón Tết vào 23 tháng Chạp. Sau khi làm mâm cơm cúng ông Công, ông Táo, tôi và mẹ chồng sẽ cùng nhau ra chợ chọn đồ. Vào dịp Tết, trong bữa cơm không thể thiếu canh măng, miến, hành khô, mộc nhĩ… Vì thế đây là những mặt hàng đứng đầu trong danh sách đi chợ của cả hai mẹ con. Một số năm trước, tôi có thói quen mua đồ đông lạnh để dự trữ những ngày mùng 5,6,7 Tết vì lo sợ chợ hoặc siêu thị gần nhà chưa mở cửa. Tuy nhiên, năm nay  thì không dùng cách ấy, cứ ăn đến đâu thì mua tươi đến đấy đỡ mất dinh dưỡng”.

Giá dừa làm mứt, kho thịt Tết

Một số gia đình có nhu cầu tự làm mứt dừa, dừa kho thịt trong dịp Tết nên dừa dường như “cháy hàng”. Bác Phú (Hà Đông) là người cung cấp dừa làm mứt, làm đồ khô chia sẻ, những ngày gần Tết, khách đặt hàng mua dừa tăng cao nhiều khi phải từ chối. Dừa đã làm sạch vỏ giá 15.000 đồng/quả nhưng Tết tăng đến 18.000 đồng/quả. Sức mua dừa của khách năm nay tăng mạnh so với các năm khác.

Một số gia đình có nhu cầu tự làm mứt dừa, dừa kho thịt trong dịp Tết nên dừa dường như “cháy hàng”

Giá gia cầm

Trong những ngày Tết, thịt gà là món mặc định được ví như “cổ truyền” trong mâm cơm của người Việt. Giá gà dịp Tết tăng mạnh ở một số chợ đầu mối.  Chị Hồng, thương lái tại chợ gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) rút kinh nghiệm,"nắm bắt trước thị trường gà ngày Tết  nên từ 1 tháng trước Tết, chị đặt gà của các hộ dân trong khu vực lân cận. Mọi năm nhiều khách quen đặt gà để biếu, gà cúng lễ… thường phải đặt gạch từ tháng 11 rồi nhờ gia đình tôi nuôi giúp. Gà ta ngày Tết liên tục tăng từ 180.000 đồng/kg lên 185.000 đồng/kg".

Giá rau xanh tăng

Rau xanh là một trong những mặt hàng thiết yếu, không thể thiếu trong bữa ăn của tất cả các gia đình Việt dịp Tết. Đây là thực phẩm vừa chống ngán cho những bữa ăn đầy dầu mỡ và chất béo. Việc giá cả bị đội lên cao suốt thời gian vừa qua đang khiến túi tiền của nhiều người tiêu dùng bị hao hụt... ngay từ rau xanh.

Đặc biệt hơn, ngày cận Tết, nhiều gia đình muốn đón tất niên bằng những bữa lẩu. Rau xanh cũng là thứ không thể thiếu trong bữa đoàn viên ấm cúng ấy. Cà chua, xà lách, rau mùi… tăng từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/kg.

Giải pháp cho chị em khi giá tăng mạnh?

Chị Thảo (Đội Cấn, Hà Nội) cho biết kinh  nghiệm mua đồ dịp Tết “Biết giá thực phẩm sẽ tăng từ ngày 20 đến 27 tháng Chạp nên chị sẽ tranh thủ mua những thực phẩm khô như: măng, mộc nhĩ, nấm hương, miến… từ ngày 15 tháng Chạp. Khi ấy giá bình ổn mà không bị đội lên quá cao. Chị cất dự trữ trong tủ, giữ khô ráo và dùng dần trong những ngày làm cỗ Tết".

Nhiều chị em mua đồ khô trước Tết khá lâu rồi để không bị đắt

Bên cạnh đó, một bộ phận các gia đình đặt nhiều mặt hàng thực phẩm sạch tại quê, nhờ người từ quê mua giúp từ sớm. Làm theo cách này hàng bảo đảm hơn mà giá cả không bị lên cao như mua chợ Tết.

Nhiều chị em mua sẵn thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương… để làm nem với số lượng lớn rồi gói vào tủ lạnh những ngày Tết khi có khách mang ra rán nóng. Làm theo cách này Tết đến không lo phải chạy đến những cửa hàng bán thực phẩm đồ ăn sẵn.

Theo Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây