Kinh tế Việt Nam 2015: Từ chặng đường đã qua đến hy vọng trong tương lai

Thứ tư - 07/06/2017 08:52
Nền kinh tế Việt Nam năm vừa qua có hai dấu hiệu tích cực rõ nét. Một là, việc ổn định nền kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục theo quá trình diễn ra từ năm 2011 và được củng cố thêm một bước tiến dài, nếu nhìn qua con số về lạm phát, nhìn vào mức độ giá trị ổn định tương đối của đồng tiền Việt Nam, nhìn vào cán cân thanh toán tổng thể, hay nhìn vào mức tăng của dự trữ ngoại tệ Việt Nam.


TS Võ Trí Thành

Hai là, tuy những thay đổi chưa thật đồng đều, chưa thật tổng thể, vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, nhưng dấu hiệu phục hồi xét về góc độ tăng trưởng kinh tế đã rõ nét hơn ở hai chỉ số: chỉ số sản xuất công nghiệp luôn giữ ở mức tích cực là trên 50 điểm trong hơn một năm trở lại đây và chỉ số xuất khẩu.

Mức tăng xuất khẩu trong năm 2014 không có gì khác biệt nhiều so với 2 năm trước (tương đương xấp xỉ 14%). Tuy nhiên sự khác biệt ở đây là chỉ số này hai năm trước hoàn toàn phụ thuộc vào khu vực FDI, lớn nhất là sự đóng góp của Samsung.

Năm 2014, khu vực FDI vẫn nắm vai trò chi phối trong tăng trưởng xuất khẩu, nhưng sự khác biệt đến từ việc tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa đạt mức 10% - một điều chưa từng có trong 2 năm trước (0% trong năm 2012 và 3% trong năm 2013). Mức tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa đã phản ánh một phần kết quả tốt hơn đối với sản xuất mặt hàng nông sản và thủy sản.

Cái “được” nhất trong kinh tế nước ta năm vừa qua là lòng tin, sự kiên định trong chính sách của Việt Nam từ năm 2011. Cách làm có thể không phải lúc nào cũng hay, cũng tốt; vẫn còn tồn tại những hạn chế, phản ánh qua bức tranh kinh tế Việt Nam. Nhưng nhìn tổng thể, có thể nói Chính phủ đã rất kiên trì với chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, và có những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, giảm bớt chi phí điều chỉnh làm cho chính sách kinh tế từ năm 2011 chặt chẽ hơn.

Tất nhiên để đạt được sự ổn định, Việt Nam cũng phải đánh đổi bằng sự tăng trưởng trong sản xuất kinh doanh. Tốc độ tái cấu trúc nền kinh tế còn chậm và chưa được như kỳ vọng. Nhưng trong khó khăn, Việt Nam vẫn cương quyết đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, giữ vững lòng tin vào chính sách kinh tế vĩ mô.

Để đạt được những bước tiến khả quan đó, Việt Nam đã rất nỗ lực để vượt qua được thách thức lớn nhất trong năm 2014 là xử lý bài toán giữa ổn định, hồi phục và tái cấu trúc nền kinh tế.

Đây là bài toán không đơn giản, bởi vì có những lúc cả ba công việc này không đi cùng một hướng, đặc biệt trong ngắn hạn. Phải có sự thay đổi nhất định, xét cả về góc độ tư duy và nguồn lực, cả về phản ứng xã hội. Sự kiên trì và nghệ thuật điều hành chính sách này đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Có thể lấy ví dụ về mối tương quan giữa sự ổn định và phục hồi. Việc giữ được ổn định trong nền kinh tế còn nhiều bất ổn như hiện nay thì ta sẽ phải sử dụng nhiều biện pháp thắt chặt. Sự thắt chặt này chắc chắn sẽ gây ra những khó khăn với những doanh nghiệp vốn đang dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng, đang dễ dàng làm ăn kinh doanh.

Một ví dụ khác là muốn phục hồi hay ổn định nền kinh tế thì cần phải có nguồn lực chuẩn bị cực lớn. Thế nhưng chúng ta còn cần cải tổ lại nền kinh tế tốn kém rất nhiều chi phí: chi phí cả về tài lực, nhân sự. Do đó, trong một nguồn lực có giới hạn, ta buộc phải lựa chọn bước đi như thế nào, phân bổ nguồn lực ra sao?

Ví dụ thứ ba là chúng ta không chỉ muốn phục hồi sự phát triển của nền kinh tế mà còn muốn chất lượng của sự phục hồi phải khác, tức là phục hồi trên một nền tảng xét về việc phân bổ nguồn lực phải tốt hơn. Chứ không phải là phục hồi theo hướng cũ mà phải dần dần thay đổi, như thường nói là ta phải tái cấu trúc để thay đổi mô hình tăng trưởng.

Có sự đối lập giữa sự tồn tại trong ngắn hạn của hoạt động sản xuất kinh doanh với việc làm theo hướng mới, có chất lượng tốt hơn. Nhìn sâu hơn dưới góc độ áp lực xã hội, mọi người đều dễ dàng nhận ra các yếu tố bất ổn trong nền kinh tế sẽ gây nguy hại lâu dài, nhưng sự ổn định lại khiến chúng ta phải hy sinh: việc làm suy giảm, thu nhập giảm v.v...

Kể cả khi đã chấp nhận những khó khăn này, ngân sách thu cũng khó khăn hơn trong khi áp lực chi ra rất lớn.

Đối với vấn đề tái cấu trúc, ai cùng nhận ra Việt Nam rất cần điều này. Nhưng có một câu nói nổi tiếng "ai cũng cần cải cách trừ chỗ tôi”, lý do là ủng hộ nhưng việc tái cấu trúc là phải chịu hy sinh, như việc muốn 1 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tôi buộc phải cắt giảm lượng người làm, lại tạo ra áp lực xã hội.

Dấu ấn đậm nét nhất năm vừa qua là mình đã nhận ra vấn đề, mình quyết tâm cải tổ, gói gọn lại trong việc: ổn định nền kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế cùng với cố gắng giảm thiểu phí tổn và minh bạch hóa quá trình này.

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2015 vẫn xoay quanh 3 từ quen thuộc: phục hồi, cải cách và rủi ro. Nói một cách khái quát nhất cho tổng thể nền kinh tế là phục hồi khó khăn, rủi ro còn nhiều mà cải cách rất vất vả.

Tuy nhiên quan điểm về toàn cảnh nền kinh tế 2015 trên thế giới có khác biệt so với Việt Nam. Với thế giới, đầu năm 2014 có những dự báo rất tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế cũng như hy vọng rất nhiều vào nỗ lực cải cách hệ thống tài chính ngân hàng của các nền kinh tế lớn.

Thế nhưng vào cuối năm, mặc dù có cao hơn năm 2013, mức độ tăng trưởng kinh tế lại ngày càng giảm dần. Các nền kinh tế lớn gặp phải những khó khăn không thể giải quyết trong ngắn hạn: Nhật Bản với chính sách Abenomic chưa giải quyết được vấn đề cơ cấu và phục hồi, Châu Âu vẫn chưa thể giải quyết được những khó khăn vốn có như giải quyết nợ xấu tại Hy Lạp đang có chuyển biến tiêu cực, trong khi tình hình chính trị đang tác động rất xấu tới nền kinh tế, chỉ duy nhất Hoa Kỳ tăng trưởng tích cực. Các nền kinh tế mới nổi đều được đánh giá mức tăng trưởng kinh tế sẽ giảm dần. Bức tranh chung của kinh tế thế giới có phần bi quan, các chuyên gia đánh giá nền kinh tế năm 2015 sẽ có sự thay đổi chậm chạp và khó khăn.

Về phía Việt Nam, tuy còn gặp muôn vàn khó khăn nhưng nền kinh tế Việt Nam năm 2015 được đánh giá có vẻ tươi sáng hơn so với nhận định của thế giới. Lý do có thể là vì Việt Nam đặt những mục tiêu tăng trưởng không quá xa vời (6,2% trong năm 2015), tiếp tục đà đi lên trong 3 năm trước. Cái nhìn tích cực này còn được bổ sung thêm bởi 4 nhân tố:

Thứ nhất là do ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát được dự báo sẽ thấp hơn năm trước. Việc lạm phát được dự báo thấp có thể khiến chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Bản thân ngân hàng nhà nước cũng đặt tăng trưởng tín dụng năm 2015 cao hơn năm trước ( 13 – 15% so với 12%). Chính sách linh hoạt này cũng gắn với hy vọng xử lý nợ xấu sẽ diễn ra nhanh hơn.

Yếu tố thứ hai là môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện đáng kể. Một số luật vừa được thông qua tạo ra sự thông thoáng, điều kiện kinh doanh dễ chịu hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là Luật đầu tư sửa đổi và Luật doanh nghiệp sửa đổi. Những luật này sẽ được cụ thể hóa hơn bằng những nghị định và được thực thi vào nửa cuối năm 2015. Nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn liền với sản xuất kinh doanh đã được đẩy mạnh thực hiện. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 01, những vấn đề về kỷ luật thị trường và cạnh tranh bình đẳng cũng sẽ được thực thi.

Yếu tố thứ ba là Chính phủ kết hợp các biện pháp cũ với các chính sách được bổ sung thêm, thực hiện một cách mạnh mẽ hơn các cách thức hỗ trợ cho doanh nghiệp, mặc dù năm nay ngân sách gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc hỗ trợ cho kinh doanh bất động sản hay nới lỏng các chính sách tiền tệ nhằm giảm lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn.

Điểm sáng thứ 4 mang lại hy vọng cho nền kinh tế Việt Nam đó là nước ta sẽ đàm phán và ký thông qua một loạt những hiệp định thương mại tự do như TPP, Viêt Nam – EU hay hiệp định thương mại tự do ASEAN +6. Trên thực tế, trong 2 năm trở lại đây có một vài nhà đầu tư rất nỗ lực đầu tư vào VN để đón đầu những tích cực.

TS Võ Trí Thành
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương
Theo Đời sống & Tiêu dùng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây