Nước mắm ‘trá hình’ tung hoành

Thứ tư - 07/06/2017 08:36
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất.

Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với doanh thu gần 7.500 tỉ đồng, trong đó có tới 150 triệu lít nước mắm công nghiệp (chiếm 75%). Trên thực tế, nhiều sản phẩm nước mắm công nghiệp với thành phần là nước muối, phụ gia thực phẩm, vi chất… đang là lựa chọn của phần lớn người tiêu dùng Việt. Điều này cũng có nghĩa người dùng đang bỏ quá nhiều tiền cho thứ nước mắm không phải là nước mắm!

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia bày tỏ lo ngại như trên tại hội thảo “Nước mắm - Bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống” diễn ra ngày 10-10 ở TP.HCM.

Gọi là nước mắm nhưng làm từ hóa chất

Thông tin tại hội thảo cho biết trong khoảng chục năm trở lại đây, nước mắm công nghiệp đã làm cho thị trường nước mắm truyền thống ngày càng thu nhỏ lại. Trong khi đó nước mắm công nghiệp chế biến theo dây chuyền công nghiệp chiếm lĩnh thị trường nhờ quy mô sản xuất lớn, giá thành rẻ và chi mạnh cho quảng cáo.

Cụ thể, các công ty mua một phần nước mắm truyền thống về pha chế cùng nước muối, các loại hóa chất, phụ gia, hương liệu, chất bảo quản… để biến thành nước mắm. Thậm chí có những sản phẩm không hề có tí tinh chất nước mắm nào hoặc phần lớn chỉ có nước muối và hóa chất cũng “khoác” lên mình chữ nước mắm.

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối thuộc Bộ NN&PTNT, khẳng định nước mắm truyền thống là sản phẩm chế biến sâu, ăn liền, có giá trị gia tăng cao nhất trong lĩnh vực chế biến thủy sản. Đáng tiếc là trước áp lực cạnh tranh gay gắt từ nước mắm công nghiệp, nước mắm pha chế và nước chấm với giá rẻ hơn nhiều khiến nước mắm truyền thống lép vế.

Nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống đang cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Ảnh: HTD

Ông Bảnh nhấn mạnh: “Ngoài nguyên nhân trên thì sản xuất nước mắm truyền thống không chủ động được nguồn nguyên liệu, cá cơm ngày càng giảm, chi phí khai thác tăng đẩy giá nguyên liệu tăng. Đó là chưa kể các chi phí nhân công, thiết bị, vận chuyển… đều tăng cao dẫn đến hiệu quả sản xuất nước mắm truyền thống thấp”.

Đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang bức xúc phản ánh hiện nay việc sử dụng tên gọi sản phẩm nước mắm rất lộn xộn. Điều này làm cho người tiêu dùng không phân biệt được đâu là nước mắm truyền thống, nước mắm công nghiệp hay đâu là nước chấm.

Mặc dù đã có quy định về tiêu chuẩn nước mắm, quy định về cách ghi nhãn hàng hóa nhưng trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nước mắm công bố chất lượng, giá trị dinh dưỡng khác nhau gây sự ngộ nhận, khó hiểu cho người mua.

“Nguy hiểm hơn, một số nhà sản xuất cố tình đánh lừa người tiêu dùng về độ đạm thực sự của sản phẩm. Ví dụ: Có sản phẩm ghi 25 g protein, người tiêu dùng sẽ nghĩ là 25 độ đạm nhưng thực chất ghi đúng gram nitơ (N) chỉ là 4 gN/L, tức chỉ có 4 độ đạm (vì 1 gN = 6,25 g protein)”, đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang dẫn chứng.

Nước mắm truyền thống muốn lấy lại vị thế

Mặc dù nước mắm công nghiệp chiếm ưu thế trên thị trường, tuy vậy nhiều ý kiến nhận định nước mắm truyền thống vẫn có thế mạnh riêng và có thể phát triển nếu có chiến lược tốt.

Bà Nguyễn Thị Tịnh, nguyên Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, phân tích sự soán ngôi của nước mắm công nghiệp buộc nhiều nhà sản xuất nước mắm truyền thống phải thay đổi. Chẳng hạn nhiều cơ sở đã cải tiến bao bì, mẫu mã, đóng chai nhựa theo nhiều kích cỡ để đáp ứng các phân khúc giá khác nhau. Nhiều cơ sở đã chọn các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi để tiếp cận người tiêu dùng.

“Không đủ nguồn lực tài chính để quảng bá trên các phương tiện truyền thông, một số đơn vị đã năng động, biết cách chọn mạng xã hội, các diễn đàn mạng của giới trẻ để tiếp thị với chi phí rẻ nhất. Quan trọng hơn, nước mắm truyền thống đã được các nhà sản xuất chuẩn hóa quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” - bà Tịnh nhấn mạnh.

Bà Tịnh cũng cho rằng hiện nay với xu thế tiêu dùng sạch, xanh và có nguồn gốc địa phương thì nước mắm truyền thống với phương pháp ủ chượp đã có từ lâu đời, nguồn nguyên liệu tự nhiên, không có sự can thiệp của hóa chất đang dần dần lấy lại vị trí trên thị trường.

Ngoài ra, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu cho khả năng cạnh tranh của nước mắm truyền thống. Chẳng hạn, nước mắm Phú Quốc đã được công nhận và bảo hộ xuất xứ địa lý ở châu Âu. Nhờ đó mỗi năm có khoảng 13%-15% sản lượng nước mắm Phú Quốc được xuất khẩu sang châu Âu và các nước khác.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống, nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần minh bạch và chuẩn hóa hơn trong việc quy định quy trình sản xuất, tiêu chuẩn độ đạm, cách ghi thông tin nguyên liệu... nước mắm. Khi đó nước mắm truyền thống sẽ không bị lép vế và cạnh tranh sòng phẳng với nước mắm công nghiệp.

Nhiều bộ, ngành quản lý nước mắm

Hội thảo “Nước mắm - Bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống” do Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, tạp chí  Thủy Sản Việt Nam tổ chức. Tại đây một số ý kiến phản ánh nước mắm hiện nay chịu sự quản lý của nhiều cơ quan, ban ngành thuộc nhiều bộ: NN&PTNT, Y tế, KH&CN, TN&MT… Nhưng lại không có cơ quan nào bảo vệ quyền lợi những cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống và thông tin rõ ràng để người tiêu dùng có thể phân biệt sản phẩm nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.

Theo quy chuẩn Việt Nam, sản phẩm được gọi là nước mắm là sản phẩm thu được từ quá trình lên men hỗn hợp cá và muối, trong thùng có nắp đậy và trong thời gian thông thường là sáu tháng… Nhưng thực tế trên thị trường có loại nước mắm không có chút cá nào mà chỉ có hương cá, vị cá, chất tạo ngọt... hoàn toàn không đúng với nước mắm truyền thống. Lẽ ra tên gọi của nó phải là nước chấm nhưng sản phẩm vẫn được đặt tên là nước mắm.

Nguy hiểm hơn thị trường còn xuất hiện nhiều loại nước mắm giả được pha chế từ hóa chất xuất xứ Trung Quốc gây hại sức khỏe người sử dụng.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ nước mắm có nhiều hóa chất

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ về tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất đang chi phối thị trường, thông tin kịp thời cho người dân; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22-10.

QUANG HUY
Theo Pháp luật Tp HCM

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây