Phạm Sỹ Long vẽ tranh, làm thơ, viết nhật ký bằng miệng |
Chàng trai viết nên cổ tích của đời mình là Phạm Sỹ Long, sinh ngày 05/8/1988 tại xóm 3 xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh trong một gia đình nông dân nghèo có 4 chị em mà Long là trai độc nhất.
Cú ngã từ cây xi lao xuống đất khi đang học lớp 9 đã khiến Long gẫy 2 đốt xương cổ, dẫn đến bại liệt tứ chi. Lăn lóc hết bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 103, mẹ con lại ôm nhau về, vì y học đã bó tay.
Do chấn thương cột sống, nên tứ chi Long teo tóp, hai chân khoèo, không phát triển. Hai tay khẳng khiu, da nhợt nhạt, gân xanh nổi chằng chịt, cổ tay gập, bàn tay dị hình, dị dạng, không cử động được. Tôi cầm tay Long và sờ lên chân thấy lạnh ngắt. Tất cả sinh hoạt cá nhân phải nhờ vả người thân, mà hai chị Long lấy chồng xa, bố thương binh, ốm đau thường xuyên, nên tất cả trông chờ vào mẹ. “ Khi nào tắm cho cháu tôi phải nhờ hàng xóm sang phụ giúp vì một mình tôi không thể bế, không thể vừa giữ vừa tắm cho cháu được. Đó là chưa kể đến khiêng cháu đặt vào giường, khó khăn lắm!”. Bà Hà tâm sự.
“Bố mẹ ốm đau, nghèo khổ, cháu lại tật bệnh hành hạ bố, mẹ, chị em nên nhiều lúc nằm trên giường ngày này sang ngày khác, đêm này qua đêm khác cháu nghĩ buồn vô cùng, có lúc cũng bi quan, thất vọng về chính mình, nhưng nếu cháu mất thì bố, mẹ, chị em ruột sẽ xót xa hơn, nên cháu đã quyết tâm vượt lên khổ đau, tàn phế để sống vơi hy vọng sẽ làm được điều gì đó giúp cha mẹ”. Long thủ thỉ tâm sự.
Câu chuyện viết, vẽ của Long bắt đầu từ việc chị họ kết hôn mà Long không biết mừng đám cưới bằng gì. Thế là Long nẩy ra ý tưởng vẽ bức tranh tặng chị. “ Cháu nhờ mẹ mua bút chì màu, tìm cho mấy bưu thiếp làm mẫu rồi bắt đầu cắn bút vẽ theo mẩu. Lúc đầu thật khó khăn, phải nằm nghiêng, mỏi cổ, răng cắn bút rơi xuống hàng chục lần, mẹ phải nhặt và đưa vào miệng giúp. Rồi môi, lợi đau tê dại, không còn cảm giác. Nước mắt trào ứa ra, không nhìn thấy gì. Những lúc như vậy, cháu gồng mình lên, quyết tâm, không chùn bước. ba ngày, tấm thiệp được vẽ xong. Cháu vui vì có quà tặng chị và từ nay mình có thể vẽ tranh”. Long tâm sự.
Cho đến nay Long đã vẽ hơn 33 bức tranh. Những bức tranh Long vẽ đều dựa vào hình mẫu, đơn giản, không rối nét, nhoè màu. Vẽ xong được bức nào là mẹ lại ép platic treo lên tường. Những bức tranh hoa lá, chim chóc được vẽ trên quyển vở trông thật vui mắt. Đây là cả một thế giới sáng tạo của Long.
Còn việc Long tập viết là cả câu chuyện dài dài. “ Khiếp lắm chú à! Có lần cháu cắm bút hí hoáy viết thì lên cơn co giật, mắt trợn tròn, người run bần bật, tôi phải buộc người cháu vào ran và mạ giường để khỏi rơi xuống đất. Hết cơn, cháu lại giục tôi cho bút vào miệng, cặp vở lên ghế, cháu lại hí hoáy viết bất chấp bệnh tật”.
Những bức tranh được Long vẽ bằng miệng |
Tôi đang cầm trên tay cuốn “ Nhật ký đời tôi” của Long. Những hàng chữ đều đặn, tròn trĩnh dễ thương không vẹo hàng, ngay thẳng, trơn tru không ai nghĩ được viết bằng miệng của một người tàn tật. Long đã viết xong phần 1: Trước lúc bị nạn. Cuốn Nhật ký dự định khoảng 200 trang, bây giờ bản thảo mới được 26 trang. Tôi đã đọc say mê những trang nhật ký về tuổi thơ của Long với niềm cuốn hút đặc biệt. Cuốn hút bởi tính chân thực không tô vẽ, cuốn hút bởi cách kể chuyện dí dỏm. Ký ức tuổi thơ đã giúp Long nghị lực, sức mạnh để chiến thắng tật bệnh. Tôi nghĩ cuốn Nhật ký này nếu viết xong được xuất bản ắt hẳn có nhiều giá trị, nhất là đối với bạn trẻ.
Mẹ Long lục trong cặp đưa cho tôi xem những bài thơ, những lời ca Long sáng tác trong suốt thời gian nằm trên giường bệnh. Từ khi bị bại liệt, không gian của Long thu hẹp trên một chiếc giườn, Long đón nhận cuộc sống bên ngoài qua ký ức, qua âm thanh, qua lời kể của bố, mẹ và những người hàng xóm sang thăm, những cô chú từ xa đến. “ Nằm một mình, cháu bắt đầu viết. Trước hết viết về thân phận của mình, những nỗi niềm, vui buồn”. Long chia sẻ.
Tôi đã đọc nhiều lần gần 50 bài thơ Long sáng tác. Đó là những câu thơ rứt ruột được viết trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Có những vần thơ trăn trở, lo âu, bi quan, nhưng trên tất cả là những ước mơ, khát vọng, hoài bão muốn sống tốt đẹp bằng chính mình, muốn yêu và được yêu. Đây là những vần thơ chứa chan nước mắt.
“ Ngoài thơ, cháu còn viết lời theo các làn điệu dân ca, hay các ca khúc. Vì nằm buồn rồi tự mình hát lên, sau đó thuộc và cắn bút viết lên giấy” hát lên bằng máu nước mắt chính mình.
Những lời ca, vần thơ dung dị ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn Long để đi qua những năm tháng dữ dội. Nhưng những vần thơ ấy đã được Long mang lên mạng chia sẻ với cộng đồng. “ Từ hôm sử dụng được điện thoại, cháu lên Fecebook trao đổi với bạn bè. Từ đó cháu được an ủi. Chiếc điện thoại rẻ tiền, bằng nhựa này đã chuyên chở tâm hồn, ý nghĩ của cháu đến với bạn bè khắp nơi”.
Cách sử dụng điện thoại bằng miệng của Long |
Trong số bạn bè ấy có một cô giái đang là sinh viên của trường Đại học Đà Lạt đã đem lòng yêu Long. Tháng 7 vừa rồi người yêu đã vượt gần ngàn cây số về Nghi Xuân săn sóc Long. Cứ mỗi buổi chiều, người yêu lại đẩy xe mang Long ra bờ biển dạo mát, trở về nấu những món ăn mà Long thích, tắm, gội đầu, bón cơm cho Long ngày ba bữa. “ Người yêu ở với cháu được ba tuần. Bây giờ lại trở về trường. Những ngày có người yêu bên cạnh, cháu vui như tết. Bây giờ người yêu về trường và sắp tới lại trốn ra với cháu. Chú đừng viết tên người yêu cháu nhé. Bí mật. Cháu ước gì có Công ty hay cơ quan nào đó giúp người yêu cháu có việc làm với thu nhập tàm tạm cho hai người đủ sống”. Long nói với tôi, mắt long lanh.
Long nói với tôi về ao ước sẽ xuất bản tập thơ, sẽ xuất bản tập nhật ký và ước ao giá mà tranh của Long bán được để Long có thể tự trang trải một phần của đời sống. “Ước chi tranh cháu bán được, thơ cháu in được. Chúng cháu sẽ tổ chức đám cưới. Ước chi cháu có thể sống được bằng sức lực lao động của chính mình. Và cháu sẽ có con. Bố mẹ cháu chỉ mình cháu là trai. Bố mẹ cháu cũng mong thế! Không biết ông trời có thương không?”. Long nói với tôi mà nước mắt dàn dụa .
Qua Báo chúng tôi muốn được giới thiệu một số tác phẩm của Long, muốn độc giả của Báo chia sẻ, an ủi động viên Long chiến đấu và chiến thắng bệnh tật. SĐT của Long: 0169.850.9713 và 0120.505.9755.
Theo Lê Văn Vỵ (gdtd.vn)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn