Gặp chúng tôi ở ngay đầu thôn, chị Ngô Thị Ninh chia sẻ: “Em ở tận Diễn Châu (Nghệ An) phiêu bạt làm ăn nhiều nơi, nay về làm dâu ở đây cũng được dăm năm, nhưng em chưa thấy ai khổ như cụ Duyết. Hơn 80 tuổi rồi mà hằng ngày cụ còn phải lọ mọ bòn mót từng mớ chè, buồng chuối bán để có tiền rau cháo và nuôi 2 người con tâm thần, tật bệnh. Không chỉ ăn uống, thuốc thang mà cụ còn phải giặt giũ, tắm rửa, trông nom từng giờ từng phút cho anh chị. Em chưa bao giờ thấy cụ đi dép hay mặc một tấm áo nào cho ra hồn, mà chỉ là những thứ người ta bỏ đi hay thơm thảo mang cho”.
Ngôi nhà cụ Duyết sống cùng hai người con bệnh tật nằm lọt thỏm giữa đại ngàn.
Theo chân chị Ninh, lần theo con đường đất lổm nhổm vết chân trâu, băng qua mấy mảnh ruộng để hoang rồi trèo lên ngọn đồi cao chúng tôi mới đến được nhà cụ Duyết. Đập vào mắt là căn nhà cũ kỹ, tềnh toàng, hoang lạnh, được che chắn bằng rèm nứa và tranh tro đã dột nát. Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá.
Căn nhà cũ kỹ, tềnh toàng của mẹ con cụ Duyết.
Đón chúng tôi là một người đàn bà luống tuổi gầy gò ngồi trên võng trông ra với đôi mắt vô hồn. ”Đó là chị Nguyễn Thị Loan, con gái cụ Duyết bị tâm thần đó chú ạ. Trước đây, chị không đến nỗi như vậy đâu, rất siêng năng, hiền lành, tốt bụng, chỉ có điều không được khôn ngoan như người thường. Nhưng 2 năm nay, từ ngày chồng mang về trả đến giờ thì đâm ra như vậy. Không nói năng gì, chỉ cần sơ ý là chị bỏ đi lang thang không về nhà, người thì càng ngày càng gầy rộc đi. Nghe bảo chị ấy không chỉ bị tâm thần mà còn bị bệnh u tủy gì đấy nữa”, Chị Ninh cho biết.
Vừa lúc cụ Duyết từ ngoài vườn bước vào. Hình ảnh người đàn bà với vóc người bé nhỏ, gầy gò, già nua lọt thỏm giữa không gian điệp trùng của chốn biên cương khiến chúng tôi hiểu được phần nào nỗi khổ mà cụ đã phải trải qua.
Đưa ống tay quệt nước mắt, cụ Duyết chậm rãi kể: “Chẳng hiểu sao trời đày tôi nhiều thế, chưa 1 ngày được nghỉ, chưa 1 đêm được ngủ trọn giấc. Cha mẹ tôi quá nghèo không có gì nuôi con, 8 tuổi tôi đã phải đi ở cho nhà người. Phận tôi đòi, con ở ngày xưa khổ lắm chú ạ. Ăn không được ăn mấy mà làm thì cứ quần quật cả ngày, rồi còn bị đánh đập chửi bới nữa.
Quê tôi ở miền hạ Hương Sơn, nhưng theo chủ lên khai hoang lập hóa trên này, và rồi lấy chồng sinh cơ lập nghiệp ở đây luôn. Lấy chồng rồi thì con cái cứ lần lượt ra đời, 6 đứa chỉ cách nhau vài năm. Vợ chồng chủ yếu làm thuê làm mướn hoặc lấy nứa, củi đem bán đong gạo nuôi con. Giữa lúc con cái đang tuổi ăn chưa no, lo chưa tới thì ông nhà tôi mất. Mà cũng không biết ông ấy mất vì bệnh gì. Lúc đó ở đây là rừng thiêng nước độc, dân chẳng có mấy người, đường sá đi lại khó khăn, nên nào biết đến bệnh viện, thuốc men là gì đâu.
Chồng mất, tôi lăn ra kiếm gạo nuôi con. Con cái lớn lên thì lo dựng vợ gả chồng. Khi gần xong xuôi thì ngoảnh lại đã già nua ốm yếu bệnh tật đầy người. Tôi bị bệnh tim, cao huyết áp, thoái hóa hết xương khớp, cứ trái gió trở trời là đau nhức kinh khủng. Dẫu vậy, tôi vẫn phải nai lưng nuôi 2 đứa con bệnh tật không giống ai. Dứt ruột đẻ ra, nuôi nó bằng ấy tuổi, giờ dù già nua tôi cũng không thể bỏ nó được. Trời còn cho sống ngày nào tôi còn phải nuôi chúng ngày đó chú ạ”.
Chị Nguyễn Thị Loan không được khôn ngoan như người thường.
Kể về những đứa con của cụ, bà Nguyễn Thị Thủy, vừa là láng giềng gần vừa là chi hội trưởng Phụ nữ thôn 8 cho biết: Cụ Duyết có 6 người con, 2 người con gái đầu lấy chồng về miền xuôi, gia đình làm nghề nông, chồng cũng mất sớm, nên cuộc sống khó khăn, không giúp đỡ gì được cho cụ. Đứa con trai thứ 3 thì chết vì ung thư khi mới 23 tuổi, để lại vợ trẻ con thơ, gánh nặng cho cụ.
Người con thứ 4 của cụ là anh Phan Văn Hùng, sống cùng thôn, nhưng nhà anh cũng đông con (6 đứa), 50 tuổi rồi mà vẫn phải lăn lộn làm đủ mọi việc, ai thuê gì làm nấy để nuôi vợ con và phụ mẹ nuôi 2 em ốm đau.
2 đứa cuối cùng là anh Phan Tiến Dũng (45 tuổi) và chị Phan Thị Loan (43 tuổi) hiện ở với bà đều bị bệnh nặng. Anh Dũng thì tính nết bất thường từ nhỏ, cứ bỏ nhà đi lang thang, nay cũng đang bỏ đi đâu mất mấy ngày rồi, chưa thấy về. Còn chị Loan vốn cũng không khôn ngoan gì nên lúc trẻ không có ai dạm hỏi. Mãi đến năm 2014 có người mối cho 1 người đàn ông luống tuổi sống ở tận Đắk Lắk, 2 người cưới nhau đâu được 1 năm thì anh chồng mang Loan về trả cho cụ Duyết vì phát hiện Loan bị bệnh tâm thần và u tủy.
Từ khi về, bệnh của Loan ngày càng nặng. Ban đầu dùng thuốc còn có dấu hiệu tích cực nên cụ Duyết bán hết gia tài, vay mướn khắp nơi thuốc thang cho Loan, nhưng khoảng 6 tháng lại nay thì uống thuốc vào lại có tác dụng phụ, bụng chướng và đau, không ăn uống được, người ngày càng gầy rộc đi. Hiện chị Loan đã ngừng dùng thuốc.
Hai mẹ con cụ Duyết bên căn nhà cũ nát.
“Biết con đang chết dần chết mòn, lòng tôi đau xót vô cùng nhưng tôi già quá rồi, trong tay không có gì, cũng không làm gì được nữa, chỉ biết trông vào trời đất, chết đi thì thôi, còn sống thì tôi còn gắng nuôi nó. Ở chốn rừng rú này, tôi chỉ biết bòn mớ rau, chăm con gà rồi bà con hàng xóm, con cái hỗ trợ thêm, mẹ con tôi rau cháo qua ngày. Ông trời thương bốc bệnh nó đi cho nó bớt khổ", cụ Duyết nghẹn ngào.
Khi được hỏi đến chế độ bảo trợ của người cao tuổi, cụ Duyết cho biết, cụ vốn sinh năm 1937, nhưng không hiểu sao trong quá trình làm hồ sơ người ta lại ghi cho cụ là sinh năm 1942, cho nên dù cụ đã 80 tuổi nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ đã nhiều lần đề xuất với chính quyền, nhưng chính quyền đòi hỏi nhiều hồ sơ liên quan như giấy khai sinh gốc, hoặc chứng nhận của ông chủ tịch cấp giấy khai sinh cho cụ lúc nhỏ. Cụ không làm gì được trước những đòi hỏi đó, nên vẫn không được hưởng trợ cấp theo quyền lợi mà cụ đáng được hưởng.
Trao đổi với chúng tôi về hoàn cảnh cụ Duyết, ông Nguyễn Tuấn Thịnh, trưởng thôn 8, xã Sơn Hồng cho biết: Hoàn cảnh của cụ Duyết vốn hết sức éo le, mặc dù đã cao tuổi nhưng phải nuôi 2 đứa con bệnh tật đặc biệt. Thôn cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ như vận động bà con giúp đỡ thêm cho cụ trong đời sống với điều kiện có thể. Nhưng hiện nay, mọi thứ đều rất khó khăn vì chị Loan không chỉ bị tâm thần mà còn bị u tủy, chi phí thuốc men lớn, chúng tôi cũng chưa nghĩ ra cách gì hơn để giúp cụ. Mong có nhà hảo tâm nào đó phát tâm bồ đề giúp cụ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Chia tay cụ Trần Thị Duyết, trở về phố thị, chúng tôi lòng không khỏi ngậm ngùi bởi ở nơi biên cương rừng thẳm có người mẹ một đời chưa bao giờ biết đến 1 đôi dép, 1 tấm áo mới; cũng chưa có lấy một ngày thảnh thơi… mà vẫn đang vắt kiệt những hột sức tàn còn lại để chăm nuôi những đứa con bệnh tật tội nghiệp.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn