Chung tay trong hoạn nạn
Sau mấy ngày mưa lớn, vào hồi 1 giờ sáng 12-10, núi đất bất ngờ sạt lở vùi lấp bốn ngôi nhà, bên trong có 18 người đang ngủ, khiến xóm Khanh của xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) thành nơi đau thương tang tóc. 16 giờ cùng ngày, nạn nhân thứ chín trong vụ sạt lở là bà Đinh Thị Đằng được nhận dạng, bàn giao cho người thân đưa về an táng. Cả bốn người trong gia đình bà Đằng bị chôn vùi trong đống đổ nát. Họ hàng quyết định dựng lán trại ngay bên đường giữa mênh mông nước lũ để làm đám tang chung trong nỗi xót xa của xóm làng...
Không ngớt những thông tin xấu về thiên tai liên tiếp xảy ra những ngày qua từ các địa phương. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới cộng với việc xả lũ hồ Cửa Đạt, hơn 500 ngôi nhà ở hai thôn Quảng Ích 1 và 2, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) chìm trong biển nước, phải di dời ngay trong đêm. Một đoạn đê Bùi 2 (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị vỡ khiến hàng trăm nhà dân hai xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến chìm trong biển nước, người dân chủ yếu phải đi lại bằng thuyền. Nước sông Hoàng Long dâng cao, đã nhấn chìm 150 trong số hơn 300 nóc nhà của xã Lạc Vân, huyện Nho Quan (Ninh Bình), thôn Hiền Quan bị cô lập, phải chèo thuyền mới vào được... Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tính đến 17 giờ 13-10, đã có 58 người chết, 38 người mất tích và 31 người bị thương do mưa lũ. 189 nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập. 22.926 ha lúa và 29.192 ha rau, ngô, hoa màu bị ngập, thiệt hại. Mưa lũ đã làm chết và cuốn trôi 5.747 gia súc, 174.793 gia cầm... Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương cho hay, trong những ngày qua, một số sông có lũ lớn vượt lịch sử, xảy ra nhiều sự cố trên các tuyến đê; đồng thời cảnh báo, trong mấy ngày tới, sạt lở đất có thể xảy ra tại các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Hòa Bình và ngập lụt tiếp tục diễn ra ở Ninh Bình...
Lực lượng dân quân phối hợp người dân vận chuyển lương thực, nước uống về vùng ngập lũ huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).Ảnh: MAI LUẬN
Những hoạt động cứu hộ, cứu nạn tích cực đã kịp thời được thực hiện, giúp đồng bào vượt qua đau thương mất mát. Không quản thời tiết, địa hình hiểm nguy, khắc nghiệt, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương khẩn trương đến tận nơi kiểm tra, chỉ đạo... Bất chấp mưa lũ lớn, công tác cứu nạn vẫn được các lực lượng quân đội, công an tiến hành khẩn trương, tích cực. Từ ngày 12-10, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình duy trì lực lượng thường trực với 300 cán bộ, chiến sĩ luân phiên dùng cuốc, xẻng, xà-beng và các thiết bị dò tìm người bị vùi lấp ở xóm Khanh. Vách núi sạt lở loang lổ bùn đất với chiều cao hàng chục mét, rộng hàng nghìn mét vuông, bên dưới là những tảng đá to bằng cả ngôi nhà khiến công tác tìm kiếm cứu nạn rất gian nan...
Nước lũ dâng cao khiến 700 phạm nhân của Trại giam số 5 (Tổng cục 8) đóng trên địa bàn thị trấn Nông trường Thống Nhất, huyện Yên Định (Thanh Hóa) bị cô lập, các cán bộ trại giam phải dùng ca-nô đưa cơm cho phạm nhân. Quốc lộ 6 đoạn qua huyện Mai Châu ngập sâu 2 m, tỉnh Hòa Bình đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ ứng trực ở hiện trường dùng xuồng, thuyền để trung chuyển người dân thoát điểm ùn tắc. Sáng 13-10, khắp cửa ngõ Sài Gòn đã xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Tại quận Gò Vấp, tuyến đường Cây Trâm ngập sâu khiến hàng loạt phương tiện chết máy; Công ty thoát nước đô thị quận phải huy động nhân viên ra đẩy xe, cứu hộ giúp người dân. Tại vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân, các chiến sĩ Cảnh sát giao thông tập trung hỗ trợ người dân vượt điểm ngập, tắc... Nơi đâu cũng thấy một không khí khẩn trương, nỗ lực của mọi tầng lớp cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng chức năng, thanh niên tình nguyện vào cuộc nhằm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Đặc biệt, có những sự hy sinh đầy tinh thần trách nhiệm, nghĩa tình. Đó là sự hy sinh của anh Đinh Hữu Dư, phóng viên trẻ của Thông tấn xã Việt Nam khi đang tác nghiệp tại cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái bị sập cầu, lũ cuốn. Anh Đinh Công Hức, người trưởng xóm 20 năm nhiệt tình với công việc làng nước, bị vùi lấp trong vụ sạt núi khi đi vận động người dân sơ tán khỏi vùng mưa lũ nguy hiểm ở xóm Khanh, Hòa Bình; để lại mẹ già, vợ trẻ và hai cậu con trai đang tuổi lên 10...
Lan tỏa tình người
Trực tiếp tới các vùng rốn lũ những ngày qua, chứng kiến những đau thương, mất mát, càng cảm nhận sâu sắc tình người bừng sáng ấm áp. Sẻ chia gánh nặng cùng đồng bào ruột thịt đang từng ngày phải gồng mình chống chọi và khắc phục ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, từ hệ thống chính trị đến mỗi người dân đều đồng lòng hướng về những miền đất ấy. Đó là khi Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hủy mọi cuộc họp để đi thực địa chỉ đạo ứng phó ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều, cứu trợ người dân. Là khi hàng trăm chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân được huy động thức trắng đêm để cứu đê, cứu người, ngăn nước lũ tràn vào thôn, bản. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ ngâm mình hàng giờ dưới mưa để đưa người dân chạy lũ, giúp dân gặt lúa bị lụt; những hộ dân tận tình đưa các em nhỏ về nhà mình cưu mang miếng cơm, manh áo lúc tránh bão; sự hy sinh của những con người giàu tinh thần trách nhiệm trong khi làm nhiệm vụ... khiến mọi người rưng rưng xúc động về sự sẻ chia, đùm bọc, quên mình.
Tinh thần tương thân, tương ái vì đồng bào ruột thịt dấy lên khắp nơi, từ cơ quan, doanh nghiệp cho tới mỗi gia đình, người dân. Ngay trong ngày 13-10, Văn phòng T.Ư Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ban Dân vận T.Ư và nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt. Trong sáng ngày 12-10, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cứu trợ khẩn cấp bước đầu 900 triệu đồng, 106 thùng hàng gia đình, 10 thùng viên khử khuẩn Aquatabs và 60 tấm bạt cho các hộ gia đình bị thiệt hại nặng do mưa lũ tại các tỉnh: Thanh Hóa, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình. Chương trình nhắn tin “Vì đồng bào vùng lũ” cũng đã nhận được sự tham gia của đông đảo người dân với hơn một trăm nghìn tin nhắn, tương đương hơn hai tỷ đồng. Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã ban hành các quyết định hỗ trợ hai tỷ đồng tới các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh: Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Cuộc phát động quyên góp cứu trợ khẩn cấp do Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh tổ chức kêu gọi cũng nhanh chóng nhận được hưởng ứng tích cực từ các nhà hảo tâm và công chúng... Những chương trình ủng hộ, quyên góp này vẫn đang tiếp tục tăng lên. Đặc biệt, không chỉ thể hiện sự sẻ chia bằng tiền, đồ dùng, lương thực, còn có thể nhận thấy sự cảm thương chân thật, sâu sắc với đồng bào nơi bão lũ qua những lời tâm sự, kêu gọi ủng hộ tràn ngập trên mạng xã hội của những người trẻ. Điều này thêm lần nữa khẳng định, qua chiều dài lịch sử, tinh thần dân tộc, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam vẫn chưa bao giờ ngừng chảy và càng trong hoạn nạn càng tỏa sáng. Đó là nền tảng của tinh thần đoàn kết, giúp dân tộc ta luôn vượt qua mọi thử thách, nguy nan.