Vượt qua mọi rào cản, định kiến của người thân và xã hội, họ đến với nhau, cùng nhau vun đắp lâu đài hạnh phúc nhỏ bé tại làng quê nghèo khó nhưng giàu tình người. Nghị lực của đôi vợ chồng này đã làm nức lòng nhiều người dân xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
|
Vợ chồng anh Tú, chị Thu hạnh phúc trong ngày cưới. Ảnh T.G. |
Số phận nghiệt ngã
Trần Văn Tú (SN 1977) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, có truyền thống hiếu học tại xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Trong khoảng thời gian từ lớp 1 đến lớp 10, Tú luôn là học sinh giỏi của trường, vì thế cậu bé luôn ấp ủ giấc mơ trở thành thầy giáo.Thế nhưng, số phận nghiệt ngã đã cướp đi đôi mắt khi cậu bắt đầu bước vào lớp 10. Đó là một buổi sáng tháng 9/1993, sau khi buổi khai giảng kết thúc, Tú đứng dậy bỗng nhiên hai mắt không nhìn thấy gì nữa. Ngay sau đó, Tú được bạn bè, thầy cô chở vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây, các bác sỹ thông báo Trần Văn Tú mắc phải căn bệnh đục thủy tinh thể, khả năng chữa khỏi bệnh là rất thấp. Bố mẹ cậu bé bất hạnh đã phải bán trâu bò, vay mượn tiền khắp nơi để chữa bệnh cho con. Nhưng, những nỗ lực đó cuối cùng vẫn không cứu vãn được đôi mắt của cậu bé ham học. Từ khi hai mắt không thể nhìn thấy, Tú sống khép kín hơn, suốt ngày ở trong góc nhà, ít ra ngoài giao tiếp với mọi người.
Nhiều lần bị đám con nít trong xóm trêu chọc “thằng mù”, Tú chán nản, thậm chí có khi muốn tìm đến cái chết để tự giải thoát mình. Rất may, những lần đó đều bị bố mẹ, anh chị kịp thời phát hiện, động viên, và Tú đã từ bỏ ý nghĩ bi quan đó. Dần dà, anh tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Với suy nghĩ không muốn mình là gánh nặng của gia đình, Trần Văn Tú quyết định phải làm một việc gì đó để nuôi sống bản thân. Năm 1997, anh quyết định rời bỏ quê hương vào Tây Nguyên ở nhà chị gái để đi bán tăm tre cho Hội người mù TP. Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Hàng ngày, với những gói tăm trên tay, anh mò mẫm khắp các con phố từ sáng tới tối mới về nhà. Những ngày lang thang khắp các ngõ nhỏ của thành phố Buôn Mê Thuột, anh đã gặp Nguyễn Thị Thu - người con gái đồng hương Nghệ An.
Thu vốn sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ làm nghề buôn bán. Cô có dáng người thanh mảnh, khuôn mặt ưa nhìn, đặc biệt Thu có giọng hát trầm ấm. Ngay từ nhỏ, cô gái đã có ước mơ trở thành một ca sĩ. Thế nhưng, khi cô gái bắt đầu bước vào lớp 9, bố mẹ làm ăn thua lỗ, phải bán hết tất cả tài sản để trả nợ. Giấc mơ trở thành ca sĩ của cô cũng tan biến. Không nhà, không cửa, bố mẹ Thu đã phải gửi các con ở nhà ông bà ngoại để đi làm thuê. Chứng kiến sự khó khăn của gia đình, Thu quyết định xin bố mẹ vào Đăk Lăk làm thuê tại một nông trại cao su cho một người bà con. Ngày ngày, sau thời gian làm việc, cô gái lại lầm lũi trong căn phòng nhỏ, chẳng nghĩ đến tương lai, để mặc cho số phận.
Vượt qua số phận
|
Anh Tú rất hạnh phúc bên vợ và hai con. Ảnh T.G. |
Anh Tú nhớ lại rành rọt từng chi tiết cái ngày gặp người vợ của mình nơi xa xứ: “Hôm đó, tôi khăn gói đi bán tăm từ sáng sớm, qua khắp ngõ phố của Buôn Mê Thuột. Bán cả ngày nhưng chỉ được hơn mười ngàn đồng. Gần chiều, trời đổ cơn mưa rào, đang loay hoay tìm đường về nhà thì bị lạc vào rừng cao su. Trời Tây Nguyên vừa mới mưa xong, con đường đất đỏ lấm lem bùn đất. Đang lúc không tìm được lối ra thì Thu, khi đó là công nhân cao su trên đường đi làm về đã đem “nguồn sáng” đến với tôi. Sau khi nghe được giọng nói đồng hương xứ Nghệ, cô ấy đã tận tình chở tôi về nhà…”.
Tưởng chừng như cuộc gặp gỡ ấy sẽ thoáng qua như bao cuộc gặp gỡ trên đường đời, thế nhưng, duyên phận đã cho họ gặp lại nhau nơi mảnh đất Tây Nguyên. Lần gặp gỡ thứ hai đến với họ cũng thật tình cờ và trong lần chạm mặt này, chính tiếng đàn của anh Tú đã lay động lòng chị. Vì nghĩ đến thân phận hai người, chị không dám mở lòng mình mà chỉ xem anh là người bạn tâm giao, cùng chia sẻ niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống. Nhưng dần dần, chính chàng trai mù bất hạnh, giàu nghị lưc này đã khiến Thu phải thay đổi suy nghĩ.
Sau một thời gian dài, tình yêu của anh chị bùng lên cách mãnh liệt. Cả hai đều nhận ra một nửa còn lại của cuộc đời mình. Dẫu biết vậy, nhưng ngày Thu ngỏ lời gửi gắm cuộc đời cho mình, Tú đã từ chối. Anh làm vậy, không phải vì không yêu cô gái đó, mà vì hơn ai hết, anh hiểu hoàn cảnh hiện tại của mình. Vướng vào cuộc đời anh, Thu sẽ phải khổ đến nhường nào. Anh không muốn người mình yêu sẽ phải chịu đau khổ. Vì thế, Tú âm thầm chôn chặt tình cảm mình trong lòng, chỉ dám coi Thu như tri kỉ, như một người em gái. Nhưng chỉ được một thời gian, biết không thể mãi lừa dối con tim, họ đã đến bên nhau.
Ngày Thu đưa người yêu về giới thiệu và xin cưới, người thân của chị sốc nặng. Họ không thể tin đứa con gái xinh đẹp của mình lại đi yêu một người mù như vậy. Thậm chí, họ còn tuyên bố cắt đứt tình thân nếu Thu lấy gã mù đó làm chồng. Nhắc lại những khó khăn trước ngày cưới, cô gái tâm sự rất thật: “Lúc đó, bố mẹ tôi phải đối quyết liệt lắm. Họ khuyên tôi lấy một chàng trai khỏe mạnh, sau này tôi sẽ có tương lại hơn chứ lấy người mù sẽ khổ suốt cả đời. Khi thấy tôi kiên quyết, bố mẹ đã coi như không còn có đứa con là tôi nữa”. Với tình yêu trong sáng và mãnh liệt của mình, sau nhiều lần đấu tranh tư tưởng, cuối cùng Nguyễn Thị Thu cũng đi đến quyết định xây dựng hạnh phúc với người con trai mình yêu. Một đám cưới đơn sơ được tổ chức cho đôi bạn trẻ, tuy nhiên nó lại là niềm vui không trọn vẹn khi nhà gái hoàn toàn vắng mặt.
Sau khi cưới xong, vợ chồng Tú dắt nhau về quê nội để sinh sống, làm ăn. Cả hai bắt đầu cảm nhận được khó khăn của cuộc sống. Về làm dâu lạ cái lạ nước, mọi chi phí sinh hoạt của vợ chồng Tú đều phụ thuộc vào bố mẹ. Những áp lực từ dư luận chưa nguôi thì đôi vợ chồng trẻ phải đối mặt với gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Nhưng bằng tình yêu chân thành, hai người đã vượt qua nhiều giông bão để có được hạnh phúc trọn vẹn.
Để chăm lo cuộc sống cho gia đình, sau ngày cưới, Tú quyết định đi học nghề tẩm quất, xoa bóp trị liệu 2 tháng rồi vào TP.Vinh hành nghề. Thu ở nhà nhận 5 sào ruộng và chăn nuôi lợn, gà. Cứ một tuần, chị lại đạp xe vào Vinh thăm chồng một lần. Được một thời gian, nghĩ đường xá xa xôi, Thu lại đeo bòng con nhỏ, Tú quyết định trở về quê mở quán tẩm quất, xoa bóp ngay tại nhà.
Chia sẻ về dự định cho tương lai sắp tới, anh Tú tâm sự: “Sắp tới tôi sẽ mở rộng cơ sở tẩm quất ở dưới trung tâm huyện, kiếm thêm việc làm cho những người cùng hoàn cảnh. Dẫu biết, phía trước còn nhiều khó khăn và thử thách nhưng vì hai đứa con, vợ chồng tôi sẽ cố gắng hết mình. Tôi tin mình sẽ làm được”. Chúng tôi chia tay gia đình anh Tú khi đã xế chiều. Đằng sau phía xa bên dãy núi Hòn Đột, hình ảnh ngôi nhà bé nhỏ của gia đình chị Thu, anh Tú cùng với giọng hát trong trẻo của bé Hiền bên tiếng đàn của cha mình vẫn in mãi trong tâm khảm chúng tôi: “Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xinh, con là cây nền hồng. Ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình…”.
Người mù yêu bằng cả trái tim Hạnh phúc như được nhân lên từ trong sự hi sinh gian khổ khi cuối năm 2003, chị Thu sinh bé gái đầu lòng đặt tên là Trần Thị Thu Hiền – một cô bé thông minh và lành lặn. Năm 2006, chị Thu lại sinh thêm một bé gái xinh xắn nữa. Từ đây, đôi vợ chồng lại có thêm động lực sống. Anh Tú hàng ngày vẫn cần mẫn với cơ sở xoa bóp và tẩm quất, còn chị Thu miệt mài làm ruộng. Tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng gia đình luôn đầy ắp tiếng cười con trẻ. Tuy không được nhìn thấy người vợ hiền hậu và hai đứa con xinh xắn, nhưng trong lòng Tú, vợ con mình lúc nào cũng tuyệt vời nhất. Họ là những thiên thần cho anh cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc. Người mù không yêu bằng mắt mà họ cảm nhận bằng chính trái tim của mình.
|
Nguồn Kim Long giadinh.net.vn