“U23 Việt Nam không có những ngôi sao. Ngôi sao duy nhất chúng tôi có chính là ở bên ngực trái của mình”. Phát biểu này của đội trưởng Xuân Trường khiến người hâm mộ cả nước nức lòng và thêm tin yêu vào thế hệ mới của bóng đá Việt Nam: thế hệ của những cầu thủ không chỉ thiện chiến trên sân cỏ mà còn có một phông văn hoá ứng xử rất đẹp, giàu trí tuệ.
Tuy nhiên, nói như ông bầu Đoàn Nguyên Đức với báo giới, các chiến công vừa qua của U23 không từ trên trời rơi xuống, cũng không có chuyện ăn may mà là quả ngọt từ chặng đường dài đầu tư của các lò đào tạo trẻ. Các cầu thủ của U23 không phải là tay ngang mà đều đến lò đào tạo như học viện HAGL Arsenal JMG, PVF, Hà Nội, Viettel...
Ông bầu cho rằng, chỉ có công tác đào tạo bài bản mới sản sinh ra những lứa cầu thủ vừa có tài năng, vừa có đạo đức, nhân cách và hành xử đúng mực, đồng thời có trình độ văn hóa.
Sự tâm huyết của bầu Đức với bóng đá thể hiện ở chỗ, ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất, khi phải tái cơ cấu toàn bộ Hoàng Anh Gia Lai, phải tháo chạy khỏi bất động sản trong nước, phải bán các công ty thuỷ điện… thì ông bầu vẫn giữ lại bóng đá – một mảng không sinh lời cho doanh nghiệp, không thể giúp các chỉ số tài chính trở nên tốt hơn.
Ông Nguyễn Tấn Anh, trưởng đoàn bóng đá CLB HAGL kể lại: Thời điểm đó, đánh giá chung khả năng tồn tại của HAGL rất khó. Có người muốn chia sẻ đã nói với anh Đức giao lại Học viện để họ làm, nhưng anh Đức kiên quyết từ chối. Anh khẳng định, dù có khó khăn cỡ nào thì có hai thứ anh sẽ luôn giữ lại là Học viên HAGL Arsenal JMG và bệnh viện HAGL”.
1.503 tỷ đồng là con số lỗ hợp nhất của Hoàng Anh Gia Lai trong năm 2016. Tổng nợ phải trả ở mức 36.113,7 tỷ đồng, một con số khổng lồ! Trong khi tài sản ngắn hạn cuối năm 2016 là 9.394 tỷ đồng thì nợ ngắn hạn lên tới 12.726 tỷ đồng. Giá cổ phiếu HAG lao dốc thảm hại, một thời gian dài quanh quẩn ở mốc 5.000 đồng khiến bầu Đức từ vị trí người giàu thứ 2 thị trường chứng khoán đến “mất hút” trên bảng xếp hạng.
Bên cạnh việc đưa cả cổ phiếu ra cầm cố, thế chấp tài sản của vợ thì bầu Đức cũng buộc dùng công trình khu liên hợp học viện bóng đá HAGL làm tài sản bảo đảm cho khoản vay dài hạn hơn 600 tỷ đồng (đáo hạn vào tháng 10/2020). Dù vậy, giữa “tâm bão” khó khăn, năm 2016, tập đoàn của bầu Đức vẫn ghi nhận chi 40 tỷ đồng cho Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Chi phí đào tạo học viện bóng đá HAGL-JMG trong chi phí trả trước dài hạn lên tới 58 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2017, khi áp lực nợ nần đã giảm bớt nên bầu Đức tăng chi phí cho Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang lên 49 tỷ đồng.
Về hoạt động của học viện này, bầu Đức cho biết, các em vừa học bóng đá, vừa học văn hóa song song với học ngoại ngữ, mới mẻ hơn cả là hướng tới mục tiêu giao tiếp bằng tiếng Anh. “Đổ tiền đào tạo trẻ, tôi chấp nhận thực tế rằng đầu tư bóng đá mất rất nhiều thời gian. Phải mất ít nhất 7 năm mới có một lứa cầu thủ đủ độ chín như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…”, bầu Đức chia sẻ.
Cho nên, trong “cơn say” bóng đá, nhìn thấy những quả ngọt mà U23 mang lại, người hâm mộ cũng trân trọng tâm huyết của những doanh nhân Việt – những ông bầu đã dày công, tốn sức để ươm mầm, đào tạo nên thế hệ vàng cầu thủ hôm nay, trong đó có bầu Đức.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn