Bí quyết học của cậu bé đỗ liền 4 trường chuyên Top đầu Hà Nội khiến nhiều người phải giật mình nhìn lại cách dạy con

Thứ tư - 02/05/2018 02:35
Tự học và luyện đề tại nhà chừng 2,5 tiếng/ngày, em Nguyễn Hữu Đức (15 tuổi) khiến nhiều người ngưỡng mộ khi đỗ vào 4 trường chuyên thuộc Top đầu ở Hà Nội.
Trúng tuyển liền lúc 4 trường chuyên ở Hà Nội

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội được nhiều người nhận xét căng thẳng hơn thi đại học, nhất là thời điểm thông báo trúng tuyển. Vậy mà, chàng trai Nguyễn Hữu Đức (cựu học sinh lớp 9A2 trường THCS Lê Quý Đôn, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại thấy rất “nhẹ tựa lông hồng”. Kết quả thi của em đã khiến các bậc phụ huynh và bạn bè thán phục khi đỗ liền 4 trường chuyên thuộc Top đầu thành phố.

Hữu Đức chia sẻ, em dự thi và trúng tuyển lớp chuyên Tin của 3 trường: THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam và THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội). Ngoài ra, em còn thử sức thi chuyên Ngữ và trúng tuyển.

Tính tổng số điểm các môn thi ở 4 trường, Đức đều thừa từ 1 đến 3 điểm. Đặc biệt, em đã lọt top 20 thí sinh xuất sắc của THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội và được nhận học bổng của trường.

Nhận kết quả đỗ vào 4 trường chuyên khiến Hữu Đức khá bất ngờ. Ngay từ đầu, em chỉ xác định thi vào lớp chuyên Tin của trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên. Sau đó, em quyết định thi thêm 3 trường để thử sức của bản thân.

Em Nguyễn Hữu Đức, nam sinh đỗ liền 4 trường chuyên Top đầu Hà Nội

“Em thấy ngạc nhiên khi đỗ Chuyên Sư phạm. Hôm thi Toán, em đã bỏ một câu nhưng không ngờ trúng tuyển và được nhận học bổng. Có lẽ, nhiều người sẽ nghĩ em nên cân nhắc việc lựa chọn trường, tuy nhiên quyết định vẫn là Chuyên Khoa học Tự nhiên bởi em rất thích ngôi trường này”, Đức tâm sự.

“Mẹ bảo ép học cũng chẳng vào đầu nên để em tự ý thức”

Chia sẻ bí quyết ôn luyện, Hữu Đức thật thà nói: “Em là học sinh rất ít đi học thêm. Em chỉ học duy nhất một buổi Toán vào chiều chủ nhật, thời gian trong ngày em tự luyện đề, đọc những gì mình thích và chơi game”.

Thường, Đức sẽ tự làm đề thi mẫu từ năm ngoái do Chuyên Khoa học Tự nhiên hoặc Chuyên Hà Nội – Amsterdam ra đề ra và một số đề cũ cách đây 3-4 năm. Khi gặp câu “khó nhằn”, Đức sẽ dành thời gian suy nghĩ khoảng 1 ngày để tìm ra phương pháp giải và đưa kết quả đúng.

Nhắc đến thời gian biểu, Hữu Đức cười: “Em không học nhiều. Mỗi ngày, em chỉ học 2 tiếng rưỡi từ khoảng 8h đến 10h30 tối. Hôm nào bạn đến nhà học chung thì em bỏ đề ra làm cùng”.

Thấy Đức ôn thi vào cấp III quá ít, ba mẹ em đã nhắc nhở. Nhưng do biết Đức có ý thức và tự giác nên họ không nhắc nhiều. “Mẹ bảo ép học cũng chẳng vào đầu nên để em tự ý thức lo việc học của mình”, Đức chia sẻ.

Đức là một cậu bé vui vẻ, ham chơi và có chính kiến riêng

Học Tiểu học, Hữu Đức đã rất đam mê môn Toán. Lên lớp 9, cậu bé đã “hoán đổi” tình yêu sang Tin học. Đức kể, năm lớp 6, một thầy giáo đã giới thiệu với em lập trình ở tin học. Hè lớp 8, Đức đã mạnh dạn đăng ký tham gia lớp học Tin dành cho các bạn THCS ở Chuyên Khoa học Tự nhiên. Từ đó, em đã bị môn Tin “cuốn hút”.

Đức bật mí thêm, em học rất kém môn Ngữ Văn nhưng không muốn đi học thêm. “Thi lên cấp III, em vẫn phải làm bài thi môn Văn. Vì vậy, mấy lần thi em toàn nghĩ cứ “để trời lo”. Cuối cùng, em vẫn đạt điểm tốt”, Đức hài hước.

Con cần  ý thức được việc học và tự sắp xếp

Chị Quỳnh Ngọc – mẹ Hữu Đức kể, khi gia đình nhận kết quả Đức đỗ vào 4 trường chuyên, ai nấy cũng vui mừng. Tuy nhiên, học trường chuyên chưa phải là tất cả. “Theo mình, việc  đỗ vào trường chuyên không có nghĩa là con mình giỏi hơn các bạn trường khác. Tất cả mới bắt đầu nên việc đỗ chuyên hay không chuyên không quá quan trọng".

Lí giải về việc tin tưởng cho Đức tự học ở nhà và không đến các “lò” luyện thi, chị Ngọc cho hay: “Khi bắt đầu đi học, Đức đã có ý thức học tập rất cao. Dù không học nhiều nhưng cháu ý thức được việc học và tự sắp xếp thời gian. Do đó, gia đình tôi cho cháu quyết định chuyện có đi học thêm hay không và tôn trọng ý kiến đó.

Dù không học nhiều nhưng Đức  ý thức được việc học và tự sắp xếp thời gian

Hơn nữa, ông ngoại đã từng góp ý nghỉ học thêm vì theo cách học đại trà thì tư duy của cháu sẽ không được chủ động mà dần dần luôn phải đợi một người hướng dẫn. Như vậy, cháu sẽ mất đi khả năng sáng tạo”.

Với vợ chồng chị Ngọc, họ có thể đi cùng con vài năm nhưng không dõi theo được cả đời. Họ chỉ quan sát để đảm bảo rằng con vẫn đang ổn.

Nhận xét về con trai, chị Ngọc cho biết Đức là cậu bé vui vẻ, ham chơi và có chính kiến riêng. “Mình và con quan điểm khác nhau rất nhiều. Giờ thằng bé lớn nên đã tự nhận thức được sự việc. Tuy nhiên, có lúc hai mẹ con bất đồng quan điểm gay gắt khiến mình buộc phải phân tích: Mỗi người một quan điểm, không thể nói ai đúng ai sai. Nó đúng trong từng trường hợp cụ thể nên sẽ được bảo lưu, ai giữ quan điểm của người đó”.

Theo Khai Tâm khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây