9X "ẵm" HCV Olympic Hóa quốc tế đỗ 2 trường ĐH hàng đầu Singapore

Thứ tư - 02/05/2018 02:35
Nguyễn Bằng Thanh Lâm, chàng trai vừa xuất sắc giành HCV Olympic Hóa học quốc tế 2017 sẽ nhập học ĐH Công nghệ Nanyang – một trong những trường đại học công lập lớn nhất Singapore vào tháng 8 tới.
Trúng tuyển 3 trường đại học quốc tế

Ngoài Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Thanh Lâm cũng trúng tuyển vào Đại học quốc gia Singapore (NUS), ngôi trường xếp thứ nhất ở Đảo quốc sư tử và Đại học Nagoya tại Nhật Bản.

Năm nay, đội tuyển Việt Nam thắng lớn tại Olympic Hóa học lần thứ 49 với thành tích cao nhất từ trước đến nay. Thành công đó có sự đóng góp của Thanh Lâm – một trong 3 thí sinh của đoàn đoạt HCV cuộc thi.

Lâm hạnh phúc trong vòng vây chào đón của thầy cô, bạn bè và các em khóa dưới sau khi trở về từ kỳ thi Olympic Hóa quốc tế tạị Thái Lan chiều 15/7 (Ảnh: Lệ Thu)

Nụ cười hiền và tươi rói, nam sinh trường THPT Amstesdam rất khiêm tốn khi nói về thành tích của bản thân nhưng lại say sưa khi nói về tình yêu Hóa học.

Ban đầu, Lâm có cảm hứng với Hóa học vì em thấy nó lạ và ảo khi thấy các phản ứng hóa học có những hiện tượng rất kì thú. Sau khi vào học lớp chuyên Hóa trường Ams, Lâm hiểu Hóa học nhiều ứng dụng nên càng muốn khám phá sâu.

9X cho biết, em thực sự mong muốn tìm hiểu về ứng dụng của hóa để giải quyết các bài toán cuộc sống như làm thuốc, thực phẩm, xử lý các vấn đề môi trường, em không học chỉ để thi cử.

undefined

Tình yêu ấy càng lớn hơn và đầy ắp kỉ niệm khi em gặp được những người thầy cô tâm huyết, truyền cho học sinh cảm hứng tìm hiểu, sự say mê môn học hơn là những người chỉ dạy kiến thức. “Khi đó em cảm thấy sự đam mê của mình như được thúc đẩy rất mạnh mẽ”, Lâm nói.

Lâm (ngoài cùng bên phải) là 1 trong 3 thí sinh đoạt HCV Olympic Hóa quốc tế 2017.

Chủ nhân HCV Olympic Hóa học quốc tế 2017 cho rằng, đam mê cũng chính là bí quyết giúp em đạt thành quả. Thêm nữa, em không quy định cho mình một lượng thời gian cụ thể để học Hóa của một ngày mà chỉ học khi mà mình thoải mái, hứng thú. Lâm vừa học, vừa đánh giá cách mình học để xem còn gì chưa tốt, còn phần nào mình yếu thì tập trung khắc phục chứ không học tràn lan.

Với mong muốn phát triển niềm đam mê của mình ở chân trời tri thức rộng mở, chàng trai Việt đã chuẩn bị du học từ năm lớp 11 và chạy “nước rút” trong thời gian 6 tháng cuối cùng. Kết quả, 9X xuất sắc trúng tuyển cả ba trường đại học mà em nộp hồ sơ, gồm 2 trường ở Singapore và 1 trường ở Nhật Bản. Các trường hỗ trợ tài chính cho nam sinh Việt ở mức khác nhau.

Trúng tuyển cả 2 trường đại học hàng đầu quốc đảo sư tử, Nguyễn Bằng Thanh Lâm chọn nhập học trường Đại học công nghệ Nanyang - NTU. Đây là một trong những trường đại học danh tiếng của khu vực Đông Nam Á.

Theo bảng xếp hạng US News & World report 2017, NTU lọt top 5 các trường đại học thế giới tốt nhất tại châu Á và đặc biệt, xếp thứ 3 về ngành Hóa học.

Sắp tới, 9X Việt sẽ nhập học Đại học công nghệ Nanyang, Singapore.

Nói về lý do chọn ngôi trường này, Lâm cho biết: “Em nộp hồ sơ vào NTU trước tiên vì Singapore là đất nước khá gần với Việt Nam, văn hóa của họ tương đối giống với Việt Nam lại có nền văn minh cao. Đặc biệt, Đại học công nghệ Nanyang có môi trường rất tốt để em theo đuổi đam mê Hóa học”.

Lâm sẽ theo đuổi ngành Hóa sinh tại ngôi trường này trong 4 năm tới. Ở thời điểm hiện tại, chàng trai Việt hi vọng sau này khi tốt nghiệp có thể làm nghề giảng dạy hoặc thuốc để công việc của mình có ý nghĩa đối với cuộc sống cộng đồng.

Cậu học trò say mê học hỏi nhưng không “mọt sách”

Ngoài HCV danh giá tại đấu trường Hóa học quốc tế năm nay, Lâm từng đạt giải Nhất quốc gia HSG Hóa học và Huy chương Bạc Khoa học trẻ quốc tế vào năm lớp 10.

Lâm từng giành nhiều huy chương, giải thưởng Hóa học.

Cấp 3, Lâm tham gia CLB Khoa học Society of Open Science. Lâm cho biết, CLB này là nơi các em thường tổ chức các sự kiện về khoa học với mục đích chủ yếu là tạo niềm cảm ứng, kích thích tiềm năng, sự đam mê và trí tò mò tìm hiểu khám phá khoa học của mọi người.

“Qua những sự kiện đó, em cũng tích lũy được những kinh nghiệm quý giá như cách làm việc nhóm, cách truyền đạt một vấn đề khoa học cho một người không có hiểu biết chuyên sâu về vấn đề này”, Lâm kể.

Lâm truyền tình yêu hóa học cho các em nhỏ qua các thí nghiệm thú vị.

Chị Trần Thị Yến (mẹ của Lâm) vô cùng hạnh phúc khi nhìn thấy thành quả của con trai sau quá trình nỗ lực hết mình vì đam mê. Chị Yến cho biết, ở nhà Lâm là một đứa con có nghị lực và phấn đấu trong mọi mặt. Vào cấp 3, Lâm thể hiện đam mê với môn Hóa học.

“Thời gian học cấp 3, Lâm thường xuyên tự đi tìm chọn mua những cuốn sách về Hóa học rất dày mà cảm giác chỉ những người nghiên cứu về Hóa học mới dùng đến. Thậm chí, không chỉ một ít mà Lâm còn sưu tập một giá sách về Hóa. Con thường xuyên đọc và đọc một cách say mê”, chị Yến kể.

Nhận xét về học trò của mình, cô Lê Thị Ngọc Hà (giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Chuyên Hóa, trường THPT Hà Nội – Amsterdam) cho biết: “Lâm rất say học, tìm tòi, nhất là ở môn học yêu thích. Em hay thắc mắc, đặt câu hỏi, thường xuyên tìm tài liệu học tập trên mạng, thư viện… Nhờ cách tiếp cận kiến thức tốt và niềm ham học, Lâm đạt kết quả học tập cao.

Ở lớp, em hòa đồng với bạn bè, học lớp chuyên nhưng Lâm không chỉ biết mỗi học mà còn tham gia nhiệt tình vào các phong trào. Mặc dù tham gia nhiều kỳ thi nên 1 năm có khi Lâm chỉ học ở lớp 1 kỳ nhưng khi lớp có vấn đề gì, Lâm rất tích cực chia sẻ ý kiến, đóng góp cho phong trào tập thể”.

Chia sẻ về kỷ niệm với học trò của mình, cô giáo Ngọc Hà nhắc lại quãng thời gian Lâm trở về từ kỳ thi Khoa học trẻ quốc tế với Huy chương Bạc. Thời điểm đó là tháng 12, Lâm rất lo lắng sẽ không theo kịp các bạn khi mà chương trình chuyên đã học được nhiều.

“Cứ lúc nào gặp cô, có cơ hội là Lâm đều hỏi, học bổ túc kiến thức cho kịp với các bạn. Nhắc đến Lâm, tôi nhớ về hình ảnh cậu học trò say sưa với đam mê và tinh thần học hỏi cao”, cô Hà nhấn mạnh.

Theo Lệ Thu Dân trí

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây