Bệnh viện Nội tiết TW đục khoét tiền Nhà nước thế nào?

Thứ sáu - 09/06/2017 21:12
Một số cán bộ bệnh viện Nội tiết TW ra sức đục khoét tiền của Nhà nước trong quá trình thực hiện các dự án.

Thông tin từ cơ quan điều tra cho biết, ở bệnh viện Nội tiết TW hiện có nhiều sai phạm cần phải điều tra làm rõ. Mới đây nhất, là vụ việc 3 cán bộ của viện này bị khởi tố.

Biên bản làm việc với đơn vị thực hiện dự án phòng chống ĐTĐ ghi nhận, các đơn vị nhận được rất ít tài liệu hoặc không nhận được tài liệu tuyên truyền từ BV Nội tiết TW.
Trao đổi với VTC News, đại tá Bùi Văn Đại, Trưởng công an quận Đống Đa (Công an TP.Hà Nội) cho biết: Vụ việc diễn ra tại bệnh viện Nội tiết TW liên quan đến nhiều tỉnh thành trong việc thực hiện chủ trương của Bộ Y tế về việc tổ chức tập huấn về bệnh lý tuyến giáp.

Vụ việc có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn tham ô. Ba cán bộ bị khởi tố gồm Mai Anh Tuấn - nguyên Phó phòng Truyền thông, Trung tâm chỉ đạo tuyến; bác sĩ Vũ Minh Phúc và bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Anh. Cả ba người này được xác định đã có hành vi lập khống chứng từ rút tiền từ các lớp tập huấn.

Không chỉ vụ việc trên, mà trong dự án Dự án Phòng chống Đái tháo đường, nhiều vấn đề cần phải xem xét, mở rộng điều tra.

Cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Phòng chống Đái tháo đường (DA PCĐTĐ) thành mục tiêu Quốc gia và bệnh viện Nội tiết TW được giao là cơ quan đầu mối triển khai các hoạt động chuyên môn trên phạm vi cả nước.

Tính từ năm 2009 đến năm 2012, tiền ngân sách chi cho dự án phòng chống đái tháo đường hơn 32,7 tỷ đồng nhưng chỉ sàng lọc được 1,63% dân số. Cụ thể, năm  2009 và 2010, tổng kinh phí cho hoạt động của dự án phòng chống đái tháo đường được Bộ Y tế phê duyệt hơn 7,7 tỷ đồng.

Đến năm 2011, Bộ Y tế cũng phê duyệt cho Dự án phòng chống bệnh đái tháo đường hơn 11 tỷ đồng.

Năm 2012, tổng dự toán kinh phí lấy từ nguồn ngân sách nhà nước được giao cho Dự án phòng chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng (bệnh đái tháo đường) tiếp tục tăng lên.

Cụ thể, con số này là 14 tỷ đồng.  Số tiền trên được phân bổ cho bệnh viện Nội tiết TW là 12,25 tỷ đồng, Cục quản lý khám chữa bệnh là 1 tỷ đồng, Cục Y tế dự phòng là 250 triệu đồng, Viện  chiến lược và chính sách y tế là 500 triệu đồng.

Trong Quyết định phê duyệt kế hoạch hoạt động bằng nguồn ngân sách nhà nước về dự án này trong năm 2012, mục tiêu đã được đưa ra khá chi tiết: 3 – 4% số xã phường được thụ hưởng sàng lọc. Quản lý được 60% số người tiền đái tháo đường, 50% người đái tháo đường tuýp 2 đã được phát hiện thông qua sàng lọc tại các cấp năm 2012.

Kinh phí cho dự án này không chỉ dừng ở đây, mà liên tục được đề nghị điều chỉnh tăng:

Cụ thể, ngày 24/12/2012, TS.BS Nguyễn Vinh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết TW có công văn số 745/BVNTTW xin điều chỉnh kinh phí.

Chính Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) khi trả lời công văn trên của Bệnh viện Nội tiết đã nêu rõ: Bệnh viện Nội tiết đề nghị được điều chỉnh kinh phí tăng 1,6 tỷ đồng. Đề nghị Giám đốc Bệnh viện xem xét, nghiên cứu lại sự cần thiết của hoạt động mua sắm tài sản, máy móc.

Tuy nhiên, đề nghị này của Bệnh viện Nội tiết lại được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên phê duyệt vào ngày 1/3/2013 (Tại công văn số 691/QĐ-BYT).

Như vậy, kinh phí cho cả dự án phòng chống bệnh đái tháo đường chỉ tính riêng năm 2012 là trên 15 tỷ đồng.
Tài liệu tuyên truyền về phòng chống ĐTĐ có nội dung sai.
Theo số liệu điều tra mới nhất mà Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện và công bố ngày 2/4, tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ ở nước ta hiện chiếm 5,7% dân số (khoảng 5,06 triệu người mắc ĐTĐ).

Còn thực tế thực hiện dự án, năm 2012, chỉ có 202.020 người được khám, xét nghiệm sàng lọc. Trong đó, sàng lọc được 9.932 người ĐTĐ và 26.242 người tiền ĐTĐ. (Theo tài liệu tổng kết hoạt động 2012 dự án phòng chống ĐTĐ quốc gia).

Trong đánh giá về kết quả hoạt động của chương trình quốc gia phòng chống ĐTĐ, TS Khương Anh Tuấn cũng nêu rõ: Hoạt động sàng lọc phát hiện đối tượng ĐTĐ đã triển khai ở tất cả các địa phương nhưng mức độ bao phủ chỉ 18,5% tổng số xã phường với tỷ lệ dân được sàng lọc chiếm 1,63% dân số.

Tính đến năm 2012, dân số Việt Nam ước là 88,78 triệu người, như vậy chỉ sàng lọc được khoảng hơn 1,4 triệu người.

Con số này quả là xa vời so với mục tiêu mà Bộ Y tế đưa ra là 50% người đái tháo đường tuýp 2 đã được phát hiện thông qua sàng lọc tại các cấp năm 2012.

Còn ông Nguyễn Thanh Tùng, lãnh đạo Trung tâm Nội tiết tỉnh Nam Định cho biết: “Tỷ lệ sàng lọc ĐTĐ và tiền ĐTĐ còn thấp”.


Tài liệu tuyên truyền sai, phản cảm

Trong dự án Phòng chống ĐTĐ, số tiền dành cho việc in ấn không hề nhỏ. Cụ thể, chỉ tính riêng kinh phí ban đầu cho dự án năm 2012, việc thuê thiết kế và chỉnh sửa tờ rơi phòng chống bệnh ĐTĐ cho đối tượng thanh niên là 75 triệu đồng. Tiền thuê chỉnh sửa tranh lật phục vụ tư vấn ĐTĐ và tiền ĐTĐ là 75 triệu đồng.
Hình ảnh được cho là người Trung Quốc được đưa vào tài liệu tuyên truyền gây phản cảm. 
Vào 1/3/2013, bà Nguyễn Thị Xuyên, thứ trưởng Bộ Y tế lại ký quyết định 691 bổ sung thêm ngân sách cho dự án này.

Bà  Xuyên đồng ý bổ sung 100 triệu đồng cho in tài liệu quản lý người có yếu tố nguy cơ tại tuyến cơ sở. Bổ sung 100 triệu đồng in tài liệu tư vấn dinh dưỡng và 100 triệu đồng in tài liệu đào tạo, tập huấn cho y tá điều dưỡng thuộc mạng lưới chăm sóc ĐTĐ.
Tiền ngân sách nhà nước chi như vậy nhưng tài liệu in ra bị sai. Cụ thể, các tờ rơi đã in nhầm vị trí chỉ số xét nghiệm của “rối loạn đường huyết lúc đói” và “suy giảm dung nạp đường máu”.

Ngoài ra, hình ảnh trên tài liệu truyền thông về ĐTĐ còn dùng hình ảnh được cho là người Trung Quốc rất phản cảm, không gắn liền với thực tế tại Việt Nam.

Vì vậy, thạc sỹ Lê Hoàng Nam, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Ninh Bình đề nghị “Kiểm tra lại các tài liệu truyền thông mà đơn vị nhận được từ năm 2009 đến nay”.

Điều đáng nói nữa là tài liệu tuyên truyền in ra nhưng các đơn vị tuyến dưới không nhận được tài liệu tuyên truyền hoặc nhận được rất ít. Phải chăng, cán bộ thực hiện dự án biết được sai sót trong tờ rơi tuyên truyền nên muốn “ỉm” tài liệu này hay số lượng in có hạn?

Ông Nguyễn Thanh Tùng, lãnh đạo Trung tâm Nội tiết tỉnh Nam Định cho biết: “Tài liệu truyền thông cho dự án cấp trong năm vừa rồi còn rất sơ sài và gần như không có tài liệu truyền thông từ năm 2009 – 2012.

Trung tâm nội tiết tỉnh Nam Định chỉ nhận được 160 tờ áp phích, 16 cuốn tư vấn dinh dưỡng ĐTĐ, 32 quyển phiếu đánh giá yếu tố nguy cơ”.

Phó GĐ Trung tâm y tế dự phòng thành phố Hải Phòng, T.S Đỗ Mạnh Cường đặt câu hỏi, tại sao Trung tâm không nhận được các tài liệu truyền thông từ 2009 đến nay. Duy chỉ nhận được 1 đĩa truyền  thông phòng chống ĐTĐ năm 2010?

Như vậy, trong dự án phòng chống ĐTĐ do bệnh viện Nội tiết TW làm đầu mối thực hiện cần phải  có bàn tay của cơ quan điều tra để làm rõ thêm.

Theo Nguyễn Tâm (VTC News)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây