Đầu mùa mưa, Lộc Hà đã khốn khổ vì giao thông!

Thứ sáu - 09/06/2017 10:13
Mới những cơn mưa đầu mùa, nhưng nhiều tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn huyện Lộc Hà đã bị ngập nặng, cản trở việc làm ăn, học tập, sinh hoạt và gây lo lắng, bức xúc cho cán bộ, nhân dân...

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lộc Hà đang triển khai xây dựng đường 70 nối từ cổng chào xã Thạch Bằng đến trung tâm hành chính huyện; tỉnh lộ 9 đoạn từ Thạch Bằng đến Thạch Kim và một số tuyến giao thông huyết mạch khác. Thế nhưng do thiếu quan tâm, sự bị động, lúng túng của chủ chủ đầu tư và các đơn vị thi công trong đảm bảo giao thông, chống ngập nên trong mấy ngày mưa vừa qua, nhiều tuyến đường trên địa huyện Lộc Hà bị ngập nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt dộng giao thông.

Do không đi được xe nên đã đến giờ vào học nhưng những học sinh này vẫn còn cách trường gần 3 km (ảnh chụp lúc 7h sáng ngày 11/9 tại khu vực xóm Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng)

Vào buổi sáng của ngày đầu đợt mưa, tôi gặp Chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm Liên Tân, xã Thạch Kim - một người chuyên đưa cá từ Thạch Kim lên chợ Thành phố Hà Tĩnh bán. Vì lỡ mua hàng nên chị không còn cách nào khác là phải mạo hiểm vượt qua các đoạn đường lầy lội và ngập chìm trong cơn mưa đầu mùa.

Cũng như nhiều người khác, chị phải vật lộn với xe hàng khi nó bị chết máy giữa đường. Để cá không bị ươn, buộc chị phải xuống đẩy bộ một quãng đường khá xa đến tiệm sửa chữa với tốc độ “đi như chạy”. Trong bộ áo mưa tả tơi, khuôn mặt mệt nhọc, ánh mắt chị hiện lên sự sốt ruột, lo lắng khi nhìn về những rổ cá.

Trao đổi với chúng tôi, chị tỏ vẻ khó chịu: “Các tuyến đường chính ở vùng này bị ngập lụt là điều xưa nay chưa từng thấy, kể cả ở những trận lụt lịch sử. Đường sá làm không tính toán, mới mưa đã ngập, nước băng vời như sông. Nếu không được khơi thông, xử lý kịp thì cả mùa mưa chắc phải sống chung với cảnh này. Nếu không thể đi chợ được, những nhà như gia đình chúng tôi sẽ bị “treo nồi”...”.

Trong số nhiều người ngồi chờ ở tiệm sửa xe còn có anh N.H.V cán bộ Công an huyện Lộc Hà cũng bức xúc: “ Trời mới mưa đường đã lầy lội, ngập úng gần như toàn tuyến. Rất nhiều cán bộ huyện nhà ở xa đến công sở muộn giờ, quần áo lấm lem, không thể xuống cơ sở và đối mặt với nguy cơ xẩy ra tai nạn giao thông cao”.

Đường biến thành... "sông" nên xe bị chết máy, rất nhiều người tham gia giao thông phải vật lộn với phương tiện, hàng hóa trong nhiều giờ liền

Có mặt tại tuyến đường 70 sau ngày mưa to nhất của đợt mưa đầu mùa, trước mắt chúng tôi là dòng nước đục ngầu, chảy mạnh trên mặt đường đang thi công. Tại các điểm giao nhau giữa trục đường ngày với các tuyền đường dân sinh, khu vực vòng xuyến nối với tỉnh lộ 9 là cảnh nhốn nháo của hàng chục người, thậm chí có thời điểm lên tới gần trăm người tham gia giao thông.

Họ loay hoay dưới trời mưa gió để tìm cách vượt qua qua dòng đoạn ngập lớn trên đọan đường này. Do các điểm nút này bị ngập khá sâu, nhiều đoạn ngập lút bánh xe máy nên một số người phải quay lại, số người đi qua thì hầu hết bị ướt hoạc đẩy xe vào tiệm sửa chữa.

Có mặt tại đó lúc gần 12 giờ trưa, anh Lê Bình Văn ở Khánh Yên (Thạch Bằng) bức xúc: "Mùa mưa bão đến rồi mà đường sá thế này thì nguy hiểm quá. Chúng tôi con mới học tiểu học nên phải đưa đón về nhưng giờ này tôi vẫn đang phải đứng đây trong khi con đang ở trường chưa được ăn cơm, chiều lại phải đi học. Cũng như tôi, nhiều người đang đứng ở đây đều rất bất bình với phương pháp thi công, phương án đảm bảo giao thông vào mùa mưa bão ..."

Đường vào công sở của cán bộ, công chức ở Lộc Hà

Cách đó không xa, hàng trăm người đang bì bõm, vật lộn với phương tiện, hàng hóa và con em là học sinh trên tuyến đường Tỉnh lộ 9 đoạn từ Thạch Bằng đi Thạch Kim. Đây là tuyến đường huyết mạch của cả vừng, đi trên địa bàn đông đúc dân cư và lưu lương giao thông qua lại rất lớn.

Dự án nâng cấp, cải tạo đoạn đường này được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 24/12/2010 với tổng mức đầu tư gần 51 tỷ đồng. Thế nhưng, khi thực hiện các nhà thầu không có phương án thi công phù hợp, làm dàn trải khắp toàn tuyến và chưa tính toán đến các phương án chống ngập úng, đảm bảo giao thông đi lại trong mùa mưa.

Trên mặt đường thì lầy lội, ngổn ngang nguyên vật liệu, thỉnh thoảng lại có những hố sâu. Hai bên lề, hệ thống mương thoát nước đã cơ bản được làm xong nhưng nó lại cao hơn mặt đường khoảng từ 10 – 60 centimet tùy từng đoạn và không có lỗ thông nước từ mặt đường ra mương thoát. Vì vậy, khi trời mưa thì nước giữa lòng đường dâng lên gây ngập nhiều đoạn, trong đó có nhiều đoạn phương tiện giao thông không thể đi qua.

Rất nhiều đoạn khác trên tuyến giao thông huyết mạch tỉnh lộ 9 cũng bị ngập

Anh Lê Chiến – một người dân sống ven đường phản ánh: “Những ngày đầu mới mưa thì đường chỉ lầy lội nhưng vẫn đi được, nếu đoạn nào xấu quá thì đi trên mương thoát nước. Nhưng vài ngày sau thì bị ngập nặng, nhiều đoạn bị chia cắt, nhiều thời điểm không thể đi lại được. Ngoài người tham gia giao thông thì các gia đình ven đường cũng bị ảnh hưởng rất lớn trong sinh hoạt, đi lại, đảm bảo vệ sinh, mỹ quan...”

Việc các tuyến đường đang thi công trên địa bàn Lộc Hà bị ngập trong những cơn mưa đầu mùa đã gây cản trở đến công việc làm ăn, học tập, sinh hoạt và đang gây lo lắng, bức xúc cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Rất mong các cơ quan chức năng, các đơn vị thi công triển khai các phương án đảm bảo giao thông, chống ngập úng cho các tuyến đường đang làm trong mùa mưa bão năm nay.

Theo P.V (Báo Hà Tĩnh)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây