|
Để diễn đạt cho tôi hiểu chuyện trai gái trong bản lấy nhau chỉ quanh quẩn trong anh em họ, ông Đậu Xuân Lệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã kiêm cán bộ cắm bản ở đây, lấy nhà ông Hồ Văn Vẹt làm điển hình. Ông Vẹt có con trai là Hồ Văn Lượng. Chị ruột ông Vẹt là bà Hồ Thị Đại, sinh con gái là Hồ Thị Loong. Ông Lượng và bà Loong lấy nhau, sinh được bốn con. Ông Vẹt có con trai là Hồ Văn Nề. Ông Nề có con gái là Hồ Thị Bình. Em trai ông Vẹt là ông Hồ Văn Quang. Ông Quang có con trai là Hồ Văn Bốn. Bốn và Bình lấy nhau, sinh được Hồ Thị Thủy. Hồ Văn Cương cũng là con trai ông Vẹt, lấy Hồ Thị Hạnh, cháu gọi ông là bác. Hồ Thị Nam là con gái ông Quang, lấy Hồ Viết Đỏn là con bà Đại, chị ông Quang. Rồi Hồ Văn Hà là con của chị, lấy con của em là Hồ Thị Sâm, sinh ra Hồ Thị Thu…
Ô tô đã về đến nơi, nhưng văn minh hôn nhân thì còn mờ mịt
Ông Lệ phủi tay: “Nhiều lắm”. Tiếp câu chuyện, bà Hồ Thị Nam, là đại biểu HĐND huyện Hương Khê, kể một mạch những chuyện con dì lấy con cậu, con cô, hết tên người này đến tên người khác, tôi ghi không kịp. Tôi hỏi: “Cô nghĩ gì về chuyện hôn nhân cận huyết này? Nó để lại hậu quả ra sao?”. Bà trả lời tỉnh bơ: “Bà con không lấy người ngoài bản, vì nếu thế sẽ mất bản sắc, mất tiếng nói cha ông, nên cứ lấy nhau xoay quanh như thế, vui lắm!”. Ông Lệ “bỏ nhỏ” với tôi: “Bà Nam là đại biểu HĐND nhưng chỉ là cơ cấu cho đủ thành phần thôi. Bà không biết đọc, biết viết, chỉ biết ký một chữ Nam thôi”.
Tôi tìm đến nhà Hồ Thị Bình. Cô gái 19 tuổi này đang địu đứa con mới một tuổi. Hồ Văn Bốn là chồng Bình, không có nhà. Bình có nụ cười như chưa từng dãi nắng dầm mưa, cái nhìn trong trẻo như trẻ thơ. Tôi hỏi: “Sao không yêu người khác mà yêu Bốn rồi lấy làm chồng?”. Bình cười hồn nhiên: “Em không biết đâu”. “Em học đến lớp mấy?”. “Lớp 8 rồi nghỉ”. “Chồng học lớp mấy?”. “Lớp 4” - tiếng hai người phụ nữ đứng gần đó góp chuyện. Bình quay lại, nặng giọng: “Làm gì lớp 4, lớp 1 hay 2 gì đó thôi”. Thế là ba phụ nữ rộ lên, tranh cãi, rồi khẳng định: “Cưới là do duyên phận, do hoa tay thôi. Đến giờ đến phút đó là cưới thôi, lấy ai chẳng được!”.
Những đứa trẻ ở Rào Tre, rồi sẽ như bố mẹ chúng?
Cha mẹ kết hôn cận huyết, con cái sẽ thế nào? Tôi chợt nhói lòng khi nhớ ông Lệ bảo Hồ Văn Cương và Hồ Thị Thành cũng từ nhà ông Vẹt mà ra, lấy nhau sinh ra cháu Hồ Thị Hạnh đã được năm tuổi, bị thiểu năng trí tuệ. Ám ảnh nhất là bàn chân bị cụt của cháu Hồ Thị Thu con của Hồ Văn Hà và Hồ Thị Sâm. Họ đứng cho tôi chụp ảnh, cười như không cần biết nhát chém đớn đau của hôn nhân cận huyết giáng xuống con mình, cười gật đầu như lẽ đương nhiên khi xác nhận với tôi họ là con của dì lấy con của dì… Giới khoa học đã nói đến chuyện hôn nhân cận huyết, sẽ sinh ra những đứa trẻ không mạnh khỏe, mang những tai ương bệnh tật vô phương cứu chữa. Những người như vợ chồng chị Hà có biết không?
Hôn nhân cận huyết sinh ra em bé bị mất bàn chân trái
Trai gái làng này cứ đời nối đời, lấy nhau với người trong nhà, là có lý do, mà theo ông Lệ là rất khó giải quyết. Muốn cưới người khác bản thì phải vào tận Quảng Bình, trong đó có tộc người Chức, nhưng đường đi quá xa. Rồi mâu thuẫn, đánh nhau giữa thanh niên bản này với thanh niên người Chức trong đó, căng đến mức bộ đội biên phòng hai tỉnh phải ngồi lại với nhau tìm cách giải quyết. Có một người ở đây có vợ người Kinh, là Hồ Văn Bình. Vợ Bình là chị Mai, từng có chồng ba con, chồng bỏ, thương Bình đi làm thuê cực khổ, gá duyên sống với nhau. Còn lại, tất cả không quan hệ với bên ngoài. Họ không dám đến người Kinh chơi. Người Kinh thì chẳng ai muốn cưới họ. Không cách nào khác, họ phải lấy nhau để sống. \
Giấc mơ chữ nghĩa của Xuân đã tàn lụi
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn