LTS: Kết thúc năm 2012 nhiều khó khăn và thách thức, đã có những doanh nghiệp bứt phá thành công, nhưng cũng có những doanh nhân loay hoay tìm con đường mới để chèo lái con tàu sự nghiệp của mình “vượt bão”; Đã có nhiều giải pháp đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó nhưng cũng cần thêm nữa phương án thiết thực và hiệu quả hơn; Tiếng nói của người tiêu dùng đã chính xác và có trọng lượng hơn nhưng vẫn rất cần những thông tin minh bạch, dễ tiếp cận từ nhiều phía…
Bước sang năm 2013 cũng là thời điểm để họ, những CEO các lĩnh vực, ngành nghề,... chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các cơ quan chức năng và cả những người tiêu dùng cùng nhìn lại những ấn tượng đã qua trong năm cũ cũng như bày tỏ mục tiêu, kỳ vọng của mình trong năm mới. Tất cả những nhận định, đánh giá, dự đoán của họ sẽ được phản ánh qua loạt bài của báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Chưa đầy 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán. Vấn đề thưởng Tết luôn là một vấn đề được những người lao động quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Nói về mức thưởng Tết của các doanh nghiệp cũng như dự báo tình hình kinh tế năm 2013, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có những nhận xét rất sắc xảo đáng để suy nghĩ.
|
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (Ảnh: vtc.vn) |
Không thể áp doanh nghiệp làm tốt thưởng theo mức của các doanh nghiệp khác
PV: Đến thời điểm này bà có dự đoán về bức tranh thưởng tết năm nay? Thông tin thưởng tết cao nhất ở TP. Hồ Chí Minh gấp 20 lần Hà Nội (TP. HCM 274 triệu đồng, TP. HN 74,5 triệu đồng) có nói lên điều gì về bức tranh kinh tế không thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi chưa biết được tình hình các doanh nghiệp như thế nào để biết họ thưởng tết bao nhiêu bởi vì thông tin như thế nào thì báo chí đã đưa lên.
Tình hình của một doanh nghiệp không nói lên được điều gì. Thực tế, phía Nam tập trung nhiều doanh nghiệp hơn kể cả số lượng doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Họ hoạt động theo thị trường nhiều hơn. Còn ở phía Bắc, các doanh nghiệp nhà nước tập trung lớn. Tôi cũng không biết tình hình hoạt động các doanh nghiệp từng khối và cũng không biết doanh nghiệp thưởng cao là doanh nghiệp nào, điều kiện cụ thể ra sao. Cũng không thể từ tình hình của một doanh nghiệp mà suy chung ra tình hình kinh tế của hai đầu đất nước.
PV: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vẫn có những doanh nghiệp đưa ra thông tin thưởng tết rất cao: như thưởng ô tô hay 17 tháng lương (lương bình quân nhân viên 18 triệu đồng/tháng), những thông tin này có tác động thế nào đến người lao động và doanh nghiệp, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi cho chuyện thưởng là theo quy luật của thị trường. Có những doanh nghiệp thành công, có những doanh nghiêp không thành công. Năm nay khó khăn là tình hình chung và phổ biến ở các doanh nghiệp. Có những đơn vị như Viettel, họ thành công rất lớn kể cả đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài … Nếu so sánh với VNPT thì mức lợi nhuận của Viettel cao hơn gấp mấy lần dù quy mô tương tự như nhau. Như vậy thì họ xứng đáng với mức thưởng tết cao. Nếu như doanh nghiệp làm kém hơn Viettel như VNPT mà thưởng cao thì mới lấy làm lạ.
Còn những đơn vị làm ra lợi nhuận nhiều, đóng góp rất tốt trong điều kiện khó khăn chung (các doanh nghiệp khác thua lỗ, không đóng góp được nhiều như trước) thì dù là số ít họ nổi lên thì rất đáng khuyến khích.
|
Viettel - Điểm sáng trên bức tranh kinh tế Việt Nam 2012 (Ảnh: quantrimang.com.vn) |
Những người lao động ở doanh nghiệp đó được hưởng mức thưởng cao hơn là một điều hoàn toàn chính đáng. Không thể đem những doanh nghiệp có mức thưởng cao áp vào nền nghèo chung rồi bắt doanh nghiệp làm tốt thưởng theo mức của các doanh nghiệp khác là không thể được.
Một bức tranh xám xịt với nợ xấu, tồn kho và nhiều doanh nghiệp giải thể
PV: Theo bà, những dấu ấn nào của nền kinh tế Việt Nam 2012 để lại cho bà nhiều ấn tượng nhất? Vì sao?
Bà Phạm Chi Lan: Năm 2012 nói chung tôi chỉ thấy một bức tranh xám xịt và nhiều ấn tượng xấu: nợ xấu, “cục máu đông” bất động sản, tồn kho hàng hóa, số doanh nghiệp phải giải thể tháng này tăng so với tháng trước. Đó là những tín hiệu xấu. Những ấn tượng buồn đó bắt đầu từ năm 2011 chứ không phải đến năm nay mới có.
Dù chúng ta đã đưa ra những giải pháp để khắc phục nhưng không khắc phục được mà thậm chí tình hình còn nặng nề hơn. Trong khi đó những giải pháp căn cơ hơn như tái cơ cấu kinh tế thì chưa làm được và dù đã có khởi động rồi nhưng chưa làm được bao nhiêu, mà có vẻ những việc làm chưa thật trúng lắm.
PV: Thưa bà nhưng hẳn trong bức tranh đó vẫn có những điểm sáng nào đó…
Bà Phạm Chi Lan: Tất nhiên. Có một vài điểm sáng như Viettel: vẫn đầu tư ra nước ngoài, vẫn làm việc rất cần mẫn, chọn lựa đúng, chiến lược tốt, tiết kiệm được nội bộ nhiều thành ra họ có mức lãi cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp cùng ngành có cùng quy mô, thậm chí họ còn vượt lên trên khó khăn.
Điều đó chứng tỏ họ tài giỏi hơn và cho thấy tài của những lãnh đạo khi xác định được chiến lược và tổ chức vận hành cả một doanh nghiệp hiệu quả như vậy. Tất cả mọi người trong doanh nghiệp đều đã thực sự dốc hết sức mình để làm thì mới đạt được kết quả như vậy. Tôi nghĩ gương đó làm bài học chung cho các doanh nghiệp…
PV: Còn về EVN khi tổng kết năm 2012, họ đã báo lãi thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Cái lãi, lỗ của EVN thì thực tình tôi không có điều kiện biết được những thông số cụ thể để biết có thể được lãi lỗ thật. Tôi không muốn bình luận nhiều vì trường hợp đó vì vẫn độc quyền nên dù có lãi mà trên cơ sở độc quyền, tăng giá điện trên đầu người tiêu dùng thì cái lãi đó đáng phải xem.
|
Bà Phạm Chi Lan: "Lãi mà trên cơ sở độc quyền, tăng giá điện trên đầu người tiêu dùng thì cái lãi đó đáng phải xem". (Ảnh: Hoàng hà) |
Còn trường hợp lãi của Viettel, họ đưa ra được những dịch vụ mới, góp phần rất lớn làm cho giá viễn thông ở Việt Nam liên tục giảm trong bao nhiêu năm nay. Mấy năm trước đây, EVN cũng đề nghị thưởng rất lớn nhưng mấy năm sau lỗ thì dư luận mới phản đối vì do tăng giá điện quá lớn trên đầu người tiêu dùng nên mới có thu nhập thêm.
PV: Bà dự đoán bức tranh kinh tế năm 2013 sẽ thế nào? Những ngành kinh doanh nào sẽ “hot” và hút nhiều tiền đầu tư?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi không thể nói được bức tranh kinh tế năm 2013 như thế nào. Mong muốn thì ai cũng mong muốn là bức tranh kinh tế năm 2013 tươi sáng hơn năm 2012. Nhưng thực tế chưa cho phép tôi thực sự lạc quan về năm 2013. Trừ khi tôi thấy được những biện pháp thực sự đúng và mạnh mẽ của nhà nước về tái cơ cấu kinh tế thì mới có niềm tin vào sự phục hồi mang tính chất bền vững. Còn với những giải pháp ngắn hạn thì tôi chưa thực sự cảm thấy phấn chấn với dự báo năm 2013.
Việc này phụ thuộc rất lớn vào chính sách của nhà nước, phải tập trung đúng cho những ngành có hiệu quả thay vì tiếp tục muốn cứu bất động sản. Những việc đó không trúng.
Trong khi đó những ngành sản xuất vật chất như chế biến có thể có tương lai tốt hơn. Ví dụ như nông sản, mấy năm qua, nông nghiệp tiếp tục xuất siêu, tiếp tục thành công ít nhất là trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, mức đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế nhất là đầu tư cho chế biến.
Nếu đầu tư cho chế biến nông nghiệp thì tôi tin ngành đó cũng có thể là ngành thành công. Muốn đầu tư được vào chế biến nông sản lại cần nhiều chính sách của nhà nước khuyến khích vì nông nghiệp là ngành chịu sự rủi ro nên ngành chế biến nông sản chịu nhiều rủi ro theo. Nên có những hệ chính sách để khuyến khích nó. Mà những chính sách hiện nay phần nhiều lại không nằm trong hệ thống khuyến khích mạnh của nhà nước nên khó nói được tương lai của nó như thế nào.
Tái cơ cấu – công việc sống còn với các doanh nghiệp
PV: Năm 2013 được đánh giá vẫn là năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, theo bà, điều cần nhất giúp các doanh nghiệp vượt khó và có thể tăng trưởng là gì?
Bà Phạm Chi Lan: Tất cả câu chuyện nằm ở việc mình tái cơ cấu như thế nào đối với nền kinh tế nói chung để cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô.
Còn đối với bản thân từng doanh nghiệp cũng phải tái cơ cấu lại mình tức là rà soát lại chiến lược, tập trung vào những gì là cốt lõi, bỏ đi những ngành có thể một thời gian ngắn mang lại lợi nhuận như bất động sản, chứng khoán. Nếu tập trung vào những lĩnh vực cốt lõi, chịu khó tìm hướng đi mới đặt trong bối cảnh kinh tế hiện nay và trong bối cảnh cạnh tranh trong khu vực thì phải nhìn rất rõ bức tranh đó để xác định hướng đi cho mình. Có như thế thì có thể các doanh nghiệp trụ được nhưng như tôi nói, có trụ được hay không phụ thuộc vào điều kiện vĩ mô nhiều vì trong “cái chết” của nhiều doanh nghiệp vừa qua phần nhiều là do bối cảnh khó khăn chung chứ không hoàn toàn do bản thân doanh nghiệp yếu.
PV: Thời điểm này, "tái cơ cấu doanh nghiệp" là cụm từ được nhắc đến rất nhiều thể hiện sự cần thiết của nó trong bối cảnh hiện nay. Thưa bà, việc tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp là một việc bình thường hay là một việc làm đặc biệt khi kinh tế khó khăn?
Bà Phạm Chi Lan: Bối cảnh chung của toàn cầu hay của những nước với những doanh nghiệp thành công thì bao giờ họ cũng liên tục xem xét lại mình, xem xét bối cảnh kinh tế rồi tìm ra cách điều chỉnh để có hành động thích hợp chứ không ai là có thể dậm chân tại chỗ để tiến lên được. Quy luật của cuộc đời là như vậy vì trong khi người khác đi lên mà anh không thay đổi thì anh tụt lại đằng sau thôi.
Câu chuyện này đúng muôn thuở nhưng trong thời đại thay đổi nhanh chóng như hiện nay, các nước thay đổi nhanh như hiện nay thì điều đó lại càng rõ. Chính các nước tiến rất nhanh thì họ vẫn phải xem lại cơ cấu của mình.
Còn yêu cầu tái cơ cấu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trước mắt là do những yếu kém trong nội bộ nền kinh tế. Sau này khi làm thành công được rồi, ổn định được rồi thì cũng đừng có chủ quan nghĩ mình là nhất cứ thể mà yên tâm làm tiếp.
PV: Đó cũng là điều kiện rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn như hiện nay. Trân trọng cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!