BOT không ảnh hưởng đến người nghèo?

Thứ tư - 02/05/2018 16:15
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, phát biểu: Người dân nghèo dùng xe máy thì đã được miễn phí qua trạm BOT, vì vậy không bị ảnh hưởng gì (?!)
Khoảng 7 giờ ngày 7-9, tại trạm thu phí số 1 - Quốc lộ (QL) 5 (đoạn qua huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) tiếp tục xảy ra tình trạng một số lái xe trả tiền mệnh giá thấp để qua trạm.

Điều tra việc xúi giục gây ùn tắc giao thông

Cụ thể có 3 ô tô đi từ chiều Hà Nội qua trạm cùng lúc. Tài xế các xe này đã sử dụng tiền lẻ qua trạm . Nhân viên thu phí yêu cầu 3 xe trả phí tại 3 làn riêng biệt để tránh gây ùn tắc. Khi các lái xe này có dấu hiệu đi chậm lại, lực lượng CSGT đã nhắc nhở để không gây ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến.

Ùn tắc giao thông qua trạm thu phí số 1 trên Quốc lộ 5 (đoạn qua tỉnh Hưng Yên) vào chiều 4-9 Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Theo đại tá Đỗ Đình Hào, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, sau khi xảy ra việc ùn tắc tại trạm thu phí số 1 vào ngày 4 và 5-9, Công an tỉnh đã làm việc với một số tài xế để làm rõ người xúi giục, kích động gây rối, ùn tắc giao thông. "Nếu thu thập đủ căn cứ, chúng tôi sẽ tiến hành khởi tố về hành vi gây rối, kích động theo đúng quy định của pháp luật" - đại tá Đỗ Đình Hào nói.

Ngoài ra, Công an tỉnh sẽ huy động lực lượng phối hợp với các ban, ngành chức năng của tỉnh để điều tiết, phân luồng giao thông trên QL5, đặc biệt là đoạn qua các trạm thu phí.

Trong khi đó, đại tá Đào Trọng Bằng, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Hưng Yên, khẳng định việc tài xế dùng tiền lẻ trả phí nhằm phản đối mức phí là việc của cá nhân, công an không điều tra.

Đến thời điểm này, PC45 chưa nhận được bất cứ văn bản nào liên quan đến việc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam đề nghị điều tra, làm rõ việc trả tiền lẻ qua trạm thu phí của lái xe hay hành vi chặn xe của người dân. Tuy nhiên, do sự việc xảy ra trên địa bàn nên PC45 có trách nhiệm điều tra.

Còn 8 trạm như BOT Cai Lậy

Cùng ngày, tại buổi tọa đàm trực tuyến "Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT giao thông?" do Báo Công an Nhân dân tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng không nên "chẻ chữ" rằng tiền lẻ cũng do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Theo ông Kiên, việc tiêu tiền lẻ phải có văn hóa. Ứng xử với nhau trong xã hội pháp quyền, người dân có quyền tiêu tiền thế nào cho thuận tiện nhưng không được gây phiền hà đến người khác.

"Tiêu tiền lẻ anh thỏa mãn cái bực dọc trong việc phản ứng với nhà đầu tư nhưng anh lại kéo dài thời gian chờ đợi của những tài xế đi sau... Hoặc nếu anh đi thành hội, thành đoàn, tức là anh hoạt động có tổ chức, có liên kết với nhau để chống đối, gây rối" - ông Kiên bày tỏ.

Về ý kiến cho rằng thu phí trên QL5 để hoàn vốn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không hợp lý, ông Kiên khẳng định ngân sách nhà nước đang nợ nhà đầu tư 4.000 tỉ đồng. Trong quá trình triển khai dự án, nhà nước phải giải phóng mặt bằng nhưng không có tiền. "Chúng ta bảo người ta cứ làm đi nên nhà đầu tư họ phải vay ngân hàng 4.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng. Vì thế, bây giờ phải để người ta thu chứ" - ông Kiên bày tỏ.

Ông Nguyễn Đức Kiên cũng đề nghị báo chí đừng dùng từ "người dân" khi nói về việc các lái xe phản đối ở một số trạm thu phí BOT. "Vì dùng từ người dân nghe kinh lắm! Nghe có vẻ như là nhân dân cả xã, cả huyện đứng lên phản đối trạm BOT. Phải nói chính xác là những doanh nghiệp vận tải phản đối doanh nghiệp BOT do mâu thuẫn về quyền lợi, chứ không phải nhân dân ở vùng đặt trạm BOT ở Cai Lậy phản đối, bởi vì các trạm thu phí đã miễn phí cho tất cả xe máy… Người lao động, người nghèo nhất trong xã hội là dùng xe máy thì đã được miễn, không ảnh hưởng gì đến những người đó" - ông Kiên nói.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật cho biết hiện cả nước có 8 trạm thu phí BOT đặt trên QL để thu phí cho các tuyến đường tránh. Đó là trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh), trạm Bỉm Sơn (Thanh Hóa); trạm Bến Thủy (Nghệ An), trạm Quán Hàu (Quảng Bình), trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (thu phí tuyến đường tránh Vĩnh Yên), trạm Trảng Bom (Đồng Nai), trạm Cai Lậy (Tiền Giang) và trạm Km2123 QL1 (thu phí tuyến đường tránh Sóc Trăng).

"Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương xử lý bất cập tại 4 trạm: Bến Thủy, Cầu Rác, Quán Hàu và Cai Lậy. Trạm Bỉm Sơn đã dừng thu phí để đàm phán xác định lại mức lợi nhuận với nhà đầu tư. Đối với các trạm còn lại, Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát tổng thể để đưa ra giải pháp xử lý, hạn chế tối đa bất cập về thu phí" - Thứ trưởng Nhật cho hay. 

Sai sót nhưng không "tù mù"

Đề cập đến nhận xét của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng BOT là "tù mù, rủi ro", tham nhũng lớn nhất, ông Nguyễn Đức Kiên khẳng định Thứ trưởng Đông đã trích dẫn nhận xét của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế khi nói về dự án BOT trên toàn thế giới chứ không phải chỉ riêng của Việt Nam.

Theo ông Kiên, ban đầu cơ quan chức năng quản lý BOT bằng Nghị định 78. Sau đó thay bằng Nghị định 108, thực hiện từ năm 2009-2012, nhưng mới thu hút được chưa tới 10 dự án BOT. Trong quá trình triển khai từ năm 2012-2014, chúng ta đã phát hiện nhiều vấn đề của Nghị định 108 và tới năm 2015 đã có Nghị định 15 để khắc phục những nhược điểm của các dự án BOT. Công tác quản lý nhà nước đã phát hiện ra được và đã có phòng chống.

"Nó không tù mù như cá nhân ông Đặng Huy Đông phát biểu đâu" - ông Kiên nhấn mạnh.

Theo Văn Duẩn - Trọng Đức - Hà Minh (Người lao động)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây