Sự thật đầu tư BOT giao thông: Rốt ráo xử lý bất cập BOT

Thứ tư - 02/05/2018 16:18
Tổng cục ĐBVN đã yêu cầu các nhà đầu tư tiến hành thu phí tự động đối với 27 dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên kể từ ngày 15/10/2017.

Bộ GTVT đã xử lý bất cập về giá sử dụng đường bộ tại 7 trạm BOT trong đó có trạm thu giá QL6 Xuân Mai - Hòa Bình - Ảnh: K.Linh

Để minh bạch vốn đầu tư của các dự án BOT, Bộ GTVT đã chủ động đề xuất với các cơ quan kiểm toán vào kiểm toán các dự án BOT làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ quyết toán, xác định giá trị đầu tư thực tế và thời gian thu phí của các dự án BOT.

Bên cạnh những lợi ích và hiệu quả từ các dự án BOT giao thông đem lại cho xã hội và người dân, hình thức đầu tư này cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Vậy, cách nào khắc phục những tồn tại này để BOT tiếp tục phát huy hiệu quả và thực sự là hình thức huy động vốn chủ lực trong thời gian tới.

Không làm BOT trên đường độc đạo

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, những tồn tại của các dự án BOT đã được Bộ GTVT nhìn nhận khách quan sau hội nghị: “Đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2016 do Bộ GTVT quản lý” được tổ chức vào tháng 6/2016.

Theo đó, những bất cập của các dự án BOT tập trung vào một số nhóm vấn đề: Nguồn vốn đầu tư huy động tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ; một số trạm thu phí bố trí chưa hợp lý dẫn tới người dân không có sự lựa chọn; thông tin về dự án chưa được công bố rộng rãi tạo điều kiện cho người sử dụng giám sát; các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư nên tính cạnh tranh chưa cao; hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện; chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài,…

Ngay từ giữa năm 2016, Bộ GTVT đã đưa ra chủ trương dừng thực hiện các dự án BOT trên các tuyến đường hiện có và chỉ kêu gọi đầu tư BOT với các tuyến mới để có sự lựa chọn cho người dân và các phương tiện. “Trường hợp dự án cấp bách, Nhà nước không thu xếp được nguồn vốn, kêu gọi đầu tư BOT các dự án hiện hữu, độc đạo phải tham vấn đầy đủ các ý kiến của địa phương qua các cơ quan đại diện là HĐND, Đoàn ĐBQH, các hiệp hội vận tải, các cơ quan chức năng, có thể xem xét xin ý kiến Quốc hội”, Thứ trưởng Đông cho biết.

Đấu thầu chọn nhà đầu tư, minh bạch thu phí

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, công tác lựa chọn nhà đầu tư của các dự án BOT giai đoạn 2011-2015 đều áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định Điều 14, Nghị định 108/2009, trong bối cảnh các quy định của pháp luật về đấu thầu không khả thi. Bộ GTVT nhìn nhận, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu trong công tác lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian qua là một hạn chế vì thiếu tính cạnh tranh.

“Để khắc phục, Bộ GTVT đã báo cáo và đề xuất cấp có thẩm quyền chấp thuận lấy giá trị phê duyệt dự toán trong bước thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án BOT”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.

"Những mặt được và chưa được liên quan đến các dự án BOT giao thông đã được nhận diện từ quá trình nghiên cứu, đánh giá tổng kết mà ngành GTVT thực hiện từ năm 2016 cơ bản cũng là những vấn đề mà Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật trong đầu tư khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT đã kết luận qua quá trình giám sát trong thời gian gần đây. Điều đó cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước ngành GTVT đã có những hành động đúng hướng để BOT giao thông thực sự mang lại lợi ích cho đất nước và nhân dân."

Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Ngọc Đông

Cũng theo Thứ trưởng Nhật, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của các dự án BOT, Bộ GTVT đã đưa vào hoạt động chính thức trang thông tin điện tử công bố thông tin chi tiết về các dự án PPP tại địa chỉ: ppp.mt.gov.vn, tạo thuận lợi cho người dân và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát các nội dung thông tin liên quan đến tổng vốn đầu tư, mức phí, thời gian thu phí, đơn vị thực hiện của các dự án BOT.

Đề cập đến các trạm thu giá (trước đây là thu phí), ông Nguyễn Danh Huy cho biết, hiện có 88 trạm thu giá trên các tuyến quốc lộ, trong đó, Bộ GTVT quản lý 74 trạm gồm: 45 trạm đang thu và 29 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư. Trên các quốc lộ rất nhiều tuyến đường đấu nối nên không thể tiến hành thu phí kín theo km như các dự án cao tốc mà phải áp dụng hình thức thu phí hở. Do vậy, hình thức thu giá này không thể đảm bảo công bằng tuyệt đối cho các chủ phương tiện, bởi có những người đi quãng đường ngắn nhưng phải trả giá phí bằng những người đi quãng đường dài khi phải đi qua trạm, nhưng nhiều chủ phương tiện không phải mất đồng nào khi đi lại trên quãng đường nằm giữa hai trạm thu giá.

“Để đảm bảo công bằng hơn cho người sử dụng dịch vụ đường bộ, Bộ GTVT đã đề xuất Bộ Tài chính ban hành vé tháng, vé quý tại các trạm thu giá. Khi mua vé tháng, vé quý, một ngày chủ phương tiện đi qua trạm 5 lượt, 10 lượt hay nhiều hơn nữa cũng chỉ phải trả số tiền bằng một lượt”, ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, mức giá của các trạm BOT được Bộ Tài chính ban hành trên cơ sở phương án tài chính của các dự án. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi hơn cho người dân, thực hiện Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng chấp thuận phương án giảm giá sử dụng đường bộ tại các trạm thu giá BOT trên nguyên tắc vẫn đảm bảo khả thi phương án tài chính của các dự án. Cụ thể, đối với xe loại 4 (xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet) giảm từ 140.000 đồng/lượt xuống 120.000 đồng/lượt; xe loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet) giảm từ 200.000 đồng/lượt xuống còn 180.000 đồng/lượt.

“Đến nay, đã có 35 dự án thực hiện giảm giá vé và 27 dự án không cần giảm do giá vé thấp hơn mức bình quân”, ông Huy nói và cho biết, để khắc phục hạn chế của hình thức thu giá hở, qua phản ánh của người dân, doanh nghiệp và ý kiến của Đoàn Giám sát, Bộ GTVT đã xử lý bất cập về giá sử dụng đường bộ tại 7 trạm BOT gồm: Trạm QL6 Xuân Mai - Hòa Bình, trạm QL32 (Phú Thọ), trạm cầu Hạc Trì (Phú Thọ), trạm QL3 (Thái Nguyên), trạm Bến Thủy (Nghệ An), trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh), trạm Km1064, QL1 (Quảng Ngãi).

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, ngày 12/5/2017, Tổng cục đã có văn bản xin ý kiến UBND các tỉnh, thành phố về hiệu quả đầu tư, vướng mắc, bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

“Hiện nay, Tổng cục Đường bộ VN đang tiến hành rà soát tất cả các trạm thu giá trên toàn quốc. Căn cứ vào phương án tài chính của các dự án, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ GTVT để đưa ra các chính sách chung về việc miễn, giảm phí cho chủ phương tiện sống gần trạm thu phí tại các dự án”, ông Huyện nói.

Cũng theo ông Huyện, để minh bạch công tác thu phí, Tổng cục đã yêu cầu các nhà đầu tư tiến hành thu phí tự động đối với 27 dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên kể từ ngày 15/10/2017. Đồng thời, Tổng cục cũng đề xuất Bộ GTVT triển khai xây dựng hệ thống giám sát, khai thác dữ liệu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để minh bạch doanh thu, chi phí và chống thất thoát tại các dự án BOT.


Theo Báo Giao thông

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây