Quá đột ngột
Ngày 18.9, phóng viên Báo Lao Động có mặt tại nhà anh Tường ở thôn 7, xã Sơn Diệm (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Từ ngoài sân đã nghe thấy những tiếng khóc than não lòng. Bên trong căn buồng, chị Phan Thị Tuyên - vợ anh Tường, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Diệm - vật vã. Gượng dậy tiếp chuyện, chị Tuyên nghẹn ngào: “Khoảng 2h sáng ngày 12.9, anh ấy có nhắn tin qua điện thoại nói vừa mới chữa cháy rừng xong.
Lúc đó chị đang ngủ ríu mắt nên cũng không nhắn lại. Hôm sau, chị gọi điện, anh nói bị mệt đang truyền dịch tại cơ quan. Nhưng anh vẫn dặn không phải lo, cứ ở nhà cơm nước cho bà. Rứa mà anh ấy ra đi nhanh quá, đột ngột quá”.
Vì bận ngày hai buổi đến trường, tối lại lo cơm nước chăm mẹ già nên chị Tuyên chưa kịp đến cơ quan thăm chồng. Cho đến chiều ngày 16.9, khi anh Tường đã nhập Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đức Thọ điều trị, anh em cơ quan chồng gọi điện báo tin, chị Tuyên mới hoảng hốt đến viện. “Khi chị xuống, anh có trò chuyện được một lúc rồi ngủ. Khoảng 7h sáng hôm sau thì anh đột ngột ra đi...” - chị Tuyên nghẹn giọng.
Người thân đau buồn trước sự ra đi đột ngột của anh Tường. |
Chân dung anh Hồ Sĩ Tường. |
Vợ chồng chị Tuyên có 2 người con, cô con gái đầu đang học năm cuối của Trường Đại học Nông nghiệp, cậu con trai là sinh viên Trường Đại học FPT. Khi bố mất, cả 2 đang theo học ở Hà Nội. Nhận được tin, cả hai vội vàng đón xe về ngay để chịu tang. Bên quan tài của bố, cả hai đứa con khăn trắng dài quá lưng vật vã than khóc nghe ai oán, não nề.
Anh Hồ Sĩ Tài - em ruột anh Tường - buồn bã: “Anh ấy chết quá đột ngột, thật sự gia đình quá sốc, quá đau buồn. Hôm trước tôi đi Hà Nội gọi điện về hỏi thăm thì anh nói đang đi chữa cháy rừng. Rứa mà, tôi chưa kịp về thì anh ấy đã mất. Về đến nhà thì đã nhập quan rồi, không kịp nhìn mặt anh lần cuối”.
Anh Tường sinh ra trong gia đình nông dân nghèo. Nhà có 4 anh em, nhưng chỉ mình anh Tường là cán bộ nhà nước, 3 người còn lại đều là nông dân. Từ nhỏ anh đã vất vả nhưng thông minh nên được bố mẹ tạo điều kiện cho ăn học, theo đuổi sự nghiệp. Anh học Đại học Lâm nghiệp rồi về nhận nhiệm vụ trong ngành lâm nghiệp từ năm 1981. Năm 1993 là Hạt phó Kiểm lâm Hương Sơn. Đến năm 2008 chuyển về Hạt Kiểm lâm Đức Thọ và giữ vị trí hạt phó cho đến nay.
“Tội nghiệp chú ấy quá. Ở xóm này, chú ấy sống rất tốt, rất tình cảm. Ai có chuyện buồn, vui chi chú cũng tranh thủ đến thăm hỏi, chúc mừng. Chú là một người sống rất tốt, rất hiếm có” - cụ bà Nguyễn Thị Bân (76 tuổi, là hàng xóm của anh Tường) ngậm ngùi. Nhiều người hàng xóm khác cũng nói rằng, anh Tường là một người mẫu mực, một người tốt. Trong cuộc sống gia đình không bao giờ nghe nói tiếng to. Bố mẹ đẻ của anh đã mất. Nhiều năm nay, anh đưa mẹ vợ về chung sống trong nhà và chăm sóc chu đáo, không bao giờ để bà than trách một lời.
13h, nắng như đổ lửa, nhưng vẫn có hàng trăm người dân địa phương từ già đến trẻ chen chúc thắp hương, viếng người quá cố rồi lại hòa vào dòng người dài đến hết con đường làng theo đoàn đưa tang. Trên chặng đường dài đó, tôi thấy rất nhiều những cụ ông, cụ bà râu tóc bạc phơ vén áo lau nước mắt tiếc thương cho “lá xanh rụng trước lá vàng”. Và cũng trên chặng đường đó, những người mang đồng phục ngành kiểm lâm đỏ hoe đôi mắt tiễn người đồng nghiệp đã kiệt sức ngã xuống trong cuộc chiến chống giặc lửa, bảo vệ rừng. Tôi đọc thấy trong mắt rất nhiều đồng nghiệp của anh Tường sự cảm phục…
Ngã xuống sau trắng đêm cứu rừng
Kiểm lâm viên Hoàng Xuân Hồng (Hạt Kiểm lâm Đức Thọ) vẫn đang nghỉ dưỡng sức sau lần tham gia chữa cháy rừng cùng chỉ huy của mình. Giọng mệt mỏi, anh nói: “Tôi giờ mặt vẫn còn sưng, người rệu rã, vẫn đang phải truyền nước”. Anh kể, khoảng 13h ngày 11.9, anh em Hạt Kiểm lâm nhận được tin cháy rừng thông ở xã Đức Dũng và xã Tân Hương. Ngay sau đó, mọi người được huy động khẩn trương tham gia dập lửa cứu rừng.
“Để tiếp cận đám cháy, anh em phải leo dốc thẳm giữa trời nắng nóng, tay chân rệu rã, tê cứng. Vừa đến nơi đã phải vào cuộc dập lửa ngay” - anh Hồng nói. Sau nhiều giờ nỗ lực dập lửa, đến khoảng 16h cùng ngày thì đám cháy được dập tắt. Mọi người chỉ nghỉ chốc lát rồi xuống núi. Nhưng khoảng 1 giờ đồng hồ sau, ngoảnh mặt lên rừng lại thấy lửa bùng phát trở lại, mọi người hò nhau tiếp tục leo dốc lên dập lửa.
“Cứ cháy đi cháy lại như thế đến 5 lần, cho đến khoảng 17h ngày 12.9 đám cháy mới hoàn toàn được dập tắt. Chúng tôi thật sự kiệt sức luôn. Anh em kiểm lâm trẻ mà cũng ốm ra chứ nói gì đến anh Tường đã lớn tuổi” - anh Hồng nói.
Anh Trần Quỳnh - Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Đức Thọ, người cũng tham gia chữa cháy rừng với anh Tường, anh Hồng - cho biết, sau hôm chữa cháy rừng về, anh cũng kiệt sức rồi bị tái phát thoát vị đĩa đệm và phải điều trị cho đến nay. “Khoảng 12h đêm, khi dập xong đám cháy, chúng tôi về đến cơ quan được một lúc lại thấy lửa phát cháy trở lại. Lúc này anh Tường, anh Hồng tiếp tục đánh xe đi cùng phối hợp với lực lượng công an huyện, dân quân tự vệ xã Đức Dũng, Tân Hương dập lửa.
Trực chữa cháy cho đến tận khi trời sáng, anh Tường kiệt sức phải truyền nước. Nhưng đến chiều cùng ngày, khi lên kiểm đếm diện tích rừng bị cháy, lửa lại tiếp tục bùng phát, anh Tường tiếp tục phải chữa cháy. Hôm sau về, anh bị nôn mửa phải nhập viện điều trị rồi đột ngột qua đời. Thật sự anh ấy đã kiệt sức sau khi liên tục chữa cháy rừng trong 2 ngày” - anh Quỳnh xót xa.
Hiện trường vụ cháy rừng được dập tắt ở Đức Thọ. |
Bác sĩ Đoàn Huy Nhiệm - Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ - cho biết, bệnh nhân Tường nhập viện lúc 23h ngày 15.9 trong tình trạng sốt cao, đau bụng. Sau khi thăm khám, các bác sĩ cho vào khoa Ngoại tổng hợp vì nghĩ nhiều đến khả năng bị đau ruột thừa. Sau khi làm các xét nghiệm và chụp phim, nghi viêm túi mật vì bụng trướng. Sau một đêm điều trị, đến ngày 16.9, bệnh nhân có đỡ, ăn uống và nói chuyện được. Song đến sáng ngày 17.9, bệnh nhân ngất xỉu khi người nhà đưa đi làm vệ sinh.
Các y-bác sĩ ngay sau đó tập trung cứu chữa, nhưng anh Tường không qua khỏi. “Bệnh nhân có tiền sử bị nhồi máu não. Vì vậy chúng tôi nghĩ nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân tử vong đột ngột như thế là do nhồi máu cơ tim. Có thể, khi tham gia chữa cháy rừng, bệnh nhân hít nhiều khí độc CO, CO2 cộng với tiền sử bị nhồi máu cơ tim nên co mạch, ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn và kiệt sức” - bác sĩ Nhiệm lý giải.
Có mặt tại gia quyến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Thọ Mai Đình Thành xúc động: “Vụ cháy hôm đó, cả huyện huy động hơn 300 người gồm kiểm lâm, công an, quân đội, cán bộ và nhân dân 2 xã tham gia chữa cháy. Anh Tường trực tiếp chỉ huy và chữa cháy rừng từ khi lửa bùng phát cho đến khi lửa được dập tắt. Phải khẳng định rằng, nếu không tham gia chữa cháy rừng cho đến khi kiệt sức như thế, anh Tường đã không mất”.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh - ông Nguyễn Huy Lợi - nói: “Anh Hồ Sĩ Tường rất đáng được ghi nhận về tinh thần trách nhiệm trong công việc. Đồng chí ấy đã mất khi làm nhiệm vụ. Chúng tôi đã báo cáo sự việc lên Sở NNPTNT, UBND tỉnh và Cục Lâm nghiệp Việt Nam, đồng thời đang làm các thủ tục đề nghị cấp trên xem xét chế độ cho đồng chí theo quy định của Nhà nước”.