Sau khi ăn xong bữa tối với nồi thức ăn thập cẩm xin được ở chợ, ba cha con anh Hoàng Thành Chương (SN 1966, trú tại xóm bờ kênh Phú Lộc, tổ 74, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) bắt đầu có những dấu hiệu đau bụng quằn quại. Sự việc chỉ được người dân phát hiện khi đứa con trai thứ là Hoàng Nguyễn Chí Bình (SN 1997) cầu cứu hàng xóm giúp đỡ.
Nhiều người đã đến chia buồn gia đình anh Chương.
Đến khi những người hàng xóm có mặt tại nhà nạn nhân thì sự việc đã quá muộn. Anh Chương đã tử vong khi chưa được đi cấp cứu. Em Bình và con trai út là Hoàng Nguyễn Chí Minh (SN 2007) được đưa đi cấp cứu kịp thời nên đã qua được cơn nguy kịch. Sự việc rồi sẽ qua đi nhưng nỗi đau mãi còn đọng lại. Giờ đây những người con của anh Chương đang phải bơ vơ trong cảnh sống không cha, không mẹ. Rồi sau này cuộc đời các em sẽ trôi về đâu nếu không có sự cưu mang giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái.
Bữa cơm tối định mệnh…
Nhiều ngày qua, sau khi thảm kịch đau lòng ập đến trong đêm với gia đình anh Chương “ve chai”, cả xóm bờ kênh Phú Lộc nhiều đêm không thể chợp mắt được. Anh Chương ra đi quá đột ngột để lại “đàn” con thơ dại cùng cái nghèo, cái khổ không chịu dứt suốt mấy chục năm qua. Sinh thời, anh Chương ngày ngày cần mẫn “gồng mình” để mong kiếm được bát cơm sinh nhai qua ngày và thực hiện ước vọng thoát nghèo.
Nhiều lúc, trời mưa tầm tã, gió mùa đông bắc lạnh buốt nhưng anh Chương vẫn phong phanh trong bộ đồ cũ rích đạp xe rong ruổi trên mọi nẻo đường để kiếm gạo nuôi cả nhà. Nhìn cảnh anh đạp xe đi trong mưa, ai cũng ứa nước mắt. Nhưng chưa kịp thoát nghèo thì tối ngày 29/10 sự việc đau lòng trên xảy ra.
Theo những người chứng kiến sự việc kể lại thì buổi sáng trước đó, như thường lệ anh Chương chở cháu Minh đến trường rồi mới bắt đầu đạp xe đi nhặt phế liệu. Đến chiều, nhiều người đi ngang qua vẫn thấy anh Chương đang cặm cụi nấu bữa cơm tối cho con. Cùng lúc này, cháu Bình vừa từ làng trẻ Hy Vọng trên địa bàn phường về thăm cha. Số tiền ít ỏi sau một ngày lang thang khắp nơi tìm phế liệu không đủ để anh Chương chiêu đãi con trai một bữa cơm thịnh soạn.
Bàn thờ đặt di ảnh khá sơ sài.
Anh nhặt nhạnh những thứ đồ còn sót lại sau khi tan buổi chợ được người này, người khác cho để nấu món ăn. Món ăn mà ba cha con quây quần bên nhau ăn ngày hôm đó có thịt, có cá, có rau... chỉ có thể gọi là nồi thức ăn thập cẩm nhưng đối với cả nhà anh đó là một bữa cơm thịnh soạn. Sau khi ăn cơm xong, đến lúc chuẩn bị đi ngủ thì anh Chương bắt đầu lên cơn đau bụng, nôn mửa và liên tục co giật. Lúc này trong nhà 2 con còn nhỏ chưa hiểu được tính chất nghiêm trọng của sự việc nên không thông báo kịp thời. Các cháu chỉ gọi điện cho họ hàng hai bên nội ngoại biết nhưng do tất cả đều ở xa không thể giúp gì được và cứ ngỡ đó chỉ là cơn đau bình thường. Đến lúc anh Chương nguy kịch, hàng xóm được thông báo, thì đã quá muộn.
Bà Đặng Trương (người sống sát vách nhà anh Chương) kể lại: “Tưởng chỉ có thằng Chương bị thôi, ai ngờ lát sau, thấy hai thằng bé cũng kêu đau bụng. May mà lúc đó xe cứu thương tới kịp thời chứ nếu không thì không biết chuyện gì đã xảy ra nữa”.
Thùng quyên góp được đặt ngay trước nhà anh Chương.
“Trước đó tôi cũng nghe nói là thằng Chương có ra chợ xin lòng cá và những đồ thừa về nấu ăn. Nó bảo là hôm nay có đứa con mới về nên muốn xin thêm ít thịt cá để cải thiện. Mọi người trong chợ cũng đưa cho nó nhiều thứ lắm. Rồi nó bỏ tất cả vào bao đưa về. Khi tôi sang tới nơi nhìn vào nồi thức ăn mà 3 cha con ăn còn sót lại thì thấy nhiều thứ trộn lẫn với nhau, nhưng chủ yếu là những thứ đồ người ta bỏ đi cả”. Bà Trương kể thêm.
Ông Nguyễn Sỹ Đông, tổ trưởng tổ 74, phường Thanh Khê Tây cho biết, gia đình anh Chương là diện nghèo đặc biệt nhất địa phương, hưởng trợ cấp 200.000 đồng/tháng. Vợ anh mất năm 2010 vì bệnh ung thư, từ đó, một mình anh Chương phải “gà trống nuôi con”. Vì gia cảnh nghèo khó nên hai đứa con lớn của anh Chương là cháu Hoàng Nguyễn Chí Cường và Hoàng Nguyễn Chí Bình đều được đưa vào ở trong làng Hy Vọng (quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) từ khi vợ anh mất. Còn đứa con út Hoàng Nguyễn Chí Minh năm nay mới học lớp 1 ở chung với anh Chương. Công việc hằng ngày của anh là đi lượm ve chai về bán, vừa lo bữa ăn vừa lo cho đứa con út đi học nhưng vẫn “bữa có bữa không“. |
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương cùng với cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng đã có mặt để tiến hành các thủ tục pháp lý. Trung tâm Pháp y TP.Đà Nẵng cũng được điều động tới hiện trường để tiến hành khám nghiệm thi thể. Nguyên nhân ban đầu dẫn đến cái chết của anh Chương được xác định là do ngộ độc thức ăn nhưng phát hiện không kịp thời dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Để có kết luận chính xác, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.Đà Nẵng cũng lấy mẫu vật phẩm thức ăn mà 3 cha con ăn tối về xét nghiệm.
Tình người từ trong đau thương
Mấy ngày nay, không khí tang tóc bao trùm lên cả khu phố. Căn nhà nhỏ hôm chúng tôi đến bỗng đông đúc hơn ngày thường. Dường như ai đến rồi về cũng đều cùng chung một tâm trạng đau thương, nuối tiếc cho sự ra đi đột ngột của anh Chương.
Được biết, sau khi sinh được 3 người con thì vợ anh Chương qua đời vì bệnh ung thư. Lúc này cháu út chưa đầy 1 tuổi. Từ đó, một mình anh chấp nhận cảnh gà trống nuôi con. Không có nghề nghiệp ổn định, anh làm đủ mọi nghề để kiếm sống và lo cho các con ăn học. Thấy hoàn cảnh khó khăn, chính quyền địa phương cũng đã làm đơn cho 2 cháu lớn (cháu đầu là Hoàng Nguyễn Chí Cường SN 1997, và cháu Bình) được vào ở trong làng trẻ Hy Vọng. Vậy nên trong nhà thường xuyên chỉ có anh Chương và cháu út sinh sống. Thỉnh thoảng hai con đầu lại về thăm cha và em. Ngày ngày, hai cha con sống dựa vào những đồng tiền ít ỏi mà anh Chương kiếm được. Nhiều lúc không kiếm được gì, hai cha con lại nhịn đói ôm nhau ngủ. Nhìn cảnh này nhiều người chứng kiến không khỏi xót xa thương cảm.
Ông Nguyễn Nam (hàng xóm nhà anh Chương) cho biết: “Chúng tôi ở đây thấy gia cảnh cậu Chương tội lắm. Ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm sau khi chở con đến trường thì nó lại đạp xe đi nhặt ve chai đến chiều tối mới thấy hai cha con chở nhau về, sau đó lại hì hục nấu bữa tối. Có lúc đi ngang qua thấy hai cha con ngồi thẫn thờ trước cổng vì không có gì ăn, mọi người trong vùng thấy thế cũng hay cho nó lúc cái này, khi cái khác. Có hôm nó ngồi nói chuyện với tôi bảo rằng: "Dạo này cũng đỡ hơn rồi, dù không mua được thứ gì ngon để ăn nhưng không chết đói là được. Bây giờ cháu phải làm sao có tiền dành dụm cho mùa đông sắp tới nữa bác à.
Lỡ trái gió trở trời đau ốm thì còn có chút tiền mà rau cháo qua ngày. Cháu thì thế nào cũng được chỉ sợ thằng con không chịu đựng được thôi. Thấy nó ốm yếu xanh xao mình là cha mà không làm được gì cho con, cháu thấy buồn lắm. May sao 2 đứa lớn được nhận vào làng trẻ chứ nếu không thì bây giờ chắc là mấy cha con phải vất vưởng ngoài đường rồi”.
Chị Đỗ Thị Thu Hằng (trưởng ban chuyên trách giảm nghèo phường Thanh Khê Tây) cho biết: “Không biết sau này số phận của những đứa trẻ sẽ ra sao. Chúng tôi có liên lạc với gia đình nội ngoại nhưng họ cũng không có đủ khả năng để nhận các cháu về nuôi. Bây giờ chúng tôi đang tìm cách để xin cho các cháu vào trại trẻ mồ côi và các trung tâm dạy nghề. Rất mong các cơ quan ban ngành chức năng tạo điều kiện giúp đỡ cho các cháu”.
Nhìn cháu Cường ngồi thẫn thờ bên bàn thờ cha lại nghĩ đến số phận của hai đứa trẻ đang nằm “chờ… số phận” trong bệnh viện mà không khỏi cầm lòng. Không biết tương lai của 3 đứa trẻ thơ “không nhà” sẽ sống ra sao khi còn quá nhỏ đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chúng còn quá nhỏ để gánh nỗi bất hạnh này.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn