Ngọc và thầy hướng dẫn TS. Pascal Lee tại Mỹ. Ảnh: NVCC |
Đam mê khoa học từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp phổ thông, cựu học sinh Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội đã chọn cho mình một ngành học rất mới mẻ ở Việt Nam để theo đuổi.
Với vốn kiến thức chuyên ngành và khả năng tiếng Anh được trau dồi trong môi trường học tập hiện đại của USTH, Ngọc tham gia Trường hè Vật lý thiên văn do GS. Trần Thanh Vân và PGS. Phan Bảo Ngọc tổ chức.
Hè năm 2015, cậu cũng tham gia hội nghị khoa học lớn nhất cả nước về khoa học không gian - chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” cũng do GS. Trần Thanh Vân tổ chức tại Quy Nhơn – nơi giúp Ngọc có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với Tiến sĩ Pascal Lee, người đã nhận Ngọc sang thực tập ở NASA.
Tiến sĩ Lee là một nhà khoa học hành tinh tại Viện nghiên cứu SETI, là người đồng sáng lập và đứng đầu Viện Mars, đồng thời là người đứng đầu Dự án Haughton-Mars tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA tại thung lũng Silicon, California.
Cuốn sách TS. Lee tặng Ngọc. Tác giả cuốn sách - nhà thiên văn học, vũ trụ học Carl Sagan cũng từng là thầy ông. Ảnh: NVCC |
Trong lần đầu tiên gặp gỡ, cả hai đã trao đổi về sự hình thành của loại đá thủy tinh tektites.
Tuy không đắt tiền như kim cương, hồng ngọc hay các loại đá quý khác, nhưng tektites khá hiếm và không phải nơi nào cũng có. Tektites được tạo ra do sự va đập của một thiên thạch khổng lồ lên bề mặt vỏ Trái Đất. Lực va đập dữ dội tạo thành một chất thủy tinh nóng chảy rồi ngưng kết, văng cực mạnh lên không trung và bay qua các tầng khí quyển, cháy sáng trước khi lao trở về vỏ Trái Đất.
Điều thú vị mà TS. Lee tiết lộ là: Tektites được tìm thấy rất nhiều ở Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác.
Nguồn gốc bí ẩn của tektites cũng như sự xuất hiện của tektites ở Việt Nam đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của Ngọc.
Qua nhiều lần trao đổi qua email, cuối cùng TS. Lee đã “bật đèn xanh” để Ngọc có cơ hội thực tập ở NASA để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
"Kiên trì cũng là một tài năng"
Ngọc và TS. Lee trong chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" năm 2015 - nơi lần đầu tiên hai người gặp nhau. Ảnh: NVCC |
Người ta hay nhắc đến chỉ số IQ khi nói về tài năng.
Tuy nhiên, theo Ngọc, "kiên trì cũng là một tài năng". Đặc biệt là trong khoa học, thậm chí tính kiên trì còn quan trọng hơn cả trí thông minh bẩm sinh.
Câu chuyện của Ngọc nghe có vẻ đơn giản nhưng thực sự là kết quả của rất nhiều nỗ lực.
Bởi vì ít ai ngờ rằng, có những lúc cậu "đọc website tiếng Anh của trường mà không hiểu" trước khi tham gia kỳ phỏng vấn tuyển sinh vào trường đại học.
TS. Lee - thầy hướng dẫn của Ngọc sau này, trong một lần tình cờ chia sẻ có nói: "Tôi muốn giúp cậu bởi vì cậu là một người thực sự đam mê khoa học mà tôi đã gặp ở Việt Nam".
Và đó có lẽ cũng là lý do mà các giáo sư trong hội đồng phỏng vấn tuyển sinh của USTH đã nhận Ngọc vào trường, mặc dù như cậu thừa nhận "buổi phỏng vấn diễn ra theo cách không thể tệ hơn".
Các thầy có lẽ đã nhìn ra những nỗ lực, đam mê và tiềm năng của cậu học sinh vừa bước chân ra khỏi cổng trường phổ thông khi cậu cố gắng mô tả một thí nghiệm vật lý đã thực hiện ở trường bằng khả năng ngôn ngữ rất hạn chế vào thời điểm đó và quả quyết: "Không, tôi đã không đo được 9.8! (giá trị tiêu chuẩn mà các nhà vật lý đo được)".
Ngọc chia sẻ, may mắn lớn nhất của mình là được gặp những người thầy lớn, những người thầy không chỉ xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu của mình mà còn rất bao dung, thấu hiểu tâm lý học trò.
Trải nghiệm và những người bạn mới
Ngọc bên trong mô hình Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Ảnh: NVCC |
Trong số hơn chục trung tâm của NASA nằm rải khắp nước Mỹ, Ames là nơi đặt đường hầm gió lớn nhất thế giới, nơi thực hiện các thử nghiệm hàng không và khí động lực học, đồng thời cũng là trung tâm mũi nhọn cho các nghiên cứu về thiên văn học sự sống, robotics và trí tuệ nhân tạo, vệ tinh nhỏ, công nghệ nano...
Nhưng điều quan trọng nhất với Ngọc "không phải bạn làm việc ở đâu, mà là bạn làm việc cùng với ai".
Bởi vì nơi đây giống như một cộng đồng những người đam mê khoa học và luôn học hỏi từ chính các đồng nghiệp của mình, nơi "những ý tưởng và trao đổi khoa học diễn ra ở bất cứ đâu, từ garage để xe cho đến những bữa tiệc". Ngọc chia sẻ, những công việc ở Ames đều mang tính liên ngành rất cao, kết hợp hiểu biết từ rất nhiều mảng lĩnh vực khác nhau.
"Bạn có thể nghe một chuyên gia robot say sưa nói về sinh học, về cách các cơ bắp cánh tay con người hoạt động thế nào trước khi hiểu về dự án robot của anh ấy!" - Ngọc kể.
Ngọc và các bạn đồng hành trong một chuyến nhảy dù từ độ cao 4000 m. Chelsea là cô gái mặc áo xám đứng giữa. Ảnh: NVCC |
Trong số rất nhiều trải nghiệm, rất nhiều con người mà cậu đã được gặp gỡ ở nơi đây, Ngọc thực sự ấn tượng về cô bạn Chelsea, hiện đang làm việc cho dự án SOFIA – một trong những dự án thiên văn quan trọng nhất hiện tại ở NASA Ames.
Câu chuyện về Chelsea đã được Ngọc chia sẻ lại từ một người bạn trên trang cá nhân của mình:
“Đó là một câu chuyện kì diệu nhưng cũng thật điên rồ… Cũng giống như mọi lần, ngày hôm nay tôi thực hiện bài nhảy dù ở độ cao 13,000ft (khoảng 4000m) cùng một số thực tập sinh khác ở NASA. Ở nơi đây, việc gặp gỡ những người trẻ tuổi, thông minh, tuyệt vời dường như đã trở thành một việc hằng ngày, nhưng ngay cả vậy cũng không khiến tôi không khỏi ngạc nhiên và trầm trồ khi gặp Chelsea.
Điều làm tôi ấn tượng nhất ở Chelsea đó chính là sự can đảm và cương quyết trong những việc mà cô ấy làm. Chelsea chỉ mới quyết định nhảy dù vài ngày trước và đó cũng là khi chúng tôi lần đầu gặp nhau. Đó là một trong những lí do làm tôi yêu nơi này đến vậy: Bạn có cơ hội được gặp gỡ với những con người tuyệt vời và đầy nghị lực hàng ngày… Oh yeah, có một điểm mà tôi không thể quên nhắc tới: Chelsea là người mù... Nhưng, có vấn đề gì đâu cơ chứ?!"
"Cô ấy làm mọi việc giống như tất cả mọi người, ngoại trừ khiếm khuyết của đôi mắt. Thật tuyệt vời khi được làm bạn cùng Chelsea" - Ngọc nói.
Và đó cũng chính là bài học lớn nhất mà cậu học được từ người bạn của mình: luôn mơ ước, đặt ra kế hoạch để thực hiện nó và không bao giờ bỏ cuộc.
Ngọc trong phòng hội nghị tại NASA Ames. Ảnh: NVCC |
Tháng 12 này Ngọc sẽ quay trở lại Quy Nhơn để tham dự và báo cáo tại hội nghị Gặp gỡ Việt Nam.
"Điều tuyệt vời là bác Vân không chỉ tổ chức 1, 2 hội nghị, mà tổ chức liên tục hơn 20 năm nay để kết nối các nhà khoa học quốc tế với Việt Nam và với các bạn trẻ ham mê khoa học như em. Nhưng để không chỉ duy trì mà còn phát triển trung tâm hơn thì mục tiêu đặt ra là cần có những dự án hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam với chính các nhà khoa học quốc tế tham dự hội nghị tới đây. Đó cũng chính là mong ước của em khi cùng TS. Lee đề xuất nghiên cứu về tektites, đó là hợp tác cùng TS. Trần Đình Phong của USTH trong một nghiên cứu được tài trợ bởi NASA trong vòng 5 năm tới" - Ngọc chia sẻ.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn