Đúng là trong điều kiện hiện nay, nhu cầu này là có thực. Vậy vì đâu tình trạng dạy thêm, học thêm lại gây nhức nhối, bức xúc rất lớn cho chính phụ huynh?
Họ bức xúc trước hết vì giáo dục chúng ta có chương trình học được thiết kế “thách đố” giờ học chính khóa, một cơ thể quá khổ ép vào chiếc áo chật chội nên người học phải đi tìm những mảnh vá bên ngoài.
Phụ huynh có nhu cầu cho con đi học thêm nhưng điều họ bất mãn ở chỗ có thể họ muốn con đi học ở nơi này, ở ông thầy này nhưng… lại phải học ở một ông thầy khác. Mà ông thầy đó nằm quyền lực rất lớn đối với con trẻ ở giờ học chính khóa. Chỉ muốn con học thêm ở môn này mà vẫn phải "quàng" sang các môn khác xuất phát vì... ông thầy.
Mới đây, một giáo viên tiểu học ở quận 1, TPHCM phải ngưng tổ chức dạy thêm tại nhà cho học sinh ở lớp chính khóa xuất phát từ đơn phản ánh của phụ huynh. Trong khi phụ huynh cho rằng họ bị “gợi ý” cho con học thêm thì phía bên kia, giáo viên lại trình bày mình mở lớp do phụ huynh đề nghị.
Và hầu hết các lớp dạy thêm mà người ngồi học bên dưới là học sinh chính khóa của giáo viên đứng lớp dễ gặp phải mâu thuẫn này.
Như trường hợp tại Trường Trần Quốc Toản, quận 5, TPHCM tổ chức dạy thêm sau giờ học chính khóa ngay tại trường sai quy định nhiều năm nay được nhà trường, giáo viên lý giải do nhu cầu từ phụ huynh. Nhất là nhu cầu được gửi con thêm giờ sau buổi học chính khóa.
“Nhu cầu” này diễn ra gần như đại trà, đồng loạt phụ huynh đều cho con đăng ký học thêm. Điều này bất hợp lý do với khảo sát trên địa của Phòng GD-ĐT Q.5, đúng là có những trường phụ huynh có nhu cầu nhà trường giữ con sau sai giờ học nhưng con số này không nhiều, mỗi lớp chỉ khoảng 5-6 em.
Và nhiều giáo viên, hiệu trưởng ở TPHCM ngậm ngùi, thậm chí bật khóc khi nói về vấn đề dạy thêm, học thêm với đoàn giám sát thuộc Hội đồng Nhân dân thành phố. Họ chua chát cho rằng gửi con sau giờ chính khóa hay cho trẻ học thêm là nhu cầu của phụ huynh. Giáo viên đáp ứng nhu cầu đó cũng như bác sĩ mở phòng khám tư, ca sĩ chạy sô mà sao lại bị cấm ngược cấm xuôi.
Trong khi nhà trường, giáo viên đang tích cực thay mặt bố mẹ học sinh để nói học thêm là nhu cầu có thực thì tại buổi gặp gỡ với đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Sở GD-ĐT TPHCM, đại diện cho phụ huynh đã nghẹn ngào nói rằng việc dạy thêm, học thêm đang dẫn đến những bất công trong giáo dục, nhất là đối với học trò nghèo. Nhiều phụ huynh dù không muốn, không đủ điều kiện vẫn ráng cho con đi học thêm vì sự phân biệt, đối xử, gây khó dễ…
Trong khi giáo viên vẫn “ôm” lấy tấm bình phong cho dạy thêm là nhu cầu của phụ huynh thì trong một chương trình đối thoại về vấn đề này, TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên giáo đốc Sở GD-ĐT TPHCM thẳng thắn nhắc đến một khảo sát có đề cập đến chỉ số hài lòng về giáo dục ở tiểu học: có đến 52% phụ huynh cho rằng giáo viên có đối xử không công bằng với học sinh không đi học thêm.
Một khi giáo viên còn thay phụ huynh xác định học thêm là nhu cầu có thực của người học thì phụ huynh, học sinh còn chịu áp lực rất lớn trong hai chữ tự nguyện phải đính trong dấu ngoặc kép.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn