Ảnh minh hoạ
Theo RT, nhóm nghiên cứu từ Đức đã theo dõi biến thể A.30 sau khi biến thể này được phát hiện lần đầu tiên ở Tanzania, và tiếp tục xuất hiện ở Angola, Thuỵ Điển.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cellular & Molecular Immunology tuần này cho thấy biến thể A.30 có những đột biến giúp tăng cường khả năng xâm nhập vào các tế bào chủ, bao gồm tế bào thận, gan và phổi.
Khi được thử nghiệm với các loại vắc xin phổ biến, A.30 cho thấy khả năng chống lại kháng thể cao hơn so với hai biến thể khác là Beta và Eta. Beta được chọn để so sánh vì là biến thể "có khả năng thoát miễn dịch cao". Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh đây mới chỉ là kết quả từ phòng thí nghiệm.
Brian Hjelle - giáo sư Khoa Bệnh lý thuộc Đại học New Mexico (Mỹ) cho biết biến thể này cần được theo dõi sát sao vì “có một loạt đột biến đáng chú ý và đang tiệm cận khả năng thoát khỏi miễn dịch thực sự”.
A.30 cũng được chứng minh là có khả năng kháng thuốc đơn dòng Bamlanivimab, được sử dụng để điều trị COVID-19. Nhưng lại dễ bị vô hiệu hoá nếu kết hợp hai loại thuốc là Bamlanivimab và Etesevimab.
Đến thời điểm hiện tại, A.30 vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê vào danh sách các biến thể được quan tâm hoặc đang lo ngại, vì chưa xuất hiện phổ biến.
Minh Hạnh
Theo tienphong.vn
Link gốc: https://tienphong.vn/xuat-hien-bien-the-tang-kha-nang-khang-vac-xin-ngua-covid-19-post1388708.tpo