Xôn xao chính quyền thị xã Sa Pa bắc loa kêu gọi không mua hàng, cho trẻ em tiền

Chủ nhật - 10/01/2021 19:27
Cộng đồng mạng mấy ngày qua đang chia sẻ clip Sa Pa kêu gọi du khách không cho tiền, mua hàng rong từ trẻ em. Theo cán bộ phòng Văn hóa thị xã Sa Pa, đây là một trong những biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi việc bị người lớn trục lợi.
T2021011102
Cộng đồng mạng đang chia sẻ clip Sa Pa kêu gọi du khách không cho tiền, mua hàng rong từ trẻ em

Trong clip đang được lan truyền mạnh trên mạng xã hội, những ngày Tết dương lịch vừa qua, trên chiếc xe của Đội Kiểm tra trật tự đô thị, UBND phường Sa Pa (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), một cán bộ cầm micro đọc lời kêu gọi du khách không cho tiền cũng như mua hàng rong của trẻ em nhằm bảo vệ các em này.

Người đàn ông này nói trong clip: "Trên địa bàn thị xã Sa Pa trong ngày đông giá buốt có những trẻ thơ đang bị ép đi ăn xin và bán hàng. Đây là hành động trục lợi trên thân thể trẻ em, đang vi phạm pháp luật về quyền trẻ em. Tổ công tác chúng tôi kính mong quý khách khi đi tham quan và du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa hãy vui lòng phản đối việc làm trên bằng hành động thực tế, không mủi lòng thương hại và cho tiền trẻ nhỏ, không mua hàng của các cháu.

Như vậy là chúng ta đã góp phần bảo vệ quyền trẻ em. Bởi những bà mẹ béo ù béo mập đang ngồi trên ghế đá công viên, quanh khu vực nhà thờ và sân quần Sa Pa để chờ những đứa trẻ thơ dại, dù chỉ 1, 2, 3, 4 tuổi đầu nhưng đã bị ép đi ăn xin trong những ngày đông giá buốt, thời tiết Sa Pa hiện chỉ 3 độ C.

Mỗi chúng ta cần phản đối hành động trên bằng việc làm thực tế: Không cho tiền và không mua hàng. Con chim còn biết công mồi về bú mớm cho con, các bậc làm cha mẹ đang trục lợi trên chính ruột thịt, con cháu mình, đây là hành động bất lương. Clip trên ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
 
T2021011102a
Trên chiếc xe của Đội Kiểm tra trật tự đô thị, UBND phường Sa Pa (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), một cán bộ cầm micro đọc lời kêu gọi du khách không cho tiền cũng như mua hàng rong của trẻ em.
 
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa Thị xã Sa Pa cho biết, phát loa kêu gọi du khách một trong những phương pháp thị xã đang làm để giải quyết tình trạng các bà mẹ, người thân lợi dụng trẻ em để trục lợi.

Theo bà Vượng, từ tháng 8, UBND thị xã đã triển khai đồng loạt các biện pháp như tổ chức hội thảo tại các địa phương, các cán bộ phường, xã trực tiếp đến tuyên truyền vận động từng hộ gia đình chấp hành, phát clip trên mạng xã hội và phát tờ rơi viết chữ song ngữ Anh – Việt, và phát loa thông báo… để giải quyết dứt điểm tình trạng lợi dụng trẻ em để bán hàng.

Bà Vượng cho biết, tình trạng lợi dụng trẻ em để bán hàng tại khu du lịch Sa Pa có tồn tại nhiều năm qua, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Nếu như trước đây, trẻ em phải nghỉ học để đi bán hàng, thì nay với sự vào cuộc của ngành giáo dục, các em đến khu du lịch bán hàng vào chiều thứ Sáu, đến thứ Bảy về đi học. Tuy nhiên, các em nhỏ lứa tuổi từ vài tháng tuổi đến hơn 10 tuổi vẫn trở thành công cụ kiếm tiền cho các bà mẹ, thậm chí là người thân, từ sự thương hại của các du khách. Những đứa trẻ xuất hiện trong bộ dạng nhơ nhuốc hoặc vật vờ, đứa lớn cõng đứa bé khóc mếu trong cơn mưa lạnh giá buốt để mời chào. Nhiều du khách thương cảm đành cho chúng tiền thay vì mua hàng.

Trưởng Phòng Văn hóa Thị xã Sa Pa cho biết, theo thống kê, có tới 98% các trường hợp bà mẹ đưa các con nhỏ đi bán hàng, xin ăn là người dân tộc Mông, còn lại dân tộc người Dao. Họ sinh sống ở lân cận Sa Pa, một số ít ở Tam Đường (Lai Châu). Để giải quyết tình trạng trên, ngoài việc cán bộ phường kêu gọi trên loa, kể từ tháng 8/2020, Thị xã Sa Pa đưa ra giải pháp “chuyển đổi mục đích sinh kế” cho các bà mẹ. Theo đó, họ sẽ được đăng kí địa điểm bán hàng tại khu du lịch, làm tại các nhà hàng, khách sạn, mở home stay… thay vì đem con nhỏ đi bán hàng.

“Kể từ khi triển khai đã có một số hiệu quả nhất định, đã có khoảng 30% số lượng các bà mẹ ký cam kết, tham gia chương trình. Để đăng kí, bà con có thể đến chính quyền địa phương hoặc phòng thường trực của Tổ công tác giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo bám và ăn xin tại Khu trưng bày các sản phẩm Sa Pa”, bà Vương cho biết.

Bà Vượng cho hay, Thị xã Sa Pa cũng đang triển khai giải tỏa mặt bằng khu trưng bày các sản phẩm Sa Pa của các doanh nghiệp để cải tạo thành không gian bán hàng cho người dân. Đây là thời điểm thuận lợi để bà con xây dựng tương lai bền vững, đặc biệt là thu nhập cho gia đình và thế hệ sau này thông qua chương trình này. UBND thị xã Sa Pa còn khuyến khích bà con bán sản phẩm du lịch thì nên bán hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ của Sa Pa.

Theo bà Vượng, qua nghiên cứu cơ quan văn hóa đã chuyển một số hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật lợi dụng trẻ em để đeo bám, bán hàng và xin tiền tại trung tâm thị xã. “Nếu có dấu hiệu của việc trục lợi hoặc hành hạ thân xác từ trẻ em thì công an sẽ xử lý để làm gương. Bởi mọi người vẫn nghĩ việc làm của họ đang đúng, có vấn đề gì đâu. Nếu có vài trường hợp bị xử lý thì bà con khắc sẽ nhìn thấy và rút kinh nghiệm. Vừa xử lý nghiêm khắc để răn đe, vừa phải có hướng mở ra sinh kế và vừa tuyên truyền để bà con nhận thấy rằng hành động của mình là không đúng, và làm ảnh hưởng đến thế hệ sau này, chứ không phải hiện tại”, bà Vượng nói.
 

Clip Đội Kiểm tra trật tự đô thị, UBND phường Sa Pa (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), một cán bộ cầm micro đọc lời kêu gọi du khách không cho tiền cũng như mua hàng rong của trẻ em.
Theo Long Vân Tiền phong


Link gốc: https://www.tienphong.vn/ban-doc/xon-xao-chinh-quyen-thi-xa-sa-pa-bac-loa-keu-goi-khong-mua-hang-cho-tre-em-tien-1775335.tpo
 Từ khóa: Sa Pa, UBND phường Sa Pa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây