Như Tiền Phong thông tin, chị C (người huyện Lục Ngạn, lấy chồng huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) tố cáo đến Công an huyện Lục Ngạn về việc ông V. T. H ở huyện Lục Ngạn có hành vi chữa hiếm muộn, vô sinh bằng cách cưỡng ép chị quan hệ tình dục làm chị này mang thai và sinh ra hai cháu bé.
Sau quá trình xác minh, Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) mới đây đã có thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự. Nếu không bị khởi tố, ông H chỉ bị xử phạt hành chính liên quan đến vi phạm về hôn nhân gia đình và hành nghề y (ông H hành nghề y tư nhân không có giấy phép).
Quyết định không khởi tố vụ án của công an huyện Lục Ngạn trong vụ việc này nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Bởi vì, trong loại tội phạm xâm phạm nhân phẩm, danh dự, ngoài các tội hiếp dâm, dâm ô…, pháp luật hình sự còn có quy định về tội cưỡng dâm và vụ việc này có nhiều dấu hiệu của tội cưỡng dâm.
Căn nhà của ông H - nơi xảy ra sự việc. Ảnh Báo Bắc Giang
Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: Cưỡng dâm là hành vi của một người dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu với mình.
Theo ông Nguyễn Văn Duân, Trưởng Công an huyện Lục Ngạn, khi vợ chồng chị C gặp thầy H đặt vấn đề chữa hiếm muộn, thầy H đề nghị vào phòng để kiểm tra và lấy thuốc. Lần sau, vợ chồng này tiếp tục đến thầy H để chữa bệnh. Thầy H đốt ngải, rồi “quan hệ” với người vợ để tinh thông kinh mạch.
Người phạm tội cưỡng dâm dùng rất nhiều thủ đoạn khác nhau như: lừa phỉnh, mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa hoặc bằng tình cảm, bằng tiền bạc, có khi chỉ là một lời hứa..., tức là người phạm tội không từ một thủ đoạn nào miễn là thực hiện được ý đồ giao cấu với người bị hại, hoặc lợi dụng người bị hại đang ở trong tình trạng quẫn bách để họ phải miễn cưỡng giao cấu với mình (quy định tại Điều 143 Bộ Luật hình sự).
“Nếu kết quả điều tra đúng như lời khai ban đầu của chị vợ về việc ông H lợi dụng việc chữa bệnh, sự thiếu hiểu biết của người bệnh, mối quan hệ lệ thuộc giữa thầy thuốc và người bệnh thì ở đây có dấu hiệu của tội cưỡng dâm” – luật sư Bình phân tích.
Nạn nhân tố bị ép, thầy lang nói tự nguyện
Trao đổi với PV Tiền Phong về nội dung này, ông Nguyễn Văn Duân, Trưởng Công an huyện Lục Ngạn cho biết, quá trình xác minh, hai bên có các lời khai khác nhau. Chị C tố cáo ông H ép buộc chị “làm việc như thế” để thông kinh mạch, chữa bệnh vô sinh; còn ông H khai, chị C chủ động đến xin con, không phải đến chữa bệnh.
Ông Duân cho biết, sau khi nhận được tố cáo, công an huyện Lục Ngạn đã tiến hành xét nghiệm ADN và đã xác định cả hai cháu nhỏ do chị C sinh ra (năm 2018, 2020) đều là con chung với thầy lang H. Công an huyện Lục Ngạn cùng Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân huyện và cả công an tỉnh Bắc Giang đã tiến hành xem xét nhưng không đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can ông H về tội cưỡng dâm.
“Sự việc đã được xem xét khách quan, kỹ lưỡng. Chúng tôi đã gửi bản thông báo không khởi tố vụ án cho hai bên đương sự (gia đình bà C và ông H - PV) và nêu đầy đủ căn cứ không thể khởi tố vụ án”.
Ông Duân cho hay, một số cơ sở không đủ căn cứ khởi tố tội cưỡng dâm đối với vụ việc này như: Chị C có trình độ học vấn 12/12, tức là có nhận thức tốt; nơi chị C sinh sống cũng không phải là xã đặc biệt khó khăn, dân trí thấp. Ngoài ra, sự việc chị C quan hệ tình dục với ông H kéo dài trong 2 năm, có đến 2 người con; mỗi lần quan hệ với ông H, anh chồng đều đi cùng và chỉ đứng cách xa vài mét.
“Nếu như có sự ép buộc, chị C phải tố giác từ lâu, không để kéo dài đến hai năm như thế. Anh chồng cũng chỉ đứng cách mấy mét và lần nào cũng chở vợ đi” – ông Duân nói.
Ông Duân cho hay, phía ông H vẫn giữ nguyên lời khai như ban đầu và cả hai bên đều có luật sư bảo vệ; nếu gia đình chị C không đồng ý với thông báo của công an huyện Lục Ngạn có thể làm đơn khiếu nại theo quy định pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, luật sư Nguyễn Bá Ngọc, người bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho chị C cho biết, gia đình chị C không đồng ý với thông báo của cơ quan điều tra và sẽ khiếu nại.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng. Trong giai đoạn này, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét có hay không có dấu hiệu tội phạm, quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật.