Dùng bia chữa ngộ độc rượu: Sự thật thế nào?

Chủ nhật - 07/11/2021 13:00
Nhiều người truyền tai nhau về cách chữa ngộ độc rượu bằng bia, tuy nhiên các chuyên gia y tế lại lý giải đầy bất ngờ.
Thời gian qua, các bệnh viện trên cả nước cấp cứu nhiều ca ngộ độc rượu. Tình trạng này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn.
 
254620211101068
Tình trạng ngộ độc rượu gia tăng thời gian gần đây (Ảnh minh họa)

Nhiều người lại cho rằng, truyền bia có thể giải được ngộ độc rượu. Thực hư vấn đề này như thế nào?

ThS. Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết: Theo hướng dẫn xử trí ngộ độc Methanol của Bộ Y tế, lọc máu cấp cứu là biện pháp quan trọng hàng đầu và quyết định việc đào thải Methanol ra khỏi cơ thể người bệnh. Ngoài ra, trong quá trình lọc máu thải độc, Ethanol cũng có thể được sử dụng theo đường tiêu hóa để tranh chấp chuyển hóa với Methanol có trong máu.

"Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ này chỉ có thể tạm thời trì hoãn việc chuyển hóa Methanol thành các độc chất (axit formic và format) gây hại cho người bệnh và phải được thực hiện tại cơ sở y tế, theo hướng dẫn chuyên môn và chỉ định của bác sĩ", Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa nói.

Phó Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đưa ra các khuyến cáo với người dân khi phát hiện có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu. Theo đó, khi phát hiện các dấu hiệu thì phải đến cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Người dân cũng tuyệt đối không uống những loại rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu bia giả vì có thể chứa methanol.

"Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do rượu bia gây ra; không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu. Nếu đã ngộ độc Ethanol (có trong rượu bia) mà vẫn tiếp tục uống rượu bia thì có mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng hơn", Bác sĩ  Khoa khuyến cáo.

TS Lương Quốc Chính - khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) phân tích: Sử dụng ethanol (rượu bia thực phẩm) trong ngộ độc methanol (rượu công nghiệp) chỉ là giải pháp câu giờ nhằm chờ đợi biện pháp điều trị triệt để là lọc máu cấp cứu. Biện pháp này không mới trong y học và cộng đồng.

Lý giải không áp dụng cách trên để giải ngộ độc rượu, TS Lương Quốc Chính cho biết, ngộ độc rượu có thể là ngộ độc ethanol (rượu bia thực phẩm), không có thuốc giải độc. Nếu ngộ độc nhẹ, ethanol sẽ được đào thải nhanh qua đường hô hấp. Nếu ngộ độc nặng, vật vã kích thích, nôn nhiều, thậm chí co giật... phải vào viện cấp cứu. Không được uống bia để giải độc.

Ngộ độc rượu có thể là ngộ độc methanol (rượu công nghiệp, cực độc), có thuốc giải độc tạm thời, một trong số đó là ethanol (rượu bia thực phẩm). Tuy nhiên, giải độc tạm thời ở đây có nghĩa là ethanol được ưu tiên chuyển hóa trong cơ thể trước, đẩy methanol xuống. Lúc này, khi methanol chưa được chuyển hóa thành formate và axit formic (chất cực độc với con người) thì triệu chứng ngộ độc methanol chưa xuất hiện. Khi đó bác sĩ sẽ cắm cái ống thông vào lòng mạch máu (thường ở bẹn) để rút máu ra ngoài lọc lấy bỏ methanol.
 
254620211101069
“Không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu”, bác sĩ Khoa nói (Ảnh: BVCC)

Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nhiều người nghĩ rằng có thể uống rồi nghỉ, cầm chừng sau đó uống tiếp sẽ giảm tác hại của rượu bia, tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm.

Về mặt nguyên lý, khi sử dụng 1g cồn, tức tương đương với 2/3 chai hoặc lon bia 330 ml (5%), 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%), 1 cốc bia tươi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%) gan sẽ mất 1 giờ để thải độc, bởi thói quen của người dân không ai chờ 1 giờ mới tiếp tục uống 1 đơn vị cồn. Lượng cồn cao gan không thể chuyển hóa hết, ethanol còn lại sẽ biến thành chất độc.

“Thực tế, bia hay rượu đều có chứa ethanol gây hại sức khỏe, không có chuyện uống bia sẽ không gây hại cho cơ thể. Chúng tôi mong người dân sử dụng rượu, bia văn minh, có điểm dừng để tránh hậu quả đáng tiếc”, bà Trang nói.

Để đảm bảo an toàn, Bộ Y tế đưa ra các khuyến cáo:

Người dân nên hạn chế sử dụng rượu bia.

Khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu bia thì phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời.

Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu bia gây ra, không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu. Nếu đã ngộ độc ethanol (có trong rượu, bia) mà vẫn tiếp tục uống rượu bia (có ethanol) thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng.

Tuyệt đối không sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc, rượu bia giả vì có thể chứa methanol.
Thúy Ngà  
Theo giadinhonline.vn
 
Link gốc: https://giadinhonline.vn/dung-bia-chua-ngo-doc-ruou-su-that-the-nao-d175848.html
 Từ khóa: ngộ độc rượu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây