Ngày 26/3, thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng CSGT (Bộ Công an), cho biết đơn vị đang thử nghiệm kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính, và bước đầu "đã thành công".
Quá trình thử nghiệm, Tổ công tác thuộc Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Hà Nội) đã xử phạt một nam tài xế đi xe máy trên đường Giảng Võ với lỗi không lắp gương chiếu hậu.
Với hành vi này, tài xế bị phạt 150.000 đồng. Thay vì nộp tiền trực tiếp cho cảnh sát và chờ quyết định xử phạt bằng giấy sau 7 ngày, nam tài xế được hướng dẫn đọc mã số định danh trên thẻ căn cước mới, kiểm tra mã QR trên thẻ. Tổ công tác nhập dữ liệu vào Cổng thông tin dịch vụ công Quốc gia và ra quyết định xử phạt.
Cán bộ thuộc Cục CSGT sử dụng máy tính bảng xử lý vi phạm. Ảnh: Bá Đô
Sau vài phút, nam tài xế nhận được tin nhắn từ Cổng dịch vụ công Quốc gia, thông tin về số quyết định xử phạt, với thông tin này tài xế có thể nộp phạt, chuyển khoản qua ngân hàng tích hợp trên cổng dịch vụ công.
"Việc nộp phạt trực tuyến như thế này khiến tôi không phải đến trực tiếp, mất thời gian công sức như trước", nam tài xế đánh giá.
Trực tiếp lập biên bản điện tử, hướng dẫn người vi phạm nộp phạt theo hình thức mới, thượng uý Hoàng Tùng, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 2 cho biết khi xử lý vi phạm giao thông, lực lượng chỉ cần nhập số căn cước công dân người vi phạm vào, hệ thống sẽ tự động hiển thị tất cả thông tin họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi ở hiện tại của người vi phạm để lực lượng lập biên bản và ra quyết định xử phạt online.
"Điều này giúp cho cả cơ quan chức năng và người dân đều thấy thuận lợi, tiết kiệm thời gian rõ ràng, minh bạch, chính xác và rút ngắn thời gian xử phạt khoảng 10 phút", thượng úy Tùng cho hay.
Với những lỗi vi phạm không phải tạm giữ giấy tờ, CSGT sẽ trả giấy tờ ngay cho người vi phạm. Còn với các lỗi bị tước bằng lái, người vi phạm khi nộp tiền xong có thể đăng ký nhận giấy tờ tại nhà thông qua hệ thống bưu điện.
Hiện nay để xử lý một trường hợp vi phạm, cảnh sát giao thông phải trải qua nhiều bước và lập biên bản bằng giấy, 7 ngày sau mới có thể ra quyết định xử phạt và người vi phạm phải đi lại nhiều lần lên nộp phạt, lấy lại bằng lái bị tạm giữ.
Khi kết nối hai hệ thống này, người vi phạm, cảnh sát có thẩm quyền xử phạt có thể thông qua chữ kỹ số để hoàn thiện xử phạt điện tử, thay vì quyết định giấy như hiện nay.
Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được khai trương ngày 25/2. Đây là dự án do Bộ Công an làm chủ đầu tư, được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2015 với tổng số vốn hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân, tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành và chính quyền các cấp. Qua đó cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về dân cư (số liệu, cơ cấu, phân bổ và các biến động...) phục vụ quản lý nhà nước, hoạch định chính sách.
Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính do Bộ Tư Pháp chủ trì xây dựng từ năm 2017 là tập hợp dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính được xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng thông qua phương tiện điện tử nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính và đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật.
Các thông tin được cập nhật thường xuyên trên hệ thống này gồm dữ liệu thông tin của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính; thông tin về việc thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; số ngày tháng ban hành quyết định hành chính; hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt... |
Theo Bá Đô Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/thu-nghiem-nop-phat-vi-pham-giao-thong-qua-ma-so-dinh-danh-4253514.html