Dù chỉ mới được phát hiện gần đây, biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 đang là nỗi lo ngại của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ với số đột biến cao bất thường.
Giới nghiên cứu mới đây tiếp tục chỉ ra Omicron nhiều khả năng sẽ lẩn tránh được kháng thể sinh ra từ vaccine, bên cạnh lý giải vì sao biến thể này có thể lây lan mạnh như vậy thời gian qua.
Ảnh minh họa cấu trúc của virus SARS-CoV-2. Ảnh: NPR
Omicron sẽ lẩn tránh được kháng thể từ vaccine
Trả lời hãng tin Bloomberg, PGS Wendy Burgers thuộc ĐH Cape Town (Nam Phi) cho biết có hai điểm cần lưu ý khi nói về khả năng lẩn tránh kháng thể của Omicron.
Thứ nhất, phần lớn trong khoảng hơn 40 đột biến trên biến thể Omicron tập trung ở protein gai - bộ phận giúp virus bám vào tế bào người khi tiến hành lây nhiễm.
Ở các biến thể trước như Delta hay Alpha, việc đột biến ở protein gai đều cho chúng khả năng lẫn tránh được kháng thể sinh ra từ vaccine, nên Omicron lần này chắc chắn không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian nghiên cứu thêm để xác định biến thể này lẫn tránh được tới đâu và hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm tới mức nào.
Thứ hai, cho tới nay chưa có bằng chứng nào cho thấy Omicron miễn nhiễm trước sự tấn công của tế bào T trong cơ thể người. Đây là một dạng tế bào miễn dịch có nhiệm vụ chủ yếu là phát hiện và tiêu diệt các tế bào mầm bệnh hoặc nhiễm bệnh - thường được sản sinh với số lượng lớn sau khi tiêm phòng hoặc sau khi bệnh nhân khỏi bệnh.
Trong điều kiện bình thường thì kháng thể và tế bào T phối hợp để cùng loại bỏ mầm bệnh xâm nhập; trong trường hợp mầm bệnh lẫn tránh được kháng thể như Omicron thì vẫn không qua được hàng rào tế bào T ngay phía sau.
Ngoài ra, nói về khả năng tiêu diệt mầm bệnh thì tế bào T có phần nhỉnh hơn. Kháng thể chỉ nhắm mục tiêu hai bộ phận cố định trong protein gai của virus là vùng liên kết thụ thể (RBD) và vùng tận cùng N, nên chỉ cần hai bộ phận này thay đổi nhiều là kháng thể mất tác dụng. Trong khi đó, tế bào T nhắm vào toàn bộ phần tế bào gai, nên không bị các thay đổi trong cấu trúc virus ảnh hưởng nhiều.
"Sự xuất hiện của Omicron khiến tôi bất ngờ vì tôi từng nghĩ Delta là dấu hiệu dịch COVID-19 chuẩn bị kết thúc. Virus SARS-CoV-2 thật sự đã tất cả chúng tôi ngạc nhiên" - TS Charles Chiu thuộc ĐH Califonia (Mỹ) chia sẻ.
Ông cho biết Omicron cho thấy virus SARS-CoV-2 là dòng virus có độ linh hoạt cao, thích ứng nhanh với điều kiện môi trường bất lợi. Loại bỏ virus này sẽ là nỗ lực rất khó khăn, chính quyền các nước nên nhanh chóng chuyển từ loại bỏ virus sang sống chung với nó và tập trung giảm các ca bệnh nặng.
Omicron có thể đã lai với virus cảm lạnh
Hãng tin Reuters dẫn nghiên cứu mới công bố của công ty phân tích dữ liệu Nference (Mỹ) khẳng định biến thể Omicron nhiều khả năng có ít nhất một đột biến được lai từ đoạn vật liệu di truyền của virus khác.
Cụ thể, nghiên cứu phát hiện Omicron có nhiều chuỗi gene chưa từng xuất hiện ở bất kỳ biến thể nào của virus SARS-CoV-2 trước đó nhưng lại có ở virus gây cảm lạnh và một phần trong bộ gene của người.
Bằng cách chèn đoạn gene này vào cấu trúc, biến thể Omicron nhiều khả năng tự làm cho mình "giống người hơn" - tránh được sự tấn công của hệ thống miễn dịch trong cơ thể người nhiễm.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc là biến thể Omicron lây truyền dễ dàng hơn và chỉ gây ra triệu chứng bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng. Dù vậy, hiện vẫn chưa kết luận rõ ràng liệu Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể khác hay không
Theo Reuters, nhiều nghiên cứu trước đó chỉ ra các tế bào trong phổi và trong hệ tiêu hóa có thể chứa đồng thời virus SARS-CoV-2 và virus cảm lạnh. Đây là điều kiện lý tưởng để SARS-CoV-2 tái tổ hợp. Đây là quá trình mà trong đó hai loại virus khác nhau trong cùng một tế bào chủ tương tác, tạo ra các bản sao mới có một số vật liệu di truyền từ bản gốc.
VĨ CƯỜNG
Theo plo.vn
Link gốc: https://plo.vn/quoc-te/thong-tin-moi-ve-do-nguy-hiem-cua-bien-the-omicron-1031762.html