Thành cổ Hà Tĩnh: Dấu tích thời vàng son

Thứ hai - 13/12/2021 08:48
Thành Hà Tĩnh được vua Minh Mệnh triều Nguyễn xây dựng năm 1833 tại xã Trung Tiết (nay là phường Tân Giang) thành phố Hà Tĩnh. Năm 1853, Thành không sử dụng do sáp nhập Hà Tĩnh vào Nghệ An. Năm 1881, công trình được vua Tự Đức xây mới kiên cố bằng gạch và đá ong khi tái lập tỉnh.
20211213001
Thành Hà Tĩnh được vua Minh Mệnh triều Nguyễn xây dựng năm 1833. Năm 1881, công trình được vua Tự Đức xây mới kiên cố bằng gạch và đá ong khi tái lập tỉnh.
 
Thành được xây theo kiến trúc Vauban, một kiểu thành phòng ngự rất được ưa chuộng ở châu Âu thế kỷ XVIII bao gồm: Lũy, pháo đài, pháo nhãn, tường bắn, phòng lộ, hào, thành giai... có khả năng phòng thủ.

Thành cao 3,2m, xung quanh có hào rộng 20m, sâu 1,6m, tổng diện tích cả hào và thành khoảng 160.000m2. Thành có bốn cửa ra vào: Tiền Môn, Hậu Môn, Tả Môn, Hữu Môn. Hướng về phía Nam gọi là cửa tiền, trên cổng có vọng lâu, có treo một quả chuông lớn để điểm giờ gác, do lính khố xanh phụ trách. Hướng về phía Bắc là cửa hậu, vọng lâu trên cổng làm vọng gác nhà lao bên trong. Hướng về phía Tây là cửa hữu, trên vọng lâu có treo một cái trống lớn, cũng để điểm giờ do lính khố lục phụ trách. Hướng về phía Đông là cửa tả, cửa này đóng kín quanh năm. Phía trong thành đặt trụ sở của các cơ quan quan trọng như Lĩnh binh (cơ quan quân sự), Án sát (tòa án), dinh Bố chính (trụ sở quan đứng đầu tỉnh), Đốc học (cơ quan giáo dục)...
 
20211213002
Hào trước kia nay được cải tạo, xây kè bê tông dọc hai bên, giống như một dòng sông nhỏ uốn lượn quanh thành phố Hà Tĩnh.
 
Trong thành có hệ thống nhà lao, hay còn gọi là đề lao, được làm bằng vách đất. Trong chiến tranh, địch đã chiếm công trình này, xây dựng kiên cố để giam cầm hàng nghìn sỹ phu yêu nước, chiến sĩ cách mạng. Nhà lao được dỡ bỏ sau cách mạng tháng 8/1945, công trình này giờ chỉ còn phế tích. Chính quyền đã dựng bia chứng tích “Nhà lao Hà Tĩnh” tại ngõ 2, đường Nguyễn Hữu Thái, phường Tân Giang.

Trải qua nhiều biến động của lịch sử, thành Hà Tĩnh ngày nay chỉ còn lại 3 cạnh của hào thành là nơi đặt trụ sở các cơ quan nhà nước của Hà Tĩnh như Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh. Hiện nay, với hào thành còn lại đã được tu sửa, xây kè kiên cố nhưng hình dáng, chiều rộng, độ sâu thì không còn nguyên vẹn như trước nữa.
 
20211213003
Lúc xây dựng, thành Hà Tĩnh có hệ thống hồ thành. Nay các hồ đã lấp, chỉ còn lại một hồ bán nguyệt rộng hơn 100m2, hàng năm trồng sen, nằm trong khuôn viên Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh.
 
Ông Hồ Văn Hiếu, 80 tuổi, nguyên Bí thư thị xã Hà Tĩnh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: “Bốn cổng thành đều có cầu qua hào. Cửa Hậu nay là một cây cầu nhỏ bắc qua hào trên đường Nguyễn Hữu Thái, phường Tân Giang, phía dưới cầu có 3 cống vòm thoát nước, xây theo kiến trúc cửa thành ngày xưa. Cửa Tả nay thuộc tổ dân phố 7, phường Tân Giang. Khi thủy triều rút, khối bê tông trước đây là một phần của cổng vòm nằm dưới hào sẽ lộ ra. Cửa Hữu nay nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, phường Tân Giang, phía dưới có cống nhỏ thông với hào. Thời thành còn tồn tại, cửa Tiền và Hậu thường xuyên được mở để mọi người ra vào. Cửa Tả và Hữu rất ít khi mở”.
 
20211213004
Hiện nay, tại công viên Lý Tự Trọng, trên đường Phan Đình Phùng (phường Nam Hà) có đặt hai khẩu thần công, được cho là liên quan đến thành Hà Tĩnh.
 
Hiện nay, tại công viên Lý Tự Trọng, trên đường Phan Đình Phùng, phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh có đặt hai khẩu thần công, được cho là liên quan đến thành Hà Tĩnh. Theo cán bộ Bảo tàng Hà Tĩnh, thời điểm xây dựng, chính quyền xưa có đúc hai khẩu thần công bằng gang với ý nghĩa bảo vệ thành: “Quá trình nghiên cứu, sưu tầm hiện vật, cán bộ chuyên môn đã tìm được một số tài liệu chứng minh sự liên quan giữa hai khẩu thần công trên và thành cổ Hà Tĩnh”, lãnh đạo Bảo Tàng Hà Tĩnh cho hay.

“Thuở mới lập, thị xã Hà Tĩnh, tức thành phố Hà Tĩnh ngày nay, chia làm 8 khu phố: Tịnh Trung, Hoàn Thị, Tiền Môn, Hậu Môn, Tả Môn, Hữu Môn, Tân Giang, Nam Ngạn. Trong nội thành, mỗi khu phố đều lập một ngôi đền thờ Thành hoàng làng, với ý nghĩa để vị thần bảo hộ, che chở cho người dân trong vùng. Đến nay, các ngôi đền đã thành phế tích, chỉ còn đền thờ Thành hoàng Nam Ngạn được phục dựng, chuyển về tổ dân phố 10, phường Tân Giang để thờ tự”, ông Hiếu chia sẻ thêm.

Những biến động của lịch sử cùng dấu vết thời gian đã xóa mờ đi những dấu tích một thời của thành cổ, thay thế vào đó là những con đường khang trang, đẹp đẽ, hiện đại cùng những công trình như: cơ quan Tỉnh ủy, UBND tỉnh uy nghi và lộng lẫy, trở thành trung tâm chính trị của tỉnh.

Những gì còn sót lại của thành cổ Hà Tĩnh là minh chứng cho lịch sử và dấu mốc trên chặng đường phát triển của Hà Tĩnh. Dịp kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1831-2021) và 30 năm tái lập tỉnh (1991-2021), nhà chức trách Hà Tĩnh có chủ trương thực hiện dự án khôi phục Hào Thành trở thành một tuyến du lịch, dịch vụ văn hóa và lịch sử. Theo đó, Hào Thành khi quy hoạch lại sẽ được xử lý hệ thống nước thải sinh hoạt, chỉnh trang đô thị, phục dựng cổng thành và và một điểm nhấn của thành, đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hóa cho công trình.

Uyên Uyên
Theo baoxaydung.com.vn
 
link gốc: https://baoxaydung.com.vn/thanh-co-ha-tinh-dau-tich-thoi-vang-son-321796.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây