Tăng lương cơ sở, đại biểu Quốc hội đề nghị tránh tình trạng “té nước theo mưa”

Thứ sáu - 28/06/2024 06:39
Mặc dù đây là lần tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay, lên đến 30%, song nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu chưa cải cách được tiền lương, việc tăng lương cơ sở vẫn chỉ là gia tăng con số chứ không đi kèm với nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.
D2024062804 1
Do chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương (để thực hiện cải cách tiền lương) nên Chính phủ đề nghị Quốc hội cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024

Đừng để tăng lương chỉ là tăng con số trong tài khoản

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, đợt điều chỉnh lương từ ngày 1/7 tới đây, là đợt điều chỉnh lớn nhất từ trước cho đến nay với mức lương cơ sở tăng 30% (từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng). Song đối với người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì tin này được đón nhận với tâm trạng “nửa mừng, nửa lo”.

Mừng bởi vì thu nhập từ lương đã được tăng lên đáng kể nhưng lo là vì sợ vẫn tiếp diễn tình trạng như đã từng diễn ra từ trước tới nay: hễ cứ tăng lương là giá cả lại tăng theo, khiến cho việc tăng lương gần như chỉ là tăng số tiền trong tài khoản chứ không phải là nâng cao mức sống của người lao động.

Do đó, bà Nga cho rằng, bài toán đặt ra trong thời điểm hiện nay là phải có những cải cách, chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, vi mô như thế nào để kiểm soát được giá cả.

Theo đại biểu, hiện tượng “té nước theo mưa”, lợi dụng việc tăng lương để tăng giá một cách không theo quy luật nào là hiện tượng có thật và cần phải có sự quản lý và chỉ đạo sâu sát từ cơ quan chức năng để làm sao tăng lương thực sự phải nhằm cải thiện đời sống của người lao động, để niềm vui tăng lương cho người lao động được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thêm trọn vẹn chứ không phải “nửa mừng nửa lo”.

Đại biểu đoàn Hải Dương cũng cho rằng, chúng ta đã dự kiến cải cách tiền lương nhưng cuối cùng tại thời điểm hiện tại lại thực hiện tăng lương. Hai việc này có một điểm chung, đấy là khi cải cách tiền lương hay khi tăng lương thì lương của người lao động nói chung được điều chỉnh theo hướng tăng lên, nhưng có điểm khác nhau cơ bản là cách tính lương.
 
D2024062804 2
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Ảnh: M.Minh)

Cụ thể, cải cách tiền lương dự kiến sẽ bỏ cách tính lương truyền thống theo mức lương cơ sở, theo ngạch bậc, theo thâm niên công tác và theo các loại phụ cấp, thay vào đó sẽ tính lương theo vị trí việc làm của người lao động. Cải cách tiền lương có rất nhiều ưu việt, bảo đảm sự công bằng, khoa học, tiệm cận với cách tính lương của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Tuy nhiên, đại biểu nhận định, để thay đổi được cách tính tiền lương với sự thay đổi thực sự triệt để thì phải có nhiều điều kiện đi kèm, nhất là điều kiện về nguồn lực, cải cách thể chế. Đây là bài toán dài hơi. Để thực hiện thì bên cạnh việc tiết kiệm, vẫn cần nhiều giải pháp khác để nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, để chỉ số GDP bình quân hằng năm tăng cao hơn chứ không chỉ đơn thuần là việc chúng ta để dành được “bao nhiêu tiền” để thực hiện cải cách tiền lương.

Cần sớm có lộ trình cải cách tiền lương

Cũng bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) đánh giá, đây là lần tăng lương cao nhất từ trước đến nay. Song bên cạnh sự phấn khởi thì người lao động cũng có tâm trạng còn lo lắng làm sao để chính sách nâng lương lần này đem lại giá trị thực sự cho người có thu nhập từ lương cũng như người dân không có lương.

Theo đại biểu, nếu tăng lương mà vẫn giữ lạm phát ổn định, giá cả các mặt hàng không tăng đó là điều rất tốt. Còn nếu tăng lương mà giá cả cũng tăng thì không đem lại lợi ích gì cho người có thu nhập từ lương và càng gây khó khăn cho những đối tượng không có lương.

“Do đó, bên cạnh tăng lương thì Chính phủ cần thực hiện thật tốt các biện pháp để kiểm soát lạm phát, bảo đảm giá cả các mặt hàng không tăng. Đó mới là ý nghĩa của việc tăng lương lần này”, ông Gia nói.
 
D2024062804 3
ĐBQH Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh)

Theo đại biểu, lần thực hiện tăng lương cơ sở này đã cho thấy cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương vẫn chưa thực hiện được. Đây là một nhiệm vụ Chính phủ cần phải tiếp tục thực hiện tốt.

"Tức theo lộ trình cải cách chính sách tiền lương, đúng ra lần này chúng ta phải cải cách thang bảng lương, cách tính lương chứ không phải chỉ đơn thuần tăng lương", ông Gia chia sẻ và cho rằng, cải cách chính sách tiền lương là một vấn đề hết sức khó và xây dựng hệ thống vị trí việc làm, thang bảng lương theo vị trí việc làm, các ưu đãi nghề… vẫn là vấn đề phức tạp.

Theo đại biểu Gia, thực hiện nâng lương theo hệ số như hiện nay trước mắt giải quyết được vấn đề cấp thiết của cán bộ, công chức, người lao động có thu nhập từ lương. Vấn đề tiếp theo là làm sao để việc tăng lương có ý nghĩa.

Do đó, đại biểu cho rằng tăng lương lần này chỉ là một giải pháp trước mắt, còn về lâu dài cần phải thực hiện triệt để Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) cho rằng, sau tăng lương lần này, việc cải cách tiền lương vẫn là hi vọng của người lao động cả nước. Bởi vì, mặt bằng lương hiện tại so với sự phát triển gần đây của nền kinh tế cũng như mặt bằng phát triển của khu vực và quốc tế thì chúng ta vẫn cần phải phấn đấu.
 
D2024062804 4
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng)

Ông Hồi cho rằng, cải cách tiền lương phải thực hiện một cách căn cơ, không cần phải cố "chạy" cho kịp thời hạn 1/7 vì đây là vấn đề nền tảng, lâu dài.

“Lương là một trong những công cụ để kích thích sản xuất, một trong những phương thức để ổn định sinh kế của người lao động. Vì thế, đây là vấn đề rất quan trọng, cần có lộ trình thực hiện một cách cẩn thận, căn cơ”, ông Hồi nói.

Trước đó, ngày 25/6, thay mặt Chính phủ trình kế hoạch tăng lương, Bộ trưởng Bộ nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, do chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương nên Chính phủ đề nghị Quốc hội cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024.

Nội dung chính của kế hoạch tăng lương lần này là: tiền lương của khu vực công, công chức, viên chức tăng 30% (điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng) và bổ sung quy định tiền khen thưởng 10% lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu 15%, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công 35,7% và trợ cấp xã hội 38,9%, đặc biệt đối với những người hưởng lương hưu từ trước năm 1995 được trợ cấp thêm 0,3 triệu đối với người có mức lương thấp hơn 3,2 triệu, hưởng lương thấp hơn 3,5 triệu được điều chỉnh cho đủ 3,5 triệu đồng...


Minh Minh
Theo www.tinnhanhchungkhoan.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây