Tăng cường hoạt động chống rác thải nhựa gắn với bảo vệ biển và đại dương

Thứ ba - 09/05/2023 06:49
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân yêu cầu kế hoạch tổ chức các hoạt động vì môi trường trong tháng 6 phải làm nổi bật chủ đề chống rác thải nhựa gắn với bảo vệ biển và đại dương.
Tại cuộc họp về Kế hoạch tổ chức các hoạt động tại Tháng hành động vì môi trường và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm 2023, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân yêu cầu kế hoạch tổ chức phải làm nổi bật chủ đề chống rác thải nhựa gắn với bảo vệ biển và đại dương.

Đồng thời, nhấn mạnh mối quan tâm của Việt Nam trong bảo vệ môi trường và bám sát chủ đề Ngày Môi trường thế giới, Ngày đại dương thế giới dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6 tới.

Dự kiến, Lễ phát động Quốc gia Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới và Ngày Đại dương thế giới sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 tại Khu du lịch biển Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Trong khuôn khổ sự kiện, nhiều hoạt động hưởng ứng được diễn ra, bao gồm: Trao cờ Tổ quốc cho đại diện ngư dân bám biển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; trao tặng danh hiệu Đại sứ Môi trường và Biển năm 2023; tổ chức ra quân làm sạch bờ biển kết hợp với trồng rừng ngập mặn chống sạt lở ven biển, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
 
D2023050901
Ô nhiễm rác thải nhựa đang là thách thức lớn toàn cầu, gây ra những tác động nguy hại tới môi trường. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT sẽ tổ chức Hội thảo công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo đến năm 2050; giới thiệu Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Góp ý về kế hoạch này, Vụ Môi trường và Cục Kiểm soát ô nhiễm đề xuất hướng dẫn các hoạt động thiết thực về thu gom, xử lý, phân loại rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng.

Đặc biệt tại 28 tỉnh có biển, các địa phương có tồn tại các vấn đề về rác thải nhựa theo phản ánh từ báo chí, truyền thông, yêu cầu địa phương có báo cáo tổng kết sau khi kết thúc tháng hành động và sẽ có kiểm tra, xử lý nếu địa phương vẫn để xảy ra tình trạng ô nhiễm.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu các đơn vị triển khai các hoạt động truyền thông liên tục trước, trong và sau sự kiện. Thông tin chú trọng phát hiện, biểu dương mô hình hay, việc làm tốt trong phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải nhựa; phê phán những nơi còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa.

Ngày Đại dương Thế giới là sáng kiến được Chính phủ Canada đề xuất vào năm 1992 tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất ở Rio de Janeiro; sau đó được Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (IOC) của UNESCO thừa nhận vào Năm quốc tế đại dương 1998 tổ chức tại Lisbon (Bồ Đào Nha). Từ năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức chọn ngày 8/6 hàng năm là Ngày Đại dương Thế giới.

Ngày kỷ niệm này được tổ chức nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của các đại dương trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Là lá phổi xanh của hành tinh, các đại dương cung cấp hầu hết oxy mà chúng ta thở. Thêm vào đó, Ngày Đại dương Thế giới cũng là dịp để thông tin cho công chúng về hiệu ứng mà các hoạt động của con người tạo ra trên biển; đồng thời để phát triển một phong trào toàn cầu về đại dương.

Với khẩu hiệu “Beat Plastic Pollution” - Đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa, Ngày Môi trường Thế giới năm nay sẽ được hỗ trợ bởi Chính phủ Hà Lan, một trong những quốc gia có hành động đầy tham vọng đối với vòng đời của nhựa. Năm 2023 là năm đánh dấu kỷ niệm 51 năm tổ chức Ngày Môi trường thế giới, sau khi tổ chức này được thành lập bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 1972 và Ngày Môi trường thế giới đầu tiên được tổ chức vào năm 1973.

Mối nguy hại toàn cầu

Ô nhiễm rác thải nhựa đang là thách thức lớn toàn cầu, gây ra những tác động nguy hại tới môi trường. Nếu không được giải quyết, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, sự bảo tồn và đa dạng sinh học.

Báo cáo của Economist Impact và The Nippon Foundation cho thấy, nếu không có một hiệp ước toàn cầu toàn diện và ràng buộc về mặt pháp lý để hạn chế tiêu thụ nhựa, việc sử dụng nhựa ở các nước G20 sẽ tăng gần gấp đôi vào giữa thế kỷ này.

Theo đó, các chương trình hiện tại nhằm tăng cường tái chế hoặc cắt giảm tiêu thụ nhựa sử dụng một lần chỉ mới bắt đầu và cần phải có một kế hoạch toàn cầu toàn diện hơn.

Tháng 11/2022, Liên Hợp Quốc đã khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận giải quyết ô nhiễm nhựa ở Uruguay, với mục đích soạn thảo một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý vào cuối năm 2024.

175 quốc gia đã đăng ký tham gia các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán thất bại, theo tốc độ tăng trưởng hiện tại, số lượng nhựa hàng năm ở các nước G20 có thể tăng lên 451 triệu tấn vào năm 2050, tăng gần 3/4 so với năm 2019.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh ghi nhận được vào khoảng 2,9 triệu tấn; trong số đó 1,6 triệu tấn ở đô thị và 1,3 triệu tấn ở nông thôn.

Theo thống kê mới đây, Việt Nam là quốc gia có nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới (khoảng 3,1 triệu tấn/năm trong đó lượng rác thải đổ ra đại dương khoảng từ 0,28 -0,73 triệu tấn/ năm).

Thực tế, lượng rác thải nhựa xả ra môi trường tại các điểm du lịch chiếm tỷ lệ rất lớn và ngày càng tăng lên. Trong du lịch, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi nilon/ngày; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần.

Lan Anh
Theo Kinhtemoitruong.vn

Link gốc: https://kinhtemoitruong.vn/tang-cuong-hoat-dong-chong-rac-thai-nhua-gan-voi-bao-ve-bien-va-dai-duong-77329.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây