Tấn công bằng tiếp thị, thâu tóm các kênh bán hàng, truyền thông và quảng cáo ồ ạt... có vẻ như chưa đủ để “đánh gục” nước mắm truyền thống và thỏa mãn lòng tham của nước chấm công nghiệp. Muốn được gọi là nước mắm, chi phối thị phần, thao túng các quy định, len lỏi vào đại đa số bữa ăn của người Việt... mới là “sứ mệnh cao cả” mà thứ nước chấm ấy đang lăm le.
Tôi vừa đọc được trên trang của nhà báo Vũ Kim Hạnh những dòng thế này: “Kỳ này họ làm bài bản, có kế hoạch từng bước để xóa sổ nước mắm truyền thống hơn vụ Arsen đợt trước, chắc chết thiệt cô ơi!”. Tiếng kêu ấy của một cô gái bỏ Sài Gòn về Phú Quốc, quyết tâm giữ nghề gia truyền với chỉ cá, muối và thấm đẫm trong đó cả nước mắt của bà con làng nghề hàng trăm năm qua.
Chuyên gia “nước mắm” Vũ Thế Thành thốt trong “cơn bão” nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp lại nổi lên mấy ngày qua “Tôi không phủ nhận sự cần thiết của nước mắm công nghiệp trong việc đáp ứng nhu cầu vài trăm triệu lít nước mắm mỗi năm, mà nước mắm truyền thống không thể đáp ứng nổi. Nhưng chúng ta phải biết bảo tồn di sản của cha ông để lại, chứ không thể nấp dưới cái áo "an toàn thực phẩm" để đưa ra quy định trên trời, vô tình hay hữu ý đẩy nước mắm truyền thống vào cửa tử, mà không phân tích rành mạch các nguy cơ rủi ro một cách khoa học và thực tế”.
Thưa ông! Họ không chỉ nấp dưới cái áo “an toàn thực phẩm” mà còn mệnh danh nhiều “sứ mệnh cao cả” khác! Họ tung hô đó vì nền công nghiệp nước chấm, nhu cầu của thị trường, lớn mạnh của doanh nghiệp Việt hay đưa sản phẩm nước nhà ra thế giới... Họ lờ đi lợi nhuận khổng lồ có được, bỏ qua nước mắt của bà con chế biến nước mắm truyền thống lao đao, chao đảo vì bị tấn công tứ phía và có thể là sức khỏe dài lâu của hàng chục triệu đồng bào.
Hơn chục năm qua, nước mắm truyền thống không chỉ còn là muối, cá như hàng trăm năm trước. Thứ “quốc hồn quốc túy ấy” ngày càng mặn chát bởi mồ hôi, nước mắt của biết bao con người đang chống đỡ vất vả hơn với nước chấm công nghiệp. Còn thứ “nước muối pha hóa chất” kia lại “ngọt ngào” hơn với một nhóm do thị phần quá lớn, lợi nhuận quá nhiều và lợi ích quá hấp dẫn.
“Quê hương là mùi nước mắm, mà không phải là quê hương Việt Nam chung chung, không phải nước mắm chung chung, mà là quê hương làng mạc cụ thể với nước mắm Phú Quốc, nước mắm Bình Tân (Nha Trang), Hàm Tiến (Phan Thiết), Cát Hải (Hải Phòng)…”. Thứ nước mắm này đang có nguy cơ bị bức tử, khó trụ được vì lợi nhuận thấp, thị phần ngày càng hẹp, đại gia nước chấm công nghiệp ngày càng mạnh và “hàng rào pháp lý” bảo vệ ngày càng yếu. Ai cũng biết, ai cũng hiểu nhưng ai sẽ ngăn chặn?
Tấn công bằng tiếp thị, thâu tóm các kênh bán hàng, truyền thông và quảng cáo ồ ạt... có vẻ như chưa đủ để “đánh gục” nước mắm truyền thống và thỏa mãn lòng tham của nước chấm công nghiệp. Muốn được gọi là nước mắm, chi phối thị phần, thao túng các quy định, len lỏi vào đại đa số bữa ăn của người Việt... mới là “sứ mệnh cao cả” mà thứ nước chấm ấy đang lăm le.
Từ chuyện họ “mời” tiến sĩ “nước mắm” Trần Thị Dung ra khỏi phòng họp khi bà đấu tranh cho nước mắm truyền thống cho đến việc hàng loạt quy định dự thảo làm khó nước mắm truyền thống phần nào cho thấy rằng tiếng kêu “Kỳ này họ làm có bài bản” không phải vu vơ, lạc lõng giữa cơn bão nước mắm và nước chấm.
65% thị phần, hàng chục ngàn tỷ doanh thu, hàng ngàn tỷ lợi nhuận... chưa đủ để nước chấm công nghiệp dừng bước. Phải là nước mắm dù là nhiều nước muối và đậm đặc nước mắt từ các làng nghề truyền thống mới đủ để họ thỏa mãn. Nhưng khi nước mắm truyền thống không còn là nước chấm đơn thuần mà trở thành “hương vị quê hương” thì có lẽ dã tâm ấy không thể biến nước chấm thành nước mắm toàn muối và “nước mắt” cùng vô số hóa chất...
Nguồn tin: (Theo Reatimes.vn)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn