Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời hiện tượng trên, vừa gây lãng phí lớn cho xã hội, vừa cản trở việc xây dựng dự án trọng điểm quốc gia này...
Dân tự giám sát lẫn nhau, không để phát sinh công trình
Ngày 11/3, PV Báo Giao thông có mặt trên đường tim tuyến Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (giai đoạn 2017 - 2020), đoạn qua các xã Đức Vĩnh, Yên Hồ (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).
Theo ghi nhận của PV, tim tuyến Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phần lớn đi qua khu vực đất sản xuất, chỉ một số ít ảnh hưởng đến đất ở của người dân. Hiện, các công nhân thuộc Trung tâm Số liệu cơ bản, TCT Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đang triển khai máy móc, thiết bị khoan khảo sát địa chất.
Tháng 12/2018, từ đề nghị của các địa phương, Bộ GTVT đã bàn giao cọc tim tuyến của thiết kế cơ sở cho các địa phương để thực hiện công tác kiểm đếm tài sản, công trình trong phạm vi đất quy hoạch xây dựng đường cao tốc. Một số hộ dân đã dựa vào mốc đó, tự ý trồng thêm cây, xây dựng nhà giả, công trình trái phép trên đất đã được quy hoạch nhằm mục đích được thêm tiền đền bù từ dự án. Ngay sau khi phát sinh hiện tượng này, Ban đã giao cho các phòng chuyên môn trực tiếp về địa phương kiểm tra, phối hợp với địa phương có biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa.
Ông Phạm Hồng Sơn,
Giám đốc Ban QLDA 2
Chị Ngân (38 tuổi, thôn Vĩnh Hòa, xã Đức Vĩnh) cho biết: Phần đất ở của gia đình không nằm trong khu vực ảnh hưởng của dự án nhưng từ đầu năm 2018, các cán bộ trong thôn đã đến tuyên truyền, nhắc nhở các hộ gia đình khu vực bị ảnh hưởng và vùng lân cận không được xây dựng mới, cải tạo lại nhà cửa, hàng rào… để hưởng chính sách đền bù. “Ngoài cán bộ thôn xóm tuyên truyền, chúng tôi cũng họp và quán triệt không hộ nào được xây dựng thêm để hưởng đền bù làm ảnh hưởng đến hình ảnh của địa phương cũng như tiến độ dự án cao tốc”, chị Ngân cười nói.
Một công nhân khoan khảo sát địa chất của TEDI cho biết: “Qua báo chí, chúng tôi biết ở Thanh Hóa có hiện tượng người dân xây dựng nhà cấp tốc để chờ đền bù dự án cao tốc. Riêng ở xã Đức Vĩnh, chúng tôi về thi công ở đây đã 5 ngày nhưng chưa thấy có hiện tượng phát sinh gì, người dân cũng rất tạo điều kiện để đơn vị thi công”.
Ông Nguyễn Quang Việt, Chủ tịch UBND xã Đức Vĩnh cho biết: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua địa phận 3 thôn: Vĩnh Đại, Vĩnh Hòa, Vĩnh Phúc của xã, với tổng chiều dài khoảng 2km. Từ đầu năm 2018, từ văn bản chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã đã ra văn bản gửi các thôn xóm và phát trên loa truyền thanh quán triệt người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc - Nam không được xây dựng, cơi nới nhà cửa, vật kiến trúc mới để chờ hưởng đền bù. Ngoài ra, UBND xã cũng in và công bố rộng rãi Quyết định số 01/2019 tỉnh Hà Tĩnh ban hành bộ “đơn giá bồi thường các loại nhà cửa, vật kiến trúc, mồ mả, tàu thuyền, máy móc thiết bị, nông cụ, ngư cụ, cây cối, hoa màu và nuôi trồng thủy sản” khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh” để người dân nắm rõ.
Cũng theo ông Việt, ngày 8/3, các công nhân về triển khai khoan khảo sát địa chất, UBND xã cũng đã mời 60 hộ dân bị ảnh hưởng lên dự họp. Sau quá trình bàn thảo, các hộ dân cũng đồng lòng nhất trí với phương án đền bù vùng bị ảnh hưởng trong quá trình khoan. “Đến thời điểm này trên địa bàn xã chưa nảy sinh các vấn đề xây dựng thêm, cơi nới nhà cửa, vật kiến trúc… để chờ hưởng đền bù GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam”, ông Việt khẳng định.
Trong khi đó, ông Trần Hải, Chủ tịch UBND xã Yên Hồ cho hay, hiện ở địa phương chưa nảy sinh vấn đề gì trên khu vực dự kiến cao tốc đi qua.
Ông Đặng Giang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng GPMB huyện cho biết: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (giai đoạn 2017 - 2020) đi qua 3 xã: Đức Vĩnh, Yên Hồ, Đức Thịnh với tổng chiều dài gần 5km. Theo thống kê, sẽ có khoảng 103 hộ có đất ở và hơn 300 ngôi mộ của người dân 2 xã Đức Vĩnh và Yên Hồ bị ảnh hưởng.
Theo ông Trung, ngay từ khi có chủ trương, huyện đã quyết định thành lập Hội đồng GPMB và tổ chức nhiều cuộc họp với các xã mà dự án đi qua để quán triệt tinh thần. Lúc tiếp nhận tim tuyến, huyện tiếp tục có văn bản gửi các địa phương yêu cầu người dân không được xây dựng mới, cải tạo nhà cửa, vật kiến trúc trong khu vực phạm vi ảnh hưởng để chờ hưởng đền bù. “Ngoài công tác chỉ đạo, huyện đã yêu cầu các cấp ủy địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; không vi phạm các quy định của pháp luật cho nên đến nay trên địa bàn chưa nảy sinh các vấn đề gì về công tác GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam”, ông Trung nói.
Theo ông Nguyễn Đức An, Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An, thành viên Hội đồng GPMB tỉnh Nghệ An cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Nghệ An chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào tự ý xây dựng công trình trên đất quy hoạch đường cao tốc để chờ đền bù. Khả năng xảy ra việc này cũng rất ít, bởi ngay từ khi thành lập Hội đồng GPMB các cấp, UBND tỉnh đã quán triệt, giao nhiệm vụ cho các huyện, xã thực hiện theo dõi quản lý, giám sát chặt các công trình trên đất quy hoạch xây dựng đường cao tốc.
Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác GPMB
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Quang Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT) cho biết, tình trạng người dân xây dựng “cấp tốc” các công trình tạm bợ để chờ đền bù GPMB dự án giao thông là hiện tượng không mới. Thực tế này đã từng xảy ra từ hàng chục năm trước đây tại một số dự án chưa được bàn giao cọc GPMB.
“Theo kế hoạch Bộ GTVT, công tác lập hồ sơ thiết kế phải thực hiện nhanh chóng để trước 30/4, các Ban QLDA tiến hành bàn giao cọc GPMB, mốc lộ giới cho hội đồng GPMB các địa phương. Tuy nhiên, do thời gian qua phát sinh tình trạng người dân trồng cây, xây dựng công trình trái phép chờ đền bù từ dự án nên Bộ yêu cầu phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ lập hồ sơ và bàn giao mốc GPMB cho các địa phương. Dự kiến đến ngày 31/3, Ban sẽ tiến hành bàn giao mốc giải phóng mặt bằng đợt 1 cho các Hội đồng GPMB địa phương.
Việc kiểm kê tài sản, xác định nguồn gốc đất trải qua rất nhiều bước, có rà soát kiểm tra của rất nhiều cơ quan khác nhau, nên chắc chắn sẽ không có cơ hội cho những cá nhân, tổ chức có ý định trục lợi từ tiền đền bù GPMB của dự án. Thêm vào đó, đây là dự án lớn, trước khi triển khai công tác GPMB, Chính phủ cũng đã có buổi họp riêng và có chỉ đạo rất rõ với các địa phương về vấn đề này.
Ông Triệu Khắc Dũng,
Phó giám đốc Ban QLDA 6,
phụ trách đoạn tuyến
Nghi Sơn - Bãi Vọt
Tình trạng này đến nay vẫn tiếp diễn do chính quyền địa phương chỉ xử lý được những trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất ruộng, đất nông nghiệp, còn lại với các công trình xây dựng riêng lẻ trên phần đất ở, đất vườn, theo quy định hiện hành, ở khu vực nông thôn người dân không phải xin cấp phép xây dựng.
“Việc quản lý đất đai và các công trình xây dựng trên đất thuộc trách nhiệm của chính quyền của địa phương”, ông Hiển nói và cho biết, đối với công tác GPMB các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo quyết liệt các ban QLDA, tư vấn đẩy nhanh công tác cắm cọc, bàn giao cọc GPMB cho các địa phương.
“Dự án nào đã được bàn giao cọc GPMB, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giữ nguyên trạng để kiểm đếm. Những trường hợp người dân xây dựng trái phép trên phần đất mặt bằng của dự án đã được bàn giao, chính quyền địa phương phải tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Hiển chia sẻ.
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, hiện Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị về việc thực hiện công tác GPMB dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo chủ đầu tư dự án thành phần GPMB và các ban, ngành của địa phương khẩn trương triển khai ngay các thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp phục vụ công tác GPMB, tái định cư; phối hợp với chủ đầu tư dự án trong việc xác định và cắm mốc giới phạm vi GPMB để tiếp nhận, quản lý và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo của công tác GPMB; Quản lý chặt chẽ phạm vi GPMB, không để xây dựng trái phép các công trình kiến trúc, mồ mả, trồng cây,… trong phạm vi GPMB; chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư dự án trong việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ thi công, áp dụng các biện pháp hành chính theo quy định…
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, trước đó tại hội nghị ngày 21/2 triển khai công tác GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành và 13 tỉnh, thành nơi dự án đi qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã quán triệt mạnh mẽ trách nhiệm của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trong công tác GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nơi dự án đi qua phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo chủ đầu tư dự án thành phần GPMB và các ban, ngành của địa phương quản lý chặt chẽ phạm vi giải phóng mặt bằng, không để xây dựng trái phép các công trình trong phạm vi GPMB.
Công khai dự án, ghi hình hiện trạng
Tại Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện một số đoạn thuộc dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã và đang tiếp tục bàn giao cọc GPMB, chưa phát hiện trường hợp người dân xây dựng công trình, nhà cửa trong phạm vi đất của dự án để chờ đền bù GPMB.
Đến nay, các bên đã bàn giao tim tuyến, hướng tuyến ngoài thực địa theo đúng hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi đã lập cho địa phương quản lý. Đồng thời, chủ đầu tư cũng đã bàn giao cọc GPMB đoạn qua huyện Cam Lộ (Quảng Trị), Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) và hiện đang tiếp tục bàn giao cọc GPMB cho các địa phương còn lại.
Để ngăn chặn tình trạng người dân xây dựng công trình, mồ mả… trong phạm vi của dự án, các địa phương chủ động, phối hợp cùng với Sở GTVT và chủ đầu tư quay phim, chụp ảnh ghi lại hiện trạng và lập biên bản hiện trạng… Ngày 8/3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính đã đi kiểm tra tình hình GPMB dự án Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh, yêu cầu Sở GTVT và chính quyền các địa phương tuyên truyền vận động nhân dân trong phạm vi ảnh hưởng giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng các công trình, mồ mả, trồng cây trong phạm vi của dự án.
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện công tác GPMB ký kết hợp đồng với Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh; phối hợp với Sở GTVT và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh để công khai dự án. Đồng thời, xem xét bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng và xây dựng giá đất cụ thể để làm cơ sở cho việc kiểm kê đền bù GPMB…
Tại Ninh Bình, dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn TP Ninh Bình, huyện Yên Khánh, huyện Hoa Lư và huyện Yên Mô. Hiện tại đã phê duyệt hồ sơ cắm cọc GPMB, tổ chức công khai dự án trên toàn tỉnh và bàn giao xong cho các huyện, thành phố. Ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Sở GTVT cho biết, trước tính cấp bách của dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và các sở, ngành tập trung thực hiện công tác GPMB để cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trong năm 2019.
Để dự án đúng tiến độ, ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức họp công khai dự án tại địa phương có dự án đi qua để triển khai thông tin đến từng người dân, cung cấp đầy đủ hồ sơ thông tin của dự án, hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB. Sau khi tổ chức cắm cọc GPMB sẽ bàn giao cho địa phương sớm. Ngoài ra, kịp thời giải đáp cho người dân về chế độ chính sách, đường gom, hầm chui, cầu vượt ngang thuộc dự án để nhân dân hiểu rõ về dự án và những ảnh hưởng nhằm tạo sự đồng thuận của người dân...
Bên cạnh đó, Sở GTVT Ninh Bình giao cho các đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi hiện trường, tổ chức đối thoại, vận động những hộ dân chưa đồng thuận. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các hội đồng GPMB để đôn đốc tiến độ, kịp thời giải quyết các vướng mắc; bố trí kịp thời và đủ nguồn vốn để đẩy nhanh công tác GPMB.
Duy Lợi - Phúc Tuấn - Văn Thanh
Sau phản ánh của Báo Giao thông:
Thanh Hóa yêu cầu xử nghiêm nhà xây siêu nhanh “chờ” đền bù
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Công văn số 2668 yêu cầu Sở GTVT và một số huyện kiểm tra, xử lý tình trạng xây dựng trái phép và tăng cường quản lý phần mặt bằng trong phạm vi dự kiến xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam sau phản ánh của Báo Giao thông trong bài: “Thanh Hóa: Xây nhà siêu nhanh chờ đền bù làm cao tốc Bắc - Nam”.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND huyện Tĩnh Gia khẩn trương kiểm tra nội dung phản ánh của Báo Giao thông và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 18/3/2019.
Tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu UBND các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Nông Cống, Triệu Sơn, Tĩnh Gia quản lý chặt chẽ phần mặt bằng dự kiến sẽ thu hồi trong phạm vi từ tim tuyến ra mỗi bên 40m và yêu cầu Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, GPMB huyện quay video, chụp ảnh hiện trạng công trình đối với từng hộ dân bị ảnh hưởng; không chấp thuận chủ trương, cấp phép xây dựng mới đối với các công trình, dự án nằm trong phạm vi nêu trên; chỉ đạo UBND các xã có tuyến đường đi qua, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến đường và chế độ chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác GPMB để người dân không tự ý xây dựng các công trình trên phạm vi dự kiến xây dựng của tuyến đường; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn các hộ dân cố tình xây dựng trái phép và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Công văn của UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Sở GTVT khẩn trương phối hợp, đôn đốc các Ban QLDA của Bộ GTVT, sớm cung cấp hồ sơ và bàn giao cọc mốc GPMB ngoài thực địa để cho các địa phương quản lý và thực hiện công tác bồi thường, GPMB dự án.
Liên quan đến 18 hộ dân tại xã Phú Lâm (huyện Tĩnh Gia) xây, cơi nới công trình trên đất ở và đất nông nghiệp “chờ” đền bù mà Báo Giao thông phản ánh, ông Lê Đức Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm cho biết, cả 18 hộ đều nằm trong danh sách khảo sát sẽ phải di dời khi dự án đường cao tốc được tiến hành. Hiện tại xã, huyện đã lập biên bản và buộc tháo dỡ công trình. Xã đang phải cắt cử lực lượng theo dõi 24/24h để tránh tình trạng người dân tiếp tục tái phạm.
Văn Thanh
Nguồn tin: GTVT
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn