Khi chúng tôi đến nhà thì anh Lim Văn Q. đã vào Quảng Trị làm việc. Chị Mạc Thị H. (SN 1984, Châu Hạnh, Quỳ Châu, Nghệ An) cười: “3 tháng nữa là tôi sinh. Nhà cũng không có công việc gì cho thu nhập, anh ấy vào đó làm việc với người họ hàng, tích lũy tiền cho tôi sinh và nuôi con. Bé không được bú mẹ nên tiền sữa cũng nhiều, không lo giờ thì sinh xong không xoay kịp”.
Một góc bản Đình Tiến - 1 trong 4 bản của vùng Kẻ Nính xưa.
Chị H. nói về những khó khăn, vất vả trong thời gian tới bằng đôi mắt lấp lánh niềm vui. Đứa bé sắp chào đời là con thứ 3 của chị và là đứa con thứ 2 với người chồng mới – đứa con mạnh khỏe của những người “có H”.
Rơi xuống vực thẳm
Nhìn người phụ nữ với nét mặt rạng rỡ và tràn đầy tin yêu cuộc sống ấy, khó ai có thể ngờ được, chị đã từng rơi xuống hố sâu tuyệt vọng khi bản án HIV được tuyên xuống đầu, khi đó, con gái đầu mới tròn 3 tuổi.
Chị và chồng vốn là bạn học với nhau nhưng hôn nhân của họ không xuất phát từ tình yêu mà từ tục bắt vợ của đồng bào Thái. Lúc đó, chị 21 tuổi, vừa tốt nghiệp lớp sơ cấp dược. Không yêu chồng nhưng chị không đủ dũng cảm để vượt qua luật tục hôn nhân này.
Trạm trưởng trạm y tế xã Châu Hạnh cho biết: "Đến thời điểm đầu tháng 10/2018, riêng 4 bản vùng Kẻ Nính có 80 người đang uống thuốc điều trị ARV, 25 người đã tử vong vì AIDS. Trong thời gian qua, CLB Hi Vọng và bản thân chị Mạc Thị H - chủ nhiệm CLB đã góp vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền vận động phòng chống lây nhiễm HIV, tổ chức sàng lọc và hỗ trợ những người nhiễm HIV trong cộng đồng".
“Lấy nhau rồi cũng thấy hạnh phúc, chồng chị là người tốt, biết chăm lo cho vợ con. Cuộc sống cứ bình lặng trôi đi, rồi sinh con đẻ cái. Anh ấy đi vác gỗ thuê cho người ta, hai vợ chồng tằn tiện cũng đủ ăn”, chị H. kể.
Nhưng hạnh phúc quá đỗi ngắn ngủi với người phụ nữ này. Năm 2010, chồng chị ốm liên miên - hệ quả của việc nghiện ma túy lâu năm, sức khỏe suy kiệt nhanh chóng. Đến khi không thể gắng gượng được nữa mới đến bệnh viện. Bác sĩ kéo chị ra, thông báo chồng chị nhiễm HIV, đã chuyển qua giai đoạn AIDS. Vị bác sĩ ái ngại khuyên chị và cô con gái đi xét nghiệm.
Chị Mạc Thị H. - chủ nhiệm CLB Hi vọng kể về những biến cố cuộc đời mình.
Có kiến thức về y dược, chị hiểu HIV là gì. Cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay, dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng chị H. không khỏi sốc khi cả hai mẹ con đều dương tính với HIV!
“Cuộc đời mình cũng đành rồi, nhưng còn con, nó mới 3 tuổi, còn quá bé để biết điều khủng khiếp nhất đã đến với mình. Chồng chị gắng gượng được một thời gian ngắn thì mất. Chị khóc cạn nước mắt thương mình, thương con. Nếu mình buông xuôi thì con bé biết bấu víu vào ai để sống. Nhưng chính nó mới là người kéo chị lên khỏi vực thẳm, cho chị niềm tin để sống tiếp dù từ ngày chồng qua đời, cuộc sống của hai mẹ con khó khăn hơn gấp bội”, chị H. tâm sự.
Không gục ngã
Gần 10 năm trước, người dân ở đây chưa thực sự hiểu nhiều về căn bệnh thế kỷ này, bởi vậy, sự kỳ thị vẫn khá nặng nề. Trong khi đó, chị Mạc Thị H. mang tâm lý tự ti của người mang bệnh cũng không dám tiếp xúc hay trò chuyện với ai. Hai mẹ con chỉ quanh quẩn trong căn nhà nhỏ của mình, sống một cách tằn tiện nhất có thể.
Ông Hoàng Văn Thám - công an viên bản Đình Tiến thông tin với các phóng viên về số lượng người nghiện ma túy, nhiễm HIV của bản.
Ông Hoàng Văn Thám (SN 1961, công an viên bản Đình Tiến) kể: “Vào quãng năm 2010, người dân vùng Kẻ Nính (gồm 4 bản Kẻ Nính, Đình Tiến, Pà Cọ, Tà Cồ), đàn ông trai tráng bỗng thi nhau ốm rồi lần lượt được kết luận bị nhiễm HIV. Có ngày 2-3 người chết vì AIDS. Tất cả họ đều nghiện ma túy, dùng chung kim tiêm với nhau”.
Cơn lốc HIV tràn về bản khiến nhiều người hoang mang. Sự hoang mang, lo sợ khiến một số người không dám đi xét nghiệm dù sức khỏe giảm sút rõ rệt. Với “kinh nghiệm” của một người có “ết” và kiến thức y học sẵn có, chị H. tới từng nhà động viên những người có nguy cơ nhiễm "H" đi xét nghiệm. Thậm chí người phụ nữ này còn tình nguyện chở người ốm đi khám.
Hàng loạt người dân vùng Kẻ Nính được phát hiện nhiễm HIV rồi qua đời, ngành y tế huyện Quỳ Châu đặc biệt quan tâm. Một mặt tổ chức vận động, tuyên truyền người dân đi xét nghiệm, thực hiện các biện pháp phòng chống lây lan, họ cũng vận động chị H. thành lập một nhóm tư vấn để trang bị những kiến thức cơ bản cho người nhiễm. Năm 2016, CLB Hi Vọng ra đời. Sở dĩ chọn cái tên này bởi chị biết, khi người ta rơi vào hố sâu tuyệt vọng, hoang mang vùng vẫy giữa ranh giới sự sống và cái chết thì hơn bao giờ hết, họ cần một chỗ để bấu víu, một điều gì đó để tin tưởng, hi vọng mà tiếp tục sống.
Vượt qua biến cố cuộc đời, chị H. tìm được hạnh phúc trong cuộc sống khi đồng hành, giúp đỡ người cùng cảnh ngộ và tìm thấy hạnh phúc của cuộc đời.
Không một đồng phụ cấp, chị cần mẫn làm công việc của một tư vấn viên bằng trách nhiệm với dân bản, với cộng đồng và với những người cùng cảnh ngộ. Có người hợp tác với chị nhưng cũng có người né tránh, không chịu tiếp xúc, không chịu đi kiểm tra hoặc bi quan chán nản khi con “ma ết” lơ lửng trên đầu. Chị đến với họ, lắng nghe họ, chia sẻ với họ, để họ biết rằng mình không hề đơn độc trong những ngày tháng u tối nhất của cuộc đời.
Cũng chính những hoạt động này, chị tìm được hạnh phúc thứ 2 của mình. “Anh Q. vốn là bạn của chồng cũ của tôi. Anh ấy nghiện ma túy, li hôn vợ nên suy sụp dẫn đến sức khỏe suy kiệt, tưởng chừng như sắp chết đến nơi. Tôi không nỡ bỏ mặc mà quyết định đưa anh ấy đi viện chạy chữa. Cùng cảnh ngộ dễ thông cảm với nhau nên đến với nhau lúc nào không hay. Nhờ có kiến thức về HIV nên dù hai vợ chồng đều nhiễm nhưng may mắn hai con đều khỏe mạnh”, đôi mắt chị H. như lấp lánh khi nói về cuộc sống mới của mình.
Tác giả bài viết: Hoàng Lam
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn