Huyện miền núi Sơn Tây là thủ phủ cau của tỉnh Quảng Ngãi. Đây là địa phương được mệnh danh "xứ ngàn cau" bởi diện tích trồng cau lên đến 500 ha.
Cau được người dân trồng trên đồi núi, nhiều diện tích cau khá lớn nằm cách xa các khu dân cư. Vì vậy, khi cau tăng giá đã dẫn đến tình trạng hái trộm khiến chủ vườn thiệt hại nặng.
Nhiều năm trước, người dân huyện Sơn Tây dùng "bùa" để bảo vệ cau. Tuy nhiên, giá cau tăng đột biến lên đến 20.000 - 30.000 đồng/kg khiến "bùa" mất tác dụng đối với kẻ trộm. Vì vậy, người dân đã dùng nhiều biện pháp "mạnh tay" hơn như gắn lưỡi lam, cột chông vào thân cau.
Để hái cau phải dùng một vòng dây tròng vào 2 bàn chân nhằm tăng ma sát với thân cây. Sau đó phối hợp giữa chân và lực của bàn tay để leo lên ngọn hái cau. Khi hái xong thì ôm thân cây tuột xuống, nếu vướng lưỡi lam sẽ khiến tay chân bị thương tích nặng. Theo ông Hà Phải - Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa, tình trạng gắn chông, lưỡi lam vào thân cau để chống trộm vẫn còn xảy ra nhưng đã giảm so với trước.
"Những năm trước các đối tượng trộm cau bị lưỡi lam gây thương tích nên bị phát hiện đưa về xã điều trị sau đó kiểm điểm trước dân. Đối với người trồng cau thì chúng tôi đã vận động không gắn lưỡi lam vào thân cau vì có thể gây nguy hiểm cho người khác. Nhờ đó từ đầu năm đến nay chưa phát hiện trường hợp nào bị thương tích do trộm cau. Đối với những thân cau có gắn lưỡi lam có thể là do chủ vườn muốn bảo vệ những buồng cau đẹp để làm giống", ông Đinh Văn Nguyên - PCT UBND xã Sơn Liên cho biết.
Cột chông quanh thân cau.
Tác giả bài viết: Quốc Triều
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn