Cứ một trận mưa lớn là đập tràn nối liền thôn Cồn Soi với trung tâm xã Trung Lộc ngập trong nước lũ, giao thông chia cắt, đợt mưa mới đây (đầu tháng 10/2022) là một ví dụ. Sau trận mưa, các vùng khác trong xã vẫn an toàn duy chỉ có thôn Cồn Soi bị chia cắt cục bộ. Đây là con đường độc đạo dẫn về thôn Cồn Soi nhưng đồng thời là tuyến đường liên thông của hầu hết các thôn trong xã.
Nhìn đập tràn bị nhấn chìm trong nước lũ, anh Phan Nhật (thôn Cồn Soi) có nhà ở gần đập tràn nói: Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa lũ là thôn Cồn Soi bị cô lập, trong khi các vùng khác đi lại bình thường. Cuộc sống của người dân trong thôn hoàn toàn đảo lộn khi mưa xuống. Người dân trong thôn mong ước có chiếc cầu dân sinh bắc qua đập tràn đã bao đời nay rồi…
Theo anh Nhật, tình trạng bị chia cắt này ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt kinh tế - xã hội, không chỉ đối với dân Cồn Soi mà cả toàn xã. Thôn Cồn Soi chủ yếu làm nông nghiệp, mưa lũ đường bị chia cắt nên các sản phẩm nông nghiệp của nhân dân bị ùn ứ, hư hỏng. Nhiều lúc lũ lớn, học sinh phải nghỉ học. “Con em trong thôn đi công tác ở các địa phương khác rất nhiều, có khi phải xin nghỉ làm vì thôn bị cô lập” - anh Nhật phản ánh.
Ngoài ra, người dân ở các thôn Minh Hương, Minh Tân, Trung Long… có đất làm màu ở khu vực này nên thường xuyên qua lại để sản xuất nhưng nước lũ làm đình trệ các hoạt động sản xuất, buôn bán nông sản của nông dân. Đây cũng là con đường dẫn về nghĩa trang Bài Sơn (nghĩa trang chung của toàn xã Trung Lộc), lượng phương tiện qua lại ở đây vì thế khá đông.
Mùa mưa đã khổ, mùa nắng cũng không kém. Bí thư chi bộ thôn Cồn Soi Phan Cao Sơn cho hay, đập tràn có chiều dài khoảng 50m, được ghép bằng đá và xi măng nhưng do lâu ngày, nước lũ cuốn trôi hết xi măng gây xói lở, bề mặt đập hư hỏng, chi chít ổ voi, ổ gà, khiến việc lưu thông của người dân gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. “Trước đây, đập tràn từng xảy ra một số vụ tai nạn đáng tiếc nhưng lâu nay, người dân quen với địa hình và đề phòng cẩn thận hơn nên tai nạn cũng hạn chế. Khi nào phụ huynh đưa con em đi học, gặp nước lũ thì cõng trên lưng hoặc cùng lắm cho nghỉ học chứ không dám mạo hiểm để con một mình đi qua nữa” - ông Sơn nói.
Bí bách, người dân thôn Cồn Soi phải đi đường vòng phía trên cách hàng chục kilomet, vòng qua nghĩa địa, đến địa bàn thị trấn Đồng Lộc, theo Quốc lộ 15B, Tỉnh lộ 7 để về trung tâm xã Trung Lộc.
Mùa mưa lũ đến, con đường độc đạo ngập trong nước lũ, thôn Cồn Soi thường xuyên bị cô lập.
Tuy nhiên, con đường này cũng hay bị ngập do địa hình thấp trũng.
Bí thư chi bộ thôn Cồn Soi cho hay, hàng chục năm nay, các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân trong thôn đều kiến nghị, đề xuất làm cầu dân sinh những mong cuộc sống được ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù thấu hiểu sự vất vả của người dân nhưng nguồn lực của xã hạn chế nên bao đời nay, người dân cũng chỉ dừng lại ở việc kiến nghị.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đại - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lộc cho biết, làm cầu dân sinh bắc qua đập tràn nối về thôn Cồn Soi là vấn đề bức thiết của hàng trăm hộ dân trong toàn xã. Thời gian qua, xã nhận được nhiều kiến nghị, đề xuất của người dân, cử tri, tuy nhiên ngân sách của xã không thể đáp ứng. Giờ chỉ mong có nhà đầu tư hỗ trợ, giúp dân.
Trung Lộc là xã thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của người dân, năm 2017 xã đã về đích nông thôn mới. Hiện nay, địa phương đang phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Để đáp đích nông thôn mới nâng cao, xã Trung Lộc cần nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng vì thế địa phương tăng cường kêu gọi xã hội hóa, đặc biệt rất cần sự hỗ trợ của các nhà đầu tư.
HẠNH NGUYÊN
Theo daidoanket.vn
Link gốc: http://daidoanket.vn/nguoi-dan-trung-loc-mong-moi-mot-cay-cau-5698651.html?fbclid=IwAR1hGam3fjYyQnfnsfwzXjO6v_r9LLpltjodEbwqWss3ipTCmwu31tn-i2g