Cán bộ Đồn Biên phòng Lý Hòa và các lực lượng chức năng tại địa phương thu giữ, tiêu hủy các vật dụng phục vụ cho hành vi tận diệt “chim trời”. Ảnh: Văn Hải.
Những ngày đầu tháng 9/2022, phần lớn những cánh đồng lúa ven biển trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã được người dân thu hoạch xong. Cũng thời điểm này, nhiều đợt mưa kéo dài, nước trên sông suối, cánh đồng dâng cao, tạo nguồn thủy sinh phong phú. Những yếu tố đó đã thu hút nhiều loài chim di cư về những cánh đồng ở khu vực Bắc miền Trung để trú ngụ, phổ biến nhất là cò trắng, chim vạc, chim cói… Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn nhân dân tại các địa phương có chim di cư về trú ngụ đều cảm thấy thích thú trước hiện tượng thiên nhiên diễn ra, họ cùng chung tay bảo vệ môi trường, tạo điều kiện cho các loài chim sống, sinh sản.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân vì nguồn lợi trước mắt, lén lút săn bắt “chim trời” làm thức ăn và bán ra thị trường để kiếm lời. Thậm chí, ở một số khu dân cư còn xem việc săn bắt “chim trời” là “nghề” mưu sinh trong mùa mưa, lũ. Để bắt được chim di cư, người dân sử dụng rất nhiều hình thức khác nhau như dùng chim sống làm chim mồi, hoặc dùng hình nộm như những chú chim thật giăng khắp cánh đồng, kết hợp phát ra âm thanh của các loại chim được ghi lại từ thực tiễn để “bẫy” chim thật. Ngoài ra, người dân còn dùng lưới bắt cá mắt thưa để giăng khắp các cánh đồng, nhiều loại chim bay qua sẽ vướng vào lưới không thoát ra được.
Trước thực tế đó, chính quyền địa phương các tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, yêu cầu các lực lượng chức năng như Kiểm lâm, Công an, BĐBP phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng đánh bắt, tiêu thụ “chim trời”. Thực hiện sự chỉ đạo trên, các lực lượng chức năng trên tuyến biên giới biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã đồng loạt ra quân triển khai các biện pháp ngăn chặn nhằm chấm dứt tình trạng săn bắt chim di cư. Trong đó, các lực lượng liên quan tập trung tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ việc săn bắt chim trong tự nhiên là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Từ đó, vận động người dân ký cam kết không tham gia săn bắt các loài chim trong tự nhiên.
Đợt ra quân đầu tiên vào ngày 10/9, đã thu được hàng trăm mét lưới, phương tiện bẫy chim khác nhau bắt chim trong tự nhiên, đồng thời, tổ chức phá dỡ các loại bẫy săn, bắt chim. Tương tự, tại các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh luôn là địa điểm lý tưởng cho hàng ngàn cá thể “chim trời” về tránh trú. Tuy nhiên, một số bộ phận người dân trên địa bàn đã tìm mọi cách săn bắt chim để làm thực phẩm, bán vào các nhà hàng, quán nhậu đã làm cho loài chim di cư về đây đang ngày một ít dần.
Hiện nay, các đơn vị đã ra quân kiểm tra, truy quét tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt chim trái phép. Tại huyện Nghi Xuân, từ cuối tháng 8 đến nay, đoàn liên ngành cũng đã phá bỏ 10 lùm trú, tiêu hủy 200 chim mồi giả, 5.000 cây bẫy dính dùng để bắt “chim trời”. Trên địa bàn huyện Lộc Hà, số liệu của Hạt Kiểm lâm cho thấy, chỉ sau 2 tuần ra quân, các lực lượng chức năng đã phát hiện, tiêu hủy 170 cò xốp, 1.330 cây bẫy dính, thả 26 con chim mồi, phá 10 lùm đơm. Còn trên địa bàn huyện Kỳ Anh, từ đầu tháng 9/2022 đến nay, các lực lượng Kiểm lâm, Công an và Đồn Biên phòng Kỳ Khang, BĐBP Hà Tĩnh đã kiểm tra, rà soát, tịch thu, tháo dỡ, tiêu hủy và xử lý hàng trăm chiếc bẫy là những giàn bằng tre, gỗ tạm bợ được dựng lên để làm nơi trú ẩn phục vụ cho việc đánh bắt chim tự nhiên.
Cùng với việc ngăn chặn từ nguồn cung, Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm các nhà hàng, quán nhậu có tàng trữ, kinh doanh “chim trời”. Mới đây nhất, ngày 6/9, Công an thành phố Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt quả tang một nhà hàng đang có hành vi tàng trữ, sơ chế 5kg chim hoang dã. Quá trình kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số chim cói trên. Đoàn đã tiến hành lập biên bản, đề nghị chính quyền địa phương tạm giữ tang vật để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, một số cánh đồng ở 2 huyện Bố Trạch và Quảng Trạch cũng là điểm nóng về nạn bẫy, bắt “chim trời”. Các đồn Biên phòng của BĐBP Quảng Bình cũng đang phối hợp với các lực lượng để tuyên truyền, vận động người dân không tham gia săn bắt chim di cư, đồng thời, tổ chức tháo dỡ các loại dụng cụ bẫy chim trên các cánh đồng.
Chỉ trong ngày 8/9, Đồn Biên phòng Lý Hòa và các cơ quan chức năng đã thu giữ 400 con cò giả, 3.000 bẫy dính bắt chim trên cánh đồng xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch để mang đi tiêu hủy. Thế nhưng, quá trình thực hiện nhiệm vụ, các lực lượng chức năng nhận thấy đang gặp phải một số khó khăn. Cụ thể, các đối tượng săn bắt cho rằng, một số loài “chim trời” không thuộc danh mục quý hiếm bị cấm nên khi phát hiện thì biện pháp các lực lượng chức năng áp dụng chủ yếu vẫn là nhắc nhở.
Cùng với đó, thói quen sử dụng “chim trời” làm thực phẩm của một số bộ phận người dân cũng khiến cho công tác ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp nhiều thách thức. Bảo vệ “chim trời” muốn đạt được kết quả tốt thì cần sự vào cuộc của cả cộng đồng bằng các hành vi cụ thể như lên án việc đánh bắt, không sử dụng các loài chim tự nhiên để làm thức ăn.
Link gốc: https://www.bienphong.com.vn/chu-dong-ngan-chan-hanh-vi-tan-diet-chim-troi-post454562.html