Nghệ An: Phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân: Những khoảng trống chưa lấp đầy

Thứ năm - 25/10/2018 19:59
Sau 4 năm thực hiện Đề án 5155, số lượng tổ chức Đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Nghệ An tăng dần theo từng năm. Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp cụ thể của các cấp ủy Đảng đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về Đảng của các chủ doanh nghiệp và công nhân lao động – một lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đề án số 5155-ĐA/TU “Phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân – Doanh nghiệp có vốn nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014-2020 (gọi tắt là Đề án 5155) được Ban Thường vụ Đảng ủy Nghệ An ban hành ngày 8/2/2014. Đề án được thực hiện trên quan điểm phải xuất phát từ lợi ích của người lao động, vận dụng linh hoạt theo hai hướng: đi từ phong trào quần chúng là chính và chủ doanh nghiệp, để thành lập các tổ chức chính trị - xã hội; thành lập tổ chức Đảng đúng bản chất giai cấp công nhân và người lao động, phù hợp với tình hình hiện nay, không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Phát huy vai trò tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân

Tháng 1/2018, Chi bộ Công ty CP DVTM vận tải Lạc Hồng (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) được thành lập với 3 đảng viên. Đây là Chi bộ Đảng của doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của huyện Đô Lương và là 1 trong số 30 tổ chức cơ sở Đảng mới được thành lập thuộc Đề án số 5155-ĐA/TU mà tỉnh Nghệ An đang triển khai.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất tôn và sắt thép Định Nhàn. Chi bộ Công ty là 1 trong 30 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Đề án 5155 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất tôn và sắt thép Định Nhàn. Chi bộ Công ty là 1 trong 30 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Đề án 5155 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An.

Ông Nguyễn Công Nhã – Chủ tịch HĐND Công ty cho biết: “Là chủ doanh nghiệp, tôi nghĩ nếu hình thành lập được tổ chức Đảng thì có nhiều cơ hội phát triển, tránh việc phát triển “chệch hướng”. Đó là phần hồn, phần văn hóa, đạo đức kinh doanh, nền tảng đạo đức của cán bộ, nhân viên. Trong công ty có những Đảng viên tốt thì chắc chắc đó là những nhân viên tốt, biết giữ mình, biết phấn đấu, có tính kỉ luật cao”.

Trong khi đó, sau 4 năm thực hiện Đề án 5155, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đã thành lập được 5 tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp; tiếp nhận và nâng cấp 2 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Đảng bộ Khối; kết nạp được 410 đảng viên mới.

Bà Phan Thị Hoan – Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết: “Về cơ bản chúng tôi đã hoàn thành chỉ tiêu mỗi năm phát triển từ 1-2 tổ chức cơ sở Đảng như Đề án đề ra nhưng chưa thực sự đạt được như kỳ vọng. Trong số 410 đảng viên mới được kết nạp tại các doanh nghiệp tư nhân thì chỉ có duy nhất 1 chủ doanh nghiệp.

Bà Phan Thị Hoan - Phó Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đánh giá tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân đã phát huy được vai trò, trên cơ sở đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hài hòa quyền lợi của người lao động và ông chủ. (ảnh K. Hồng)
Bà Phan Thị Hoan - Phó Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đánh giá tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân đã phát huy được vai trò, trên cơ sở đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hài hòa quyền lợi của người lao động và ông chủ. (ảnh K. Hồng)

Mặc dù số lượng tổ chức Đảng chưa nhiều nhưng vai trò của Đảng trong doanh nghiệp tư nhân được phát huy, trên cơ sở đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã có đóng góp đáng kể vào ngân sách của tỉnh, đời sống người lao động cũng từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đạt từ 3-11 triệu đồng/người/tháng, các quyền lợi khác đều được đảm bảo. Trong các doanh nghiệp có tổ chức Đảng không nảy sinh các tranh chấp lao động, không xảy ra đình công.... Đặc biệt, các doanh nghiệp này rất tích cực trong việc thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, tham gia các hoạt động an sinh trên địa bàn”.

Những khoảng trống chưa lấp đầy

Theo chỉ tiêu Đề án 5155 đề ra thì mỗi năm mỗi huyện, thành, thị ủy phát triển được ít nhất 1 tổ chức Đảng doanh nghiệp, đơn vị nào nhiều doanh nghiệp đang hoạt động thì mỗi năm phát triển từ 3-5 tổ chức Đảng; Ít nhất mỗi năm kết nạp được 5 chủ doanh nghiệp vào Đảng. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện Đề án (2/2014 đến nay), toàn tỉnh mới thành lập được 30 tổ chức Đảng, kết nạp 587 đảng viên, trong đó chỉ có 13 chủ doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp ở Nghệ An đã thể hiện được trách nhiệm xã hội của mình thông qua các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo...
Các doanh nghiệp ở Nghệ An đã thể hiện được trách nhiệm xã hội của mình thông qua các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo...

30 tổ chức cơ sở Đảng so với 375 doanh nghiệp thuộc Đề án và hơn 11.000 doanh nghiệp đang hoạt động của tỉnh Nghệ An thì đây là một con số rất khiêm tốn.

Kết quả phát triển đảng viên, tổ chức Đảng ở các huyện, thành, thị ủy đa số chưa đạt chỉ tiêu Đề án. Một số đơn vị như huyện Anh Sơn, Con Cuông tỉ lệ doanh nghiệp có tổ chức Đảng chiếm 50% so với số doanh nghiệp nhưng trên thực tế, số doanh nghiệp thuộc Đề án trên địa bàn chỉ có 2 doanh nghiệp.

Riêng 2 đơn vị điểm là thành phố Vinh và huyện Quỳ Hợp – 2 địa phương có số doanh nghiệp tư nhân lớn của tỉnh Nghệ An, đã đạt được chỉ tiêu Đề án về 50% số doanh nghiệp có tổ chức Đảng đã kết nạp được đảng viên. Tuy nhiên chỉ tiêu mỗi năm thành lập được 3-5 tổ chức Đảng; kết nạp ít nhất 5 chủ doanh nghiệp vào Đảng tại 2 địa phương này chưa đạt như Đề án đề ra ban đầu.

Hiện có 23 doanh nghiệp đã có từ 3 đảng viên trở lên nhưng chưa thành lập được tổ chức Đảng, trong đó có 13 doanh nghiệp có từ 30 lao động trở lên thuộc phạm vi Đề án.

Ông Hồ Phú Hợp - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An: Nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tổ chức Đảng trong hoạt động của doanh nghiệp...
Ông Hồ Phú Hợp - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An: Nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tổ chức Đảng trong hoạt động của doanh nghiệp...

Nghệ An là một trong những tỉnh kinh tế phát triển chậm, các doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thậm chí là cố gắng bám trụ để tồn tại do đó chưa thực sự quan tâm đến công tác xây dựng đảng. Trong 4 năm qua, có 29 doanh nghiệp thuộc phạm vi đề án đã bị giải thể hoặc ngừng hoạt động. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển Đảng theo Đề án 5155.

“Nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, chưa quan tâm khuyến khích người lao động phấn đấu vào Đảng. Người lao động trong các doanh nghiệp đa số tuổi đời còn trẻ, chưa nhận thức đầy đủ về Đảng. Họ cũng phải chịu nhiều áp lực về công việc, thời gian làm việc căng thẳng và còn tâm ý ngại tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, ngại sinh hoạt Đảng”, ông Hồ Phúc Hợp – Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An chỉ rõ.

Thực tế chứng minh, ở những doanh nghiệp mà người đứng đầu có trách nhiệm và tâm huyết với tổ chức đảng thì ở đó, việc phát triển tổ chức đảng, phát triển đảng viên thuận lợi hơn. Bởi vậy, gỡ nút thắt từ chính các chủ doanh nghiệp đang được xác định là biện pháp then chốt mà các tổ chức Đảng các cấp của Nghệ An đang triển khai.

 

Tác giả bài viết: Hoàng Lam

Nguồn tin: Dân trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây