Cán bộ chi cục thú y công tác chỉ đạo phòng ngừa dịch bệnh tại địa phương
Dịch tả lợn Châu Phi tái phát và lây lan nhanh, buộc phải tiêu huỷ 1.244 con lợn. Bệnh Cúm gia cầm H5N6 xảy ra tại 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu chưa qua 21 ngày. Số gia cầm ốm chết tiêu huỷ là 120 con. Bệnh lở mồm long móng cũng đã xảy ra tại 3 hộ ở huyện Quỳnh Lưu chưa qua 21 ngày.
Theo thống kê, số gia súc mắc bệnh là 11 con trâu, bò. Bên cạnh đó, theo Sở NN&PTNT Nghệ An, một sô bệnh khác như tụ huyết trùng, kí sinh trùng… cũng xảy ra rải rác trên địa bàn tỉnh. Theo nhận định của Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có tổng đàn vật nuôi lớn, nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ cho nên không áp dụng đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Do diễn biến thời tiết phức tạp, độ ẩm lớn sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tồn tại và phát triển. Việc tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm tại nhiều địa phương chưa triển khai đầy đủ, công tác tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi không thực hiện thường xuyên, cũng như hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật chưa kiểm soát chặt chẽ cho nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời gian tới rất cao.
Sở NN&PTNT Nghệ An đã có kế hoạch triển khai khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật đợt 3 năm 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Một tháng qua (20/9/2020 – 20/10/2020) thực hiện đồng loạt tại 21 huyện, thành thị trong phạm vi cả tỉnh với 10.000 lít hoá chất lodine 10%.
Theo ông Nguyễn Viết Lương – Trưởng phòng Quản lí dịch bệnh tại Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An cho biết: “Đối với các ổ dịch bệnh tả lợn Châu Phi, bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng, chúng tôi đã triển khai các biện pháp như: tăng cường công tác lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ dịch bệnh để xác định nguyên nhân cũng như nguồn lây;
Phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý dứt điểm các ổ dịch, tiêu huỷ ngay các lợn có kết qủa dương tính; tổ chức vệ sinh phun tiêu độc khử trùng vùng dịch, vùng uy hiếp 2 lần/tuần đầu và 1 lần trong 2-3 tuần tiếp theo; tổ chức tiêm phòng cúm gia cầm, lở mồm long móng, bao vây ổ dịch và xử lý tiêu huỷ các gia cầm phát bệnh,…”.
Trong thời gian tới, các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có thể tiếp tục xuất hiện và những ổ dịch cũ có nguy cơ bùng phát cao. Do vậy, cần phải chủ động, phòng chống dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.
Thanh Phương
Theo baophapluat.vn
Link gốc: https://baophapluat.vn/tin-tuc-tinh-thanh/nghe-an-nguy-co-bung-phat-dich-benh-tren-gia-suc-gia-cam-546668.html