Một hình thức phạt mà như… động viên, khuyến khích!

Thứ tư - 19/09/2018 07:21
Nếu tính theo giá thị trường, 2 triệu đồng mua được khoảng 6kg tôm (330 ngàn/kg), tức là mỗi năm mức phạt trị giá tương đương với 1kg tôm còn nếu tính theo ngày, mỗi ngày khoảng… 01 con tép bé.

 

 

 

 

Hàng triệu lít nước ô nhiễm được đổ thẳng ra môi trường suốt 6 năm ròng. Kênh rạch, đất đai và bờ biển bị ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân bức xúc, nhiều lần kêu cứu… Thế nhưng “ngạc nhiên chưa?” khi cán bộ môi trường vẫn “làm tròn trách nhiệm” và “ngạc nhiên không” khi mức phạt vi phạm lên đến… 2 triệu đồng.

Theo phản ánh của báo Dân trí, liên tiếp nhiều năm qua, người dân ở xã Xuân Đan (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng trước thực trạng hồ tôm xả thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Cụ thể, dự án nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh (xóm Bình Phúc, xã Xuân Đan) với quy mô 6 hồ (mỗi hồ chứa khoảng 2.000 khối nước) với tổng diện tích 2,5ha trong nhiều năm qua (2012 - 2018) cứ “thẳng tay” xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Trả lời phóng viên báo Dân trí, Ông Lê Hữu Phong, Phó Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân thừa nhận: “Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở, lập biên bản và xử lý vi phạm nhưng đối tượng này (ông Khánh- PV) không hợp tác”. Ông Phong nói.

Có lẽ quá bất lực, vị Phó phòng… đổ cho cấp dưới: “Huyện cũng đã có văn bản giao cho xã phải có trách nhiệm quản lý, giám sát nhưng xã quản lý chưa chặt nên có những thời điểm họ xả thải ra ngoài mà chưa qua xử lý”.

Ngạc nhiên hơn, khi phóng viên đặt câu hỏi: Tại sao dự án nuôi tôm mặc dù chưa hoàn thiện hệ thống xử lý về chất thải và việc này được phát hiện ngay từ thời gian đầu nhưng vẫn tiến hành cho nuôi thả? Tại sao khi cấp xã có dấu hiệu buông lỏng quản lý, làm ngơ cho dự án nuôi tôm xả thải mà huyện không có ý kiến gì trong suốt 6 năm qua?

Vị Phó Phòng TN&MT cho rằng huyện đã “làm tròn trách nhiệm” và đã “xử phạt hành chính số tiền là 2 triệu đồng. Lý do xử phạt là hồ nuôi tôm này không có hồ lắng để xử lý chất thải!”.

Xin thử làm một phép tính, 6 năm X 365 ngày = 2.190 ngày. Với mức phạt 2.000.000 đồng/ 6 năm, tức là mỗi ngày ông Khánh bị phạt… khoảng 900 đồng.

Nếu tính theo giá thị trường, 2 triệu đồng mua được khoảng 6kg tôm (330 ngàn/kg), tức là mỗi năm mức phạt trị giá tương đương với 1kg tôm còn nếu tính theo ngày, mỗi ngày khoảng… 01 con tép bé.

Câu hỏi đặt ra, vì sao một địa chỉ ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống của cả một vùng đất, môi sinh bị tàn phá không chỉ trước mắt mà còn để lại hậu quả nặng nề mà lại có thể tồn tại suốt 6 năm?

Tại sao chính quyền lại bất lực trước một cá nhân và tại sao lại có mức phạt “tép tôm”, như “động viên, khuyến khích” người vi phạm vậy? Có hay không, cái gọi là “chống lưng”, thậm chí ăn tiền của doanh nghiệp để nhắm mắt, làm ngơ?

Sự việc trên không lớn nhưng nó cho thấy có một sự “rệu rã” nơi chính quyền cơ sở và có lẽ, không chỉ riêng lĩnh vực môi trường.

Song, nếu như lôi hai ông Chủ tịch xã Xuân Đan và Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường Nghi Xuân ra “trị” thì đảm bảo, sự việc sẽ đâu vào đấy ngay, phải không các bạn?

 

Tác giả bài viết: Bùi Hoàng Tám

Nguồn tin: Dân trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây