Việc thực hiện chuyên đề, kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng các chất ma túy, bia rượu và vi phạm khác khi tham gia giao thông của Công an TP Hà Tĩnh lần này, không phải là lần đầu tiên Công an TP Hà Tĩnh triển khai thực hiện các chuyên đề, kế hoạch tăng cường nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Trước đó, nhiều chuyên đề, kế hoạch tăng cường đã được triển khai, đem lại hiệu quả tích cực, thay đổi ý thức tham gia giao thông của người dân, như: tốc độ, đi sai làn đường, nồng độ cồn…
Dễ thấy nhất là TNGT trên địa bàn TP Hà Tĩnh trong 2 năm gần đây đều giảm trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, người chết và người bị thương. Năm 2017, chỉ xảy ra 13 vụ, làm chết 11 người, bị thương 3 người. Năm 2018, đến thời điểm này chỉ xảy ra 6 vụ, chết 6 người.
8 tháng năm 2018, CSGT TP Hà Tĩnh đã lập biên bản 3.124 trường hợp, phạt tiền 1,967 tỷ đồng đối với người vi phạm; tạm giữ 1.033 phương tiện, tước GPLX 839 trường hợp. |
Để giảm được 3 tiêu chí này, lực lượng CSGT thành phố đã phải tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý. Theo đó, số vụ việc vi phạm, lập biên bản xử lý tăng. Chỉ tính 8 tháng đầu năm nay, CSGT TP Hà Tĩnh đã lập biên bản 3.124 trường hợp, phạt tiền 1,967 tỷ đồng đối với người vi phạm; tạm giữ 1.033 phương tiện, tước GPLX 839 trường hợp. Đáng chú ý, CSGT TP Hà Tĩnh đã phát hiện bắt quả tang 7 vụ/7 đối tượng mua bán trái phép chất ma túy, 2 vụ/2 đối tượng vận chuyển pháo, 4 vụ/4 đối tượng vận chuyển hàng lậu.
Có được con số trên, ngoài tinh thần trách nhiệm của “lính đi tuần”, “quân lập chốt”, thì lãnh đạo đơn vị cũng nêu gương trách nhiệm, khi không vì tình thân, quan hệ mà châm chước bỏ qua cho vi phạm.
“Có việc gia đình mới gọi, xe cộ… cấm!”
Chốt đêm 15/9 trên đường Nguyễn Huy Tự, Đại úy Trần Tô Hoài được giao nhiệm vụ Tổ trưởng. Xe Toyota BKS 38A- 898... sau khi không chấp hành hiệu lệnh, bỏ chạy bị bắt trở lại. Lái xe ngật ngưỡng bước xuống, bất hợp tác trước các yêu cầu đo nồng độ cồn, kiểm tra giấy tờ của chiến sỹ làm nhiệm vụ. Liên tục lớn tiếng và bấm số điện thoại cho một ai đó và yêu cầu Đại úy Hoài nghe. Lời từ chối được Đại úy Hoài đưa ra thẳng thừng: “Xin lỗi anh! Chúng tôi không được phép nghe điện thoại trong lúc làm nhiệm vụ, yêu cầu anh hợp tác đo nồng độ cồn và kiểm tra hành chính theo quy định!”.
“Các anh phải nghe! Đây là người nhà sếp…!”- Lái xe say rượu tiếp tục. “Đề nghị anh hợp tác! Chúng tôi không được phép nghe điện thoại của bất kỳ ai!” – Đại úy Hoài nghiêm nghị từ chối.
Người vi phạm bất hợp tác, gọi điện thoại "cầu cứu" người thân, nhưng CSGT TP Hà Tĩnh kiên quyết xử lý |
Lúc này, người đàn ông mình trần, đi xe ô tô không BKS bên kia đường cũng lớn tiếng “Không phải đo gì cả, tao uống rượu đấy!” và liên tục đề nghị nghe điện thoại. Nhưng tất cả đều nhận được lời từ chối như mệnh lệnh từ các chiến sỹ CSGT, cuối cùng “ngoan ngoãn” ký vào biên bản vi phạm.
Không phải ngẫu nhiên mà “lính đi tuần”, “quân lập chốt” không nghe điện thoại từ những người vi phạm giao thông. Quyền đội trưởng, Thiếu tá Phạm Duy Thành cho biết: Lúc làm nhiệm vụ, chúng tôi chỉ được phép làm đúng chức trách, quyền hạn, không được phép nghe điện thoại can thiệp, xin xỏ từ bất kỳ ai, kể cả lãnh đạo hay người thân của mình! Tất cả vi phạm đều phải được xử lý theo quy định.
Thiếu tá Phạm Duy Thành: "Có việc gia đình mới gọi, xe cộ…cấm!" |
Thiếu tá Thành cũng bật mí: “Lái xe BKS 38A- 898…kia có gọi cho người nhà sếp… Nhưng trước đó, sếp đã quán triệt anh em, kể cả vợ sếp có điện thoại can thiệp, cũng không được nghe!”.
Câu chuyện cán bộ, chiến sỹ Công an TP Hà Tĩnh lên đường tuần tra, lập chốt, trước khi đi dặn kỹ người nhà: “Có việc gia đình mới gọi, xe cộ…cấm!” không phải là câu chuyện bông đùa. Trực tiếp chị Đào Thị Vân Anh, vợ của Thiếu tá Phạm Duy Thành xác nhận: “Từ mấy năm trước, anh ấy đã dặn đi dặn lại là không được gọi điện xin xỏ, can thiệp chuyện xử lý xe cộ. Mỗi lần lên đường làm nhiệm vụ, anh ấy luôn dặn có việc gia đình mới gọi, xe cộ…cấm!”.
Phòng hơn chống!
Đem câu chuyện này trao đổi với Thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng – Trưởng Công an TP Hà Tĩnh, chúng tôi nhận được sự xác thực từ người lãnh đạo: “Chuyện ấy bình thường mà! Tôi đã quán triệt anh em không được phép nghe điện thoại của người vi phạm, không được phép du di bỏ qua vi phạm. Ngay cả tôi, không được phép can thiệp anh em đang làm nhiệm vụ”.
Thiếu tá Hùng kể, những lúc đơn vị ra quân làm các chuyên đề tăng cường, lãnh đạo Công an thành phố thường khóa máy, thay sim điện thoại để chỉ riêng cán bộ chiến sỹ biết, nhằm tránh những phiền phức bạn bè, người thân gọi nhờ can thiệp, xin bỏ qua vi phạm.
Hầu hết người tham gia giao thông chấp hành việc kiểm tra, đo nồng độ cồn, chất ma túy theo yêu cầu |
Nói về chuyên đề kiểm tra chất ma túy người điều khiển phương tiện giao thông, Thiếu tá Hùng cho biết: “Lâu nay, đơn vị đã triển khai tốt, hiệu quả các chuyên đề đo tốc độ, nồng độ cồn… TNGT trên địa bàn giảm cả 3 tiêu chí. Nay có điều kiện được trang cấp máy đo chất ma túy, nên xây dựng kế hoạch, triển khai ngay chuyên đề cao hơn, nhằm làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, đảm bảo bình yên cho người dân”.
Nhấn mạnh mục tiêu, nhiệm vụ “phòng hơn chống” trên tất cả các lĩnh vực an ninh, trật tự, nhất là vi phạm an toàn giao thông và tội phạm ma túy, Thượng tá Nguyễn Công Dũng – Phó trưởng Công an TP Hà Tĩnh cho biết, trước đây, qua xử lý các vụ TNGT, có nghi vấn một số vụ TNGT người gây ra tai nạn sử dụng chất ma túy, nhưng do điều kiện thiết bị chưa đáp ứng được, nên nhiều khi chưa có cơ sở kết luận.
Thượng tá Nguyễn Công Dũng trao đổi cùng PV báo Bảo vệ pháp luật: "Phòng hơn chống. Mục đích các đợt ra quân thực hiện chuyên đề là để ngăn ngừa vi phạm, tội phạm ngay từ đầu" |
“Qua các hoạt động nghiệp vụ, chúng tôi thấy rằng thực trạng thanh niên trẻ nghiện ngập, đua đòi chơi ma túy tổng hợp, điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang có chiều hướng tăng, tiềm ẩn nguy cơ gây ra TNGT. Nên đợt này có máy kiểm tra được 5 chất ma túy, chúng tôi triển khai ngay chuyên đề, trước mắt tập trung vào các đối tượng nghiện, có biểu hiện chơi ma túy mà qua nghiệp vụ Công an nắm được, làm công tác phòng ngừa chung” – Thượng tá Dũng cho biết.
Theo Thượng tá Dũng, đây là công tác kiểm tra theo chuyên đề, cũng là công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm, nhằm răn đe đội ngũ lái xe. Mục đích để các đối tượng nghiện, sử dụng ma túy quan tâm, có ý thức hơn khi tham gia giao thông, khi đã sử dụng ma túy thì không tham gia điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Nếu người điều khiển phương tiện dương tính với chất ma túy, sẽ bị áp dụng các biện pháp kiểm tra hành chính, lập hồ sơ quản lý |
Thượng tá Nguyễn Công Dũng cũng cho biết, qua text nhanh ma túy, nếu phát hiện đối tượng dương tính với ma túy thì áp dụng các biện pháp hành chính kiểm tra người và phương tiện, xem đối tượng có mua bán, tàng trữ trái phép các chất ma túy hay không… Từ đây sẽ truy ra đối tượng mua bán, các tụ điểm, đầu mối. Bởi kế hoạch triển khai có sự phối hợp các lực lượng: CSGT, CS hình sự, ma túy.
“Cái này đã được đơn vị đặt ra từ lâu, nhưng nay có công cụ phương tiện nên triển khai thuận lợi!” – Thượng tá Dũng nói và cho biết thêm, đợt ra quân kiểm tra chất ma túy là cơ sở pháp lý để công an các phường, xã lập hồ sơ, đưa đối tượng vào quản lý nghiệp vụ, giáo dục tại cộng đồng khi phát hiện các đối tượng sử dụng ma túy khi tham gia giao thông.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh, ông Lê Quang Đức: Những năm qua, lực lượng Công an TP Hà Tĩnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Các kế hoạch, chuyên đề về ATGT được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, góp phần ngăn ngừa vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này. Đặc biệt, qua việc triển khai thực hiện các chuyên đề, đã làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm chung, như chuyên đề kiểm tra chất ma túy mà Công an thành phố đang thực hiện. Lãnh đạo thành phố cũng thường xuyên chỉ đạo các ban ngành, phường, xã phối hợp tích cực, chặt chẽ với Công an thành phố trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, phòng chống tội phạm. Qua đó, bộ mặt thành phố có những đổi thay tích cực, các mặt đời sống, văn hóa, xã hội phát triển. |
Bùi Tiến