Liên quan đến vụ 4 người ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) bị ngộ độc rượu, ngày 9.1, ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị này đã có kết quả điều tra.
Theo đó, chiều 23.12.2018, tại nhà thờ Đồng Giám (Triệu Độ) tổ chức tiệc mừng Giáng sinh với 50 khách mời, trong đó có ông Nguyễn Văn Nhật, Lê Văn Tửu, Hoàng Thanh Chiến và Lê Văn Xược (cùng trú huyện Triệu Phong). Bữa tiệc có sử dụng bia, rượu.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật khi còn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ
Sáng 25.12.2018, 4 người nêu trên bị ngộ độc rượu. Ông Nguyễn Văn Nhật và Lê Văn Tửu cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, hai bệnh nhân còn lại cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đến ngày 28.12.2018, bệnh nhân Lê Văn Xược tử vong.
Sau khi sự việc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị phối hợp các cơ quan liên quan lấy các mẫu bệnh phẩm để phân tích.
Kết quả cho thấy, hàm lượng methanol trong mẫu máu bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc; mẫu máu của bệnh nhân Lê Văn Tửu cũng gấp hơn 6 lần ngưỡng gây ngộ độc.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu 4 bệnh nhân uống tại bữa tiệc có hàm lượng methanol vượt quá 1.119 lần ngưỡng cho phép. Đây chính là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng nêu trên.
Ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị cho hay, đơn vị này đã phối hợp cơ quan chức năng niêm phong, tạm giữ toàn bộ số rượu tại hai hộ sản xuất rượu cung cấp cho bữa tiệc giáng sinh gây ngộ độc; đồng thời kiến nghị Sở Công thương, chính quyền địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra các sản phẩm rượu, xử lý nghiêm các vi phạm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu chứa hàm lượng methanol cao gây ngộ độc thực phẩm.
Một vấn đề đáng lo ngại ông Biên nêu ra, theo báo cáo từ chính quyền địa phương, trên toàn tỉnh có khoảng 5.000 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh rượu nhưng chỉ có 149 đơn vị có giấy phép hoạt động. Trong 149 đơn vị có giấy phép thì chỉ có 15 cơ sở có đăng ký công bố chất lượng sản phẩm.
“Hiện nay, việc kiểm tra, giám sát chất lượng rượu nói riêng, các loại thực phẩm nói chung đang được giao cho quá nhiều cơ quan nên chất lượng công việc chưa cao. Thiết nghĩ, chỉ cần giao cho một cơ quan đảm nhận, thực hiện thì hiệu quả sẽ tốt hơn”, ông Biên nói.
Cùng ngày, đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Công an huyện Triệu Phong cho biết, đơn vị này vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc bệnh nhân Lê Văn Xược tử vong vào ngày 28.12.2018.
Liên quan đến việc cứu chữa bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật, chiều 9.1, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.
Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị chia sẻ việc truyền bia cứu người ngộ độc rượu. Ảnh: Ngọc Vũ
Bác sĩ Lâm cho biết, 6h sáng ngày 25.12.2018, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Nhật trong tình trạng hôn mê, hết sức nguy kịch. Đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện đã tiến hành xét nghiệm khí máu, soi đáy mắt và dựa vào biểu hiện lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol có trong rượu.
Sau đó, bệnh viện này đã dùng 3 lon bia (990ml) để truyền vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Sau đó, cứ một giờ đồng hồ truyền tiếp 1 lon bia. Sau khi truyền 15 lon bia (gần 5 lít) kết hợp việc lọc máu, điều trị tích cực, đến sáng 26.12 (sau 24 giờ) bệnh nhân Nhật tỉnh, nay đã xuất viện, sức khỏe ổn định.
Bác sĩ Lâm giải thích, rượu có hai loại cơ bản là Etylic và Metylic (Methanol). Khi đi vào cơ thể, gan sẽ chuyển hóa Etylic trước, sau đó đến Metylic. Trong đó, Etylic được chuyển hóa sẽ không gây ngộ độc nhưng Metylic được chuyển hóa thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao.
Trong bia có Etylic, vì vậy để ngăn chặn quá trình chuyển hóa Metylic, đội ngũ y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã truyền bia cho bệnh nhân. Khi truyền bia cho bệnh nhân Nhật, gan sẽ ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic, điều đó giúp có đủ thời gian để lọc máu. Hơn nữa, Methylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể, đó là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn